Cùng bé ‘đối đầu’ với 4 nỗi sợ
(Giúp bạn)Sợ tiếng ồn, động vật, chú hề hoặc sợ tắm là 4 ám ảnh tâm lý điển hình ở bé 1-2 tuổi.
- 1
Sợ tắm
Hiểu tâm lý của bé: Bé của bạn sẽ có chút áp lực khi phải đi tắm, bé có thể lo sợ bị trượt hoặc bị hút xuống lỗ thoát nước.
Giúp bé vượt sợ hãi: Cùng bé tắm trong chậu tắm (không phải bồn tắm có lỗ thoát nước) hoặc tắm theo cách nào đó mà bé thấy thoải mái. Mở vòi nước hoặc từ từ đổ nước vào trong chậu tắm, trong khi bé có thể ngồi trên ghế nhựa bên cạnh để mẹ lau mặt cho bé trước đã. Sau đó, nếu bé chịu thì bạn có thể đặt con ngồi vào chậu tắm. Còn không, cứ để bé ngồi bên ngoài và mẹ sẽ tắm cho bé. Cách này thích hợp để tắm cho bé trong thời tiết mát mẻ của mùa hè.
Kỹ thuật khác: Cho bé mới biết đi của bạn ngồi chơi trong bồn tắm chưa có nước cùng với đồ chơi bằng cao su mềm. Bạn có thể tạo những câu chuyện buồn cười để tham gia cùng bé. Cùng lúc đó, bạn từ từ mở đổ nước ấm vào chậu tắm cho bé. Tiếp tục, vừa tắm cho con vừa dụ bé vui chơi để đánh lừa bé.
- 2
Sợ tiếng ồn to
Hiểu tâm lý của bé: Khi bé khám phá thế giới một cách độc lập, bé có thể bất ngờ hoảng sợ bởi một tiếng ồn lớn mà bé chưa thể xác định được đó là gì, chẳng hạn tiếng sấm sét hoặc thậm chí là tiếng xối nước từ toilet.
Giúp bé vượt qua: Bé đủ nhận thức để biết có gì đó nguy hiểm nhưng lại chưa đủ khôn ngoan để phân biệt thứ gì thực sự nguy hiểm, thứ gì không. “Bằng cách ‘dán nhãn’ cảm xúc cho bé nhà bạn và tiếng ồn, tức là bạn đã giúp bé xác định được nguyên nhân gây tiếng ồn và từ đó, bé sẽ biết cách ứng phó với nó” - Ellen B. Braaten (một nhà tâm lý học trẻ em tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts ở Boston) nói. Bạn có thể trấn an bé: “Mẹ biết con đang sợ tiếng còi xe nhưng nó không làm hại con đâu”. Nếu bé muốn nói chuyện, nên trò chuyện về nỗi sợ hãi của bé. Dạy bé nói sợ hãi khi bé sợ hãi và bạn nói cho bé biết những gì đang gây phiền hà cho bé.
Khi bé bình tĩnh hơn, bạn có thể cùng con xem xét nguồn gốc của tiếng ồn. Sau đó, tặng bé một tiếng cười khích lệ nếu đó là tiếng ồn vô hại. Điều này giúp bé kết nối cảm xúc tích cực với mẹ về những gì bé thấy là đáng sợ. Tuy nhiên cho đến khi nỗi sợ của bé đi qua, bạn nên tạm ngưng hút bụi hay dùng máy xay sinh tố.
- 3
Sợ động vật
Hiểu tâm lý của bé: Những con vật dường như vô hại như con bướm, con mèo có thể làm bé lo lắng khi nó đột nhiên bay hoặc kêu lên.
Giúp bé vượt qua: Cho bé tiếp xúc với con vật an toàn để bé hiểu những con vật ấy không nguy hiểm như bé nghĩ. Có thể cho bé đi vườn thú xem các loài chim, loài vật để bé hiểu thêm về con vật mà không bối rối.
- 4
Sợ chú hề
Hiểu tâm lý bé: Những chú hề, những nghệ sĩ hóa trang với những đường nét khác lạ trên mặt có thể làm bé hãi.
Giúp bé vượt qua: Nếu bạn đưa con đi xem xiếc mà có chú hề, nên giải thích cho bé trước về những chú hề và cách ăn mặc của họ. Sau đó, đọc một cuốn sách có chú hề hoặc vào Google để tìm hình ảnh chú hề, giúp bé làm quen với hình ảnh chú hề. Nếu bé vẫn sợ thì chỉ cần bạn ở bên cạnh bé và trấn an bé trước chú hề là được. Nếu bé muốn nhanh rời đi thì bạn nên chiều con, đừng bao giờ ép bé phải tiếp xúc với điều gì khi bé đang sợ hãi.