Chiêu “đúc” thiên thần từ bụng mẹ

16:55 10/02/2014

(Giúp bạn)Bạn muốn có một thiên thần khỏe mạnh, thông minh? Vậy bạn có biết thói quen sinh hoạt hàng ngày của bố mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến mong muốn này. Sau đây là 12 bí quyết giúp bạn an tâm vượt qua 9 tháng 10 ngày của thai kỳ để sinh được một thiên thần thật dễ thương.

  • 1

    Không giảm béo, không tăng quá cân

    Thời kỳ mang thai không thích hợp cho việc giảm béo vì nếu mẹ ăn kiêng khem thì sẽ không thể đảm bảo dinh dưỡng cho thai nhi. Ngoài ra, sức đề kháng của mẹ bị yếu đi, dễ bị cảm nhiễm, như vậy sẽ ảnh hưởng đếnsức khỏe của bé. Cách tốt nhất là trước khi mang thai, bạn hãy khống chế trọng lượng cơ thể ở mức lý tưởng.

    Trong thai kỳ, nếu bị tăng quá cân thì cần chú ý chế độ ăn uống, giảm bớt những thực phẩm quá nhiều calo, chất béo và ăn nhiều rau quả. Khi cơ thể quá béo dễ mắc các bệnh như cao huyết áp, tiểu đường. Bạn nên nhờ bác sĩ dinh dưỡng tư vấn chứ không nên dùng các biện pháp không an toàn để giảm cân.

    chieu-duc-thien-than-tu-bung-me-1
    Phụ nữ mang thai tuyệt đối không được giảm cân. (ảnh minh họa)

  • 2

    Nên vận động nhẹ nhàng

    Trong thai kỳ nếu không có sự vận động thích hợp, sự trao đổi chất của cơ thể giảm sút, thể lực kém, năng lượng nạp vào người không được tiêu hao dễ dẫn đến béo phì.

    Bác sỹ khuyên rằng các bà bầu nên vận động nhẹ nhàng, tốt cho tim mạch, tăng sự đàn hồi cho cơ, có lợi cho cả mẹ và con. Chỉ cần không mắc bệnh gì đặc biệt, mỗi ngày bạn nên sắp xếp thời gian cho việc vận động phù hợp với mình như đi bộ, tập các động tác thể dục nhẹ nhàng. Nếu có điều kiện, bạn hãy tham gia các lớp thể dục dành cho bà bầu, hoặc các môn bơi lội, tập yoga, dancing…

  • 3

    Không làm việc nặng nhọc

    Thời kỳ đầu mang thai, nếu làm việc quá sức dễ dẫn đến ra máu, sảy thai. Giai đoạn giữa và cuối thai kỳ nếu lao lực thì thai nhi sẽ bị nhẹ cân, sinh sớm, cơ thể mẹ bị suy nhược…

    Khi cảm thấy cơ thể không khỏe, bụng có cảm giác bất thường thì phải đi nằm nghỉ ngay. Nếu như có hiện tượng ra máu hoặc tử cung co lại phải lập tức đến bệnh viện.

    Hãy giảm bớt áp lực công việc, không nên yêu cầu mình quá cao như thời kỳ trước khi mang thai, hãy để bản thân thư giãn.

  • 4

    Tâm lý vui vẻ rất quan trọng

    Người mẹ và thai nhi tuy hai mà một. Tâm trạng mẹ ổn định, vui vẻ hoặc bị kích động khiến tim đập nhanh, mạch loạn nhịp, thai nhi trong bụng cũng sẽ cảm nhận được các trạng thái đó. Các chuyên gia cho rằng những bà mẹ có tâm lý vui vẻ, luôn mong đợi sự ra đời của thai nhi thì sẽ dễ dàng vượt qua giai đoạn “mang nặng” hơn, em bé sinh ra cũng khỏe mạnh và ngoan hơn.

    chieu-duc-thien-than-tu-bung-me-2
    Tâm trạng mẹ ổn định, vui vẻ cũng ảnh hưởng tích cực đến thai nhi. (ảnh minh họa)

  • 5

    Không uống rượu, hút thuốc

    Rượu và thuốc lá là những thứ tối kỵ của bà bầu. Nếu hít nhiều khói thuốc sẽ khiến em bé sinh ra bị nhẹ cân, sinh non hoặc chết lưu.

    Chất cồn vào cơ thể mẹ sẽ khiến thai nhi phát triển chậm chạp, thần kinh trung ương bất thường, cơ thể có dị tật. Trong cà phê, trà đặc cũng có nhiều chất cafein làm ảnh hưởng sự phát triển của thai nhi, vì vậy bạn không nên uống những thứ này.

  • 6

    Ăn nhiều rau quả

    Táo bón là hiện tượng phổ biến trong thời kỳ mang thai, nguyên nhân là do khi mang thai, sự phát triển của tử cung tạo áp lực ảnh hưởng lên ruột, làm giảm nhu động ruột dẫn đến táo bón. Sự thay đổi trong quá trình bài tiết của hooc môn cũng là một trong những nguyên nhân gây táo bón. Những bà bầu ít hoạt động dễ bị táo bón hơn.

    Hãy bổ sung một lượng rau quả và nước thích hợp trong thực đơn hàng ngày, nên duy trì vận động nhẹ nhàng để tăng sự trao đổi chất của cơ thể và tăng nhu động ruột. Nếu như tình trạng táo bón trở nên trầm trọng thì nên đi khám bác sỹ, không được tùy ý uống thuốc. Khi đi đại tiện nên chú ý không được rặn mạnh quá dễ dẫn đến sinh non.

  • 7

    Chú ý ăn mặc

    Khi cơ thể đã thay đổi về vóc dáng, hãy chọn mặc quần áo thích hợp. Không mặc quần áo quá chật, quá bó. Bà bầu hay ra mồ hôi, nên chọn loại vải thấm mồ hôi, thoáng, mềm. Ngoài ra, quần áo lót cũng cần chú ý thay đổi để vừa với vóc dáng. Để đảm bảo an toàn và tránh tình trạng đau lưng, đau hông, tốt nhất bạn nên đi giày đế bằng hoặc đế thấp, không nên đi giày cao gót.

  • 8

    Tìm đọc các sách báo về mang thai, nuôi dạy trẻ

    Để trở thành một người mẹ tốt không phải là chuyện đơn giản. Ngay từ lúc mang thai, bạn hãy thường xuyên tìm đọc cách sách báo, tạp chí liên quan hoặc tham gia các lớp học để trang bị cho mình những kiến thức cần thiết trở thành bà mẹ “chuẩn”.

    chieu-duc-thien-than-tu-bung-me-3
    Ngay từ lúc mang thai, bạn hãy thường xuyên tìm đọc cách sách báo, tạp chí
    liên quan để bổ sung kiến thức cho mình.

  • 9

    Khám thai định kỳ

    Việc khám thai định kỳ vô cùng quan trọng. Thông qua việc khám thai, bạn sẽ biết được con mình đang phát triển như thế nào và cần làm điều gì để tốt hơn cho bé. Đồng thời, bác sỹ cũng dễ dàng phát hiện sớm những vấn đề bất thường để kịp thời xử lý. Mỗi lần khám, nếu như bạn có bất kỳ lo lắng gì, hãy hỏi bác sỹ để giải tỏa mọi thắc mắc trong lòng.

  • 10

    Sinh hoạt điều độ, không thức qua đêm

    Thức đêm làm giảm sức đề kháng của cơ thể, giảm thể lực, da xấu… Mẹ phải giữ sức khỏe mới sinh ra con khỏe mạnh. Nếu sinh hoạt điều độ, em bé trong bụng sẽ được nghỉ ngơi và hoạt động theo nhịp sinh hoạt của mẹ, khi ra đời cũng sẽ thích nghi với nếp ăn ngủ đúng giờ.

    Đảm bảo ngủ đủ giấc, ăn uống cân bằng cũng giúp bạn tránh khỏi những chứng bệnh thường gặp trong giai đoạn thai kỳ như mất ngủ, đau đầu.

  • 11

    Chú ý thai nhi máy

    Khi đến tuần thứ 18 đến 20, bạn sẽ cảm nhận được khi thai nhi máy. Đây là tín hiệu để mẹ nhận biết sự an nguy của bé, đặc biệt trong tuần thứ 28 đến 38 là giai đoạn mà các bé nghịch ngợm nhất. Về nguyên tắc, nếu trong một giờ đồng hồ, thai nhi có 3 lần máy trở lên hoặc trong 12 tiếng đồng hồ có từ 30 đến 40 lần máy là hiện tượng bình thường. Nếu như bạn thấy số lần máy của thai nhi giảm rõ rệt hoặc lâu không thấy động tĩnh gì thì phải lưu ý vào viện kiểm tra ngay.

  • 12

    Nhớ dưỡng da

    Trong giai đoạn này, nội tiết tố thay đổi dẫn đến những biến đổi về da như hay ra mồ hôi, nổi mụn, mẩn ngứa, rạn da, nám da… Bạn nên chú ý chăm sóc da như thay đổi các loại sản phẩm dưỡng da cho thích hợp, không tắm nước quá nóng, hạn chế dùng xà phòng tắm, đội mũ che nắng khi ra ngoài.

Comments