Cách sử dụng và bảo quản máy sấy chén bát
(Giúp bạn)Không chỉ phổ biến ở nhà hàng, khách sạn lớn mà máy sấy chén bát đã thông dụng trong nhiều gia đình. Máy tự động sấy khô và tiệt trùng bát đĩa nên bát ăn vệ sinh hơn, cũng như giúp chị em giảm thời gian nội trợ. Tuy nhiên, nếu không được lắp đặt đúng kỹ thuật, không biết cách sử dụng và bảo quản thì sẽ tốn điện và máy nhanh hỏng.
- 1
Cách lắp đặt
Máy sấy chén được thiết kế để lắp đặt treo tường và âm vào trong tủ bếp. Vì vậy, khâu lắp đặt rất quan trọng, nhất là nguồn điện cung cấp cho máy. Dây dẫn điện phải đủ lớn, phù hợp với tổng công suất của máy sấy (700W); nên sử dụng dây dẫn tốt, cứng, có lõi đồng. Riêng phía đầu nguồn cung cấp điện, nên sử dụng một CB – 10A (Aptomat) để cung cấp điện riêng cho máy sấy và một dây tiếp đất để bảo đảm cho máy không bị ngắt điện đột ngột khi đang hoạt động, giúp tiết kiệm điện và dòng điện rò cũng không ảnh hưởng đến người sử dụng.
Khi sấy xong nên cúp nguồn điện (CB), tuyệt đối không được xịt nước và các chất tẩy rửa để rửa máy.
- 2
Một số lưu ý khi lắp đặt:
- Nên lắp đặt máy cố định để dễ làm vệ sinh. Đối với những trường hợp không âm vào tường hoặc tủ, nên kê máy cách mặt đất.
- Không được lắp đặt gần bếp hoặc gần lửa.
- 3
Cách sử dụng
- Để chức năng sấy khô và tiệt trùng của máy hoạt động tốt, khi rửa chén xong phải để cho ráo nước rồi mới xếp vào và giữa chúng phải có khoảng cách, không được xếp chồng lên nhau.
- Để việc sấy hoàn thành theo ý mình và tránh cho sản phẩm bị biến dạng, cần chọn các chức năng phù hợp với vật cần sấy.
- Khi sấy xong nên cúp nguồn điện (CB), tuyệt đối không được xịt nước và các chất tẩy rửa để rửa máy.
- Phải đợi cho quá trình tiệt trùng hoàn tất, đèn báo tắt sau 20 phút mới có thể mở và lấy chén đĩa ra sử dụng.
- 4
Cách bảo quản
- Thiết bị tiệt trùng chén bát cần được bảo quản trong môi trường đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh.
- Khi không sử dụng, nên cúp CB. Chỉ lau chùi máy khi thiết bị đã nguội hẳn và CB đã cúp. Trong quá trình lau chùi cần lưu ý:
- Dùng khăn lau bằng vải mềm, nhúng nước nóng và vắt khô để lau cả bên trong và bên ngoài máy. Không dùng các dụng cụ dễ làm xước máy như: miếng chà xoong, bùi nhùi có sợi cứng…
- Không được sử dụng các chất tẩy rửa có tính axít để lau chùi. Vì axít sẽ ăn mòn và làm hỏng phần men bên trong máy cũng như lớp nitrat bạc phủ trên bề mặt kính của máy. Trường hợp máy quá bẩn, có thể dùng dung dịch nước rửa chén pha với nước nóng để vệ sinh máy.
- Dùng khăn khô lau lại sau khi lau khăn ướt. Vệ sinh xong, nên đóng kín cửa để tránh bụi bám vào trong.
- Để tăng tuổi thọ bóng đèn diệt khuẩn, không nên đóng, mở cửa máy thường xuyên.
- Nên kiểm tra định kỳ máy một lần/năm đối với các thiết bị cung cấp điện cho máy như: CB, dây nguồn và dây tiếp đất.