Cân nhắc việc đổi sữa cho trẻ

14:30 14/04/2015

(Giúp bạn)Khi quyết định đổi sữa cho con bạn cần cân nhắc về tuổi, tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý, sự dung nạp và thích ứng của cơ thể trẻ với những loại sữa khác nhau.

Đổi sữa cho trẻ

Theo Sức khỏe cộng đồng, khi quyết định đổi sữa cho con bạn cần cân nhắc về tuổi, tình trạng dinh dưỡng, bệnh lý, sự dung nạp và thích ứng của cơ thể trẻ với những loại sữa khác nhau. Dù chọn loại sữa nào đều phải thỏa mãn và phù hợp với nhu cầu sử dụng.

- Cần phù hợp độ tuổi của trẻ: Trẻ dưới sáu tháng chỉ nên dùng sữa công thức 1, trong trường hợp bé bú ít, không lên cân hay táo bón nhiều, ọc sữa nhiều, đi tiêu phân không tốt… thì phải đổi sang nhãn hiệu sữa khác nhưng vẫn phải thuộc nhóm công thức 1, vì chức năng thận còn non yếu của trẻ chỉ phù hợp với lượng chất đạm trong sữa công thức 1.

Trẻ bắt đầu tròn sáu tháng thì phải đổi sang sữa công thức 2 của cùng nhãn hàng của loại sữa đã sử dụng trước đó, vì lúc này chức năng thận của trẻ tốt hơn nhiều và thích nghi được với sữa công thức 2 giàu đạm hơn, tương ứng với nhu cầu đạm gia tăng ở trẻ lớn. Trẻ trên một tuổi có thể dùng nhiều loại sữa trong ngày, có thể dùng sữa tươi…

- Đừng quá e ngại đổi sữa khi cần thiết: Với trẻ lớn, khi bú sữa bị tiêu chảy hay táo bón thường xuyên, phân xấu, bú quá ít, không lên cân…, chỉ cần chọn một loại sữa phù hợp tuổi, nhãn hiệu tin cậy, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá cả phù hợp với kinh tế gia đình.

Sau đó cho bé uống thử, theo dõi tiêu hoá hấp thu và sự phát triển của bé để xác định sự phù hợp. Có thể đổi sữa mới ngay lập tức mà không cần giai đoạn chuyển tiếp: nếu trẻ vẫn thích nghi được, uống sữa mới bình thường giống như sữa trước đó, đạt mục tiêu tăng cân, tăng cao tốt…, việc đổi sữa khi đó thành công.

Tác động của một loại sữa với từng trẻ không phải chỉ một ngày hay hai ngày là thấy ngay. Vì vậy, sau khi đổi sữa một thời gian tối thiểu hai tuần thì mới có thể tạm đánh giá loại sữa đó có phù hợp với trẻ không.

Và một điều rất quan trọng, cần biết rõ những trục trặc của trẻ là do sữa hay do thiếu uống nước, do thức ăn đặc không phù hợp, cơ thể trẻ dị ứng, không dung nạp...  Nếu đã thay đổi hai, ba loại sữa mà vẫn không đạt mục tiêu mong muốn thì hãy nghĩ đến rắc rối không phải do sữa mà do nguyên nhân khác.

Những lưu ý khi đổi sữa

Chia sẻ trên VnExpress, bác sĩ Đặng Thu Hiền (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, việc đổi sữa cho con không phải cứ thích là làm. Trong trường hợp sữa bị nhiễm khuẩn như công bố, việc các mẹ phải đổi sữa cho con là điều hoàn toàn nên làm. Tuy nhiên, việc đổi sang hộp sữa cùng hãng không bị nhiễm khuẩn hay đổi hẳn sang loại sữa khác thì các mẹ cần lưu ý những điều sau:

-1

(Ảnh minh họa)

- Vấn đề không phải ở nhãn hiệu hay giá tiền, loại nào hợp với con bạn nhất, loại đó tốt nhất.

- Hầu hết các sản phẩm sữa cùng chủng loại có giá trị dinh dưỡng và thành phần tương đương nhau. Có bé dùng sữa A thấy rất tốt, người mẹ khác thấy vậy cũng mua cho con mình thì chưa chắc đã tốt vì mỗi cơ thể có khả năng tiêu hóa, hấp thu khác nhau, mỗi bé có khẩu vị, sự vận động, bệnh lý khác nhau. Vì vậy, sữa tốt nhất là loại sữa phù hợp với đứa con của mình nhất.

- Khi đổi loại sữa cho bé, mẹ cần chú ý xem bé có phản ứng với sữa không như là bị táo bón, hay nôn trớ… Và ít nhất là sau 2 tuần uống sữa thì thì mẹ mới biết được con có hợp với loại sữa đó hay không.

- Điều quan trọng là mẹ cần biết rõ là những trục trặc của bé là do sữa, do nước hay do thức ăn đặc không phù hợp với cơ thể bé. Nếu mẹ đã thay đổi hai, ba loại sữa mà vẫn chưa hài lòng thì hãy nghĩ đến những nguyên nhân khác như cơ thể bé không hợp với sữa bò… và nên hỏi lời khuyên của các bác sỹ.

- Đối với các bé, mẹ không nên đổi thường xuyên các loại sữa. Vì cơ thể bé cần có thời gian để thích nghi với các loại sữa. Mỗi loại sữa có thể tự tạo ra những môi trường vi sinh đường ruột khác nhau. Nếu mẹ đổi sữa liên tục cho con có thể sẽ làm thay đổi các hệ vi sinh đó, làm ảnh hưởng vấn đề tiêu hóa hấp thu sữa và các loại thức ăn khác.

- Khi đổi loại sữa cho bé (đổi từ sữa số bé sang số lớn của cùng một loại sữa, hoặc thay đổi hẳn loại sữa), mẹ nên thay đổi từ từ để bé dễ thích nghi. Ví dụ, nếu một ngày bé uống 3 bữa sữa, mẹ có thể thay bằng 2 bữa sữa cũ + 1 bữa sữa mới. Sau khoảng 3 – 4 hôm, mẹ có thể thay bằng 1 bữa cũ + 2 bữa mới. Sau 1 tuần, mẹ có thể thay thế hoàn toàn loại sữa mới cho bé.

Tham khảo thuốc: Vitamin B9

Việc bổ sung acid folic phải được thực hiện dưới sự theo dõi chặt chẽ của các bác sĩ trong điều trị thiếu máu ác tính nguyên hồng cầu khổng lồ. Vì triệu chứng thiếu acid folic dễ che lấp triệu chứng thiếu hụt B12 nên thường người ta dùng B12 trước để điều trị thiếu máu ác tính, nếu không hiệu quả sẽ chuyển sang dùng acid folic.

Tú Liên

Nên đọc
-2 Những cách giúp bà bầu ốm nghén dễ dàng nhất
-3 Bà bầu ốm nghén có thể sinh con thông minh hơn
-4 Chế độ dinh dưỡng khi trẻ bị ốm
-5 Càng ép con ăn, trẻ càng gầy ốm?

Theo GDVN

Comments