Cách phòng ngừa mang thai ngoài tử cung

14:46 14/04/2015

(Giúp bạn)Thai ngoài tử cung không thể duy trì vì thai nhi cần môi trường đặc biệt để có thể phát triển. Nếu không được xử trí và điều trị kịp thời, thai ngoài tử cung có thể gây tử vong cho mẹ.

Mang thai ngoài tử cung là gì?

Báo điện tử Đồng Nai cho biết, mang thai bình thường, thai sẽ nằm trong tử cung người mẹ. Còn có thai nhưng túi thai nằm ở những vị trí khác  là mang thai ngoài tử cung. Thai ngoài tử cung, nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời  sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Tử cung là cơ quan sinh sản của người phụ nữ. Khi mang thai, bào thai sẽ phát triển tại đây. Sau khi thụ tinh, trứng sẽ đi ngược vào lòng tử cung để phát triển thành thai. Vì một lý do nào đó như vòi trứng bị tắc, hẹp hoặc trứng di chuyển quá chậm… nên thai “đậu” lại và phát triển tại vị trí đó.

Mang thai ngoài tử cung có thể gặp ở nhiều vị trí khác nhau như ở vòi trứng (thường gặp nhất), hoặc bám phía trên buồng trứng, thậm chí nằm trong ổ bụng hay nằm tại cổ tử cung. Trong các vị trí trên, thai đậu ngay tại đoạn nối giữa vòi trứng và tử cung là vị trí nguy hiểm nhất vì khó chẩn đoán sớm, thai vỡ nhanh, gây chảy máu nhiều và ảnh hưởng nặng nề đến khả năng có thai sau này.

Nguyên nhân của thai ngoài tử cung phần lớn là do kết quả của tình trạng viêm nhiễm đường sinh dục kéo dài làm tắc, hẹp vòi trứng; can thiệp nạo phá thai nhiều lần hoặc do người phụ nữ bị mổ ở vùng bụng gây viêm dính… làm thay đổi hướng đi của trứng.

Theo bác sĩ Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, có thai, dù ngoài tử cung, người mẹ cũng có các triệu chứng của người có thai bình thường. Tuy nhiên, nếu gặp những triệu chứng bất thường như đau bụng, ra huyết cần nghĩ đến thai ngoài tử cung.

-1

Nếu khối thai nằm bên trong vòi trứng, khi thai phát triển sẽ làm vòi trứng bị giãn to dần và căng phồng (gây đau thường xuyên vùng bụng dưới) và có thể bị rạn nứt (gây chảy máu ít, âm ỉ trong bụng); khối thai này lớn đến một mức độ nào đó vượt quá khả năng căng dãn của vòi trứng sẽ vỡ ra, khi đó làm chảy máu nhiều trong ổ bụng.

Vì thế, nếu chị em thấy trễ kinh, đau bụng và chảy máu âm đạo, cần nghi ngờ là mang thai ngoài tử cung và nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để theo dõi.

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Hoan, Trưởng khoa sản 1 (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai) cho biết, mang thai ngoài tử cung để lại nhiều hệ lụy đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ. Hệ lụy cấp: với những trường hợp thai nằm tại vòi trứng, khi xảy ra tình trạng vỡ vòi trứng  người phụ nữ thường có cơn đau bụng dưới dữ dội, da xanh xao và cảm giác mệt lả.

Nếu không được xử lý kịp thời, tình trạng chảy máu trong ổ bụng sẽ càng ngày càng trầm trọng, có thể dẫn tới tử vong. Còn hệ lụy về lâu dài dễ dẫn đến khả năng tiếp tục mang thai ngoài tử cung ở những lần có thai sau; khả năng bị vô sinh cao hoặc khó có thai - nếu cả hai vòi trứng đã từng bị thai ngoài tử cung bám hoặc đã bị phẫu thuật cắt bỏ.

Phòng tránh mang thai ngoài tử cung như thế nào?

Quan tâm và theo dõi sức khoẻ sinh sản của mình, cả khi bạn không có ý định mang thai

Phunutoday dẫn tin theo Báo điện tử Người đưa tin,  mang thai ngoài tử cung có nguy cơ cao hơn ở những phụ nữ có tổn thương hay sẹo ở tử cung và ống dẫn trứng, thường là kết quả của viêm tiểu khung và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu hay chlamydia.

Hãy quan hệ tình dục an toàn, chung thuỷ và kiểm tra bệnh xã hội định kỳ để phát hiện các vấn đề ở đường sinh dục và sinh sản.

-2

Xem xét hồ sơ sức khoẻ và y tế của bạn

Nếu bạn từng bị viêm tiểu khung, lạc nội mạc tử cung và có phẫu thuật vùng bụng (kể cả sinh mổ), bạn có nguy cơ cao mang thai ngoài tử cung. Nếu bạn có hút thuốc hoặc cố gắng thụ thai khi đã lớn tuổi, bạn cũng có rủi ro mang thai ngoài tử cung cao hơn.

Khi phát hiện hay nghi ngờ có thai ngoài tử cung, người phụ nữ nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán rõ ràng và điều trị kịp thời.

Phát hiện sớm khi thai ngoài tử cung chưa vỡ sẽ giúp giảm được tình trạng mất máu do thai vỡ, giảm nguy cơ bị choáng và tử vong do thai ngoài tử cung, gia tăng khả năng giữ lại được vòi trứng – duy trì khả năng có thai lại bình thường.

Nhận biết các triệu chứng của thai ngoài tử cung nếu bạn có thai

Ban đầu thai ngoài tử cung cũng có những dấu hiệu thông thường như mọi trường hợp mang thai khác. Nếu bạn đột ngột thấy đau bụng dưới hoặc vùng chậu, tăng nhịp tim, chóng mặt và ngất xỉu, hãy đi cấp cứu ngay.

Bạn càng đến bệnh viện sớm chừng nào, bác sỹ càng có cơ hội xử trí tình hình sớm chừng đó trước khi vấn đề chuyển thành nghiêm trọng hơn.

Lưu ý với bác sỹ nếu trước đây bạn từng có thai ngoài tử cung và muốn mang thai lại

Một khi đã từng có thai ngoài tử cung, bạn có rủi ro cao hơn bị tái lại. Bác sỹ sẽ phải theo dõi cẩn thận hơn với kỹ thuật siêu âm trong suốt quá trình cố gắng mang thai của bạn.

Khám và kiểm tra thường xuyên

Đi khám phụ khoa và khám sản thường xuyên, và cố gắng không bỏ qua các lần hẹn kiểm tra sức khoẻ phụ khoa định kỳ, làm đầy đủ xét nghiệm phụ khoa cần thiết. Bạn cũng nên chủ động tìm hiểu kiến thức về hệ sinh sản và sinh dục của mình để dễ nhận biết khi có các vấn đề bất thường, cụ thể là thai ngoài tử cung.

Phụ nữ mang thai khi đi khám bệnh dù bất kì bệnh lý gì cũng nên thông báo cho bác sĩ và nhân viên Y tế về tình trạng có thai của mình, tránh việc chẩn đoán lầm và dùng thuốc không thích hợp.

Giữ gìn vệ sinh tránh viêm nhiễm

Khi có viêm nhiễm sinh dục nên đi khám bệnh để được điều trị đầy đủ. Khám phụ khoa định kỳ và khám phụ khoa ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm sinh dục để được điều trị thích hợp, tránh di chứng viêm dính gây tắc vòi trứng, nguy hại cho khả năng sinh sản về sau.

Thuốc tham khảo: Elevit

Thuốc Elevit được điều chế dựa trên một công thức đã được kiểm chứng lâm sàng có tác dụng giảm 92% rủi ro các bệnh liên quan đến ống thần kinh như tật nứt đốt sống cho bà bầu & thai nhi. Thuốc Elevit cũng giúp bà bầu ngăn ngừa thiếu chất sắt hữu hiệu và hỗ trợ sự phát triển hoàn thiện bộ não thai nhi.

Thùy Linh

Nên đọc
-3 Tránh thiếu máu khi mang thai
-4 Những dấu hiệu nhận biết có thể mang thai đôi
-5 Dị ứng khi mang thai có nguy hiểm không?
-6 Những việc không nên làm khi mang thai

Theo GDVN

Comments