Cách ứng xử với bé quá nhút nhát

13:33 11/02/2014

(Giúp bạn)Trẻ con thường khao khát khám phá thế giới xung quanh nhưng cũng rất thận trọng trước những cái mới. Đó là điều bình thường trong quá trình phát triển của các bé. Tuy nhiên, nếu con nhút nhát thái quá thì có khi lại là dấu hiệu chỉ ra vấn đề về hành vi nghiêm trọng hơn.

  • 1

    Đừng dán nhãn là bé nhút nhát trước mặt người khác

    Nói rằng con là một cô bé nhút nhát có thể khiến bé cảm thấy mình có điều gì đó không tốt. Đừng xin lỗi những người bạn hay người thân vì sự rụt rè của con. Nhút nhát là một nét tính cách, không phải là lỗi. Một số trẻ có bản chất cởi mở trong khi số khác lại e dè. Theo các chuyên gia, hầu hết trẻ rơi vào khoảng giữa hai trạng thái này.

  • 2

    Thừa nhận và tôn trọng cảm giác của con

    Sự nhút nhát có thể chỉ là một giai đoạn nhưng cũng có khi là tính khí tự nhiên của bé. Điều quan trọng là bạn nhận ra và tôn trọng cảm xúc của con khi không dễ dàng tiếp cận với một người hay cảnh mới.

    Trẻ thường rất rập khuôn với các thói quen của mình và không mấy cởi mở tiếp nhận sự thay đổi.

    Hãy nuôi dưỡng lòng tự trọng của trẻ và đảm bảo với bé rằng bạn hiểu cảm giác của con. Bạn cũng cần tìm hiểu để nhận ra những tín hiệu cho thấy bé đang cảm thấy khó chịu hay lo lắng khi giao tiếp xã hội. Hãy gần gũi và trấn an con. Nếu bé khóc hay nổi cơn giận dỗi vì muốn rời nơi nào đó thì bạn cũng đừng bắt con phải ở lại.

    cach-ung-xu-voi-be-qua-nhut-nhat-1

  • 3

    Tạo cơ hội cho con giao lưu bạn bè

    Các bé nhút nhát thường chỉ thích ở nhà với bố mẹ, vì thế hãy giúp con bắt đầu các mối quan hệ xã hội từ môi trường gia đình. Bạn có thể tạo điều kiện để bé chơi với một hay hai trẻ khác tại nhà. Hãy để con thật sự thoải mái trước khi thêm nhiều bạn chơi mới hay di chuyển tới một địa điểm chơi khác. Trong vài tuần đầu tiên, cho bé chơi cùng bạn trong thời gian ngắn, sau đó tăng lên từ từ để bé quen dần và thấy hoàn toàn thoải mái. Bố mẹ có thể đề nghị những người thân khác và bạn bè của mình tạo cơ hội để con giao lưu với họ trong trạng thái an toàn.

  • 4

    Chuẩn bị tâm lý cho bé khi gặp người mới

    Trò chuyện với con và để bé biết khi có người đến thăm hoặc gặp ai mới. Một trẻ nhút nhát có thể khó chịu ngay cả khi một người thân mà bé không biết hoặc lâu gặp đến thăm. Dùng những câu chuyện và tấm ảnh để bé làm quen với các thành viên gia đình hay bạn bè trước khi bé gặp họ. Bố mẹ có thể cùng con xem hình và và chia sẻ những ký ức thú vị với bé.

  • 5

    Kiên nhẫn và làm gương

    Đừng ép con vào tình huống khiến bé khó chịu. Một số trẻ luôn e dè và có cảm giác bất an hơn những bé khác. Hãy để con có thời gian thích nghi với người hay hoàn cảnh mới. Đừng bao giờ chì chiết vì con nhút nhát. Bạn hãy chấp nhận tính cách này của con mà không phán xét. Bố mẹ là hình mẫu của con. Vì thế bạn hãy luôn tự tin và cởi mở để là một tấm gương tốt cho bé. Nếu con quá nhút nhát hay khép kín, hãy nhờ tới sự tư vấn của các bác sĩ tâm lý nhi.

Comments