Cùng nhau chuẩn bị cho ngày trọng đại
(Giúp bạn)'Lôi kéo' chú rể cùng tham gia việc chuẩn bị cho đám cưới sẽ làm tình cảm của đôi uyên ương thêm gắn bó bền chặt và cả hai hiểu nhau hơn.
- 1
Bày tỏ nguyện vọng rõ ràng với chú rể
Hầu hết các chú rể đều không quá kỹ tính, không muốn xét nét những công việc nhỏ nhặt mà thường tin tưởng và dành quyết định lựa chọn cho cô dâu của mình. Vì họ cho rằng, sự góp mặt của họ không quá cần thiết, miễn là cô dâu chọn được các dịch vụ ưng ý, như vậy chú rể cũng sẽ hài lòng. Nếu bạn muốn chú rể cùng tham gia vào công tác chuẩn bị cho hôn lễ, bạn nên bày tỏ nguyện vọng rõ ràng và nói chuyện cụ thể với chú rể.
Không phải chú rể nào cũng "đọc" được ý nghĩ và nguyện vọng của cô dâu, nên việc nói chuyện rõ ràng về dự định của mình là điều cần thiết. Đa số chú rể không thích mua sắm hay đi lo những công việc chuẩn bị nhưng chắc chắn họ sẽ đóng góp ý kiến, hoặc cùng bạn đi mua sắm, chọn đồ cho ngày cưới để bạn bạn vui lòng.
- 2
Tìm hiểu thế mạnh của chú rể
Khi lên danh sách những công việc mà đôi uyên ương cần chuẩn bị, cô dâu nên hỏi chú rể xem chàng muốn giúp gì bạn hoặc có thể làm tốt những gì. Ví dụ, nếu chú rể là người có khả năng thiết kế, in ấn thì cô dâu đừng ngại ngần nhờ chú rể lo liệu phần thiết kế phông bạt hay in ảnh cưới. Người bạn đời của bạn sẽ thích thú hơn khi được nhận công việc đúng với thế mạnh của mình bởi đó là những phần việc chàng dễ dàng hoàn thành và vui vẻ khi làm.
- 3
Tham khảo ý kiến của chàng trong mọi vấn đề
Trong mọi vấn đề liên quan đến đám cưới, cô dâu nên hỏi ý kiến chú rể và đưa ra những lựa chọn để chú rể tìm ra giải pháp tốt nhất. Bởi lẽ, đám cưới là của hai người, quyền quyết định mọi việc cũng thuộc về cả hai nên tất cả mọi công việc cần lo liệu cho đám cưới đều cần làm hài lòng cả hai người. Như vậy, cả cô dâu và chú rể đều sẽ thấy thoải mái với đám cưới và có thể quán xuyến công việc như một trong hai người mắc việc bận, không lo liệu hoàn tất công việc được.
- 4
Cùng nhau đi mua sắm, chọn đồ
Để chuẩn bị cho tổ ấm mới, đôi uyên ương sẽ phải mua sắm nhiều, cũng như phải tiếp xúc nhiều với nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến cưới hỏi. Những lúc này, cô dâu đừng quên rủ chú rể cùng đi mua sắm, chọn đồ với mình. Khi mua đồ, ý kiến của hai người sẽ sáng suốt hơn và mỗi khi đồng hành cùng nhau, tình cảm cô dâu chú rể lại càng gắn bó hơn.
Dù đi mua những vật dụng không nằm trong "thế mạnh" hiểu biết của chú rể, nhưng chỉ việc hai người đi cùng nhau đã khiến mọi việc trở nên đơn giản và tạo không khí thoải mái hơn trong mối quan hệ vợ chồng sau này. Ví dụ, nhiều cô gái thích đi thử váy cưới cùng bạn bè nhưng đó chưa chắc đã là điều hoàn toàn đúng đắn, vì cô dâu sẽ diện váy cưới trước mặt chú rể, nên chú rể cũng cần góp ý trong quá trình chọn váy cho cô dâu.
- 5
Tỏ thái độ dễ chịu, nhẹ nhàng
Trong quá trình chuẩn bị đám cưới, cả hai chắc chắn sẽ gặp nhiều điều mệt mỏi. Những lúc như vậy, cô dâu cần là người tỏ ra thái độ nhẹ nhàng để không tạo áp lực cho chú rể. Thường xuyên tâm tình cùng chồng sắp cưới, chia sẻ những vấn đề trong việc chuẩn bị sẽ làm cô dâu cảm thấy thoải mái hơn. Đặc biệt, nếu khi cô dâu và chú rể đưa ra hai ý tưởng khác nhau, cô dâu cần xem xét kỹ ưu, nhược điểm của cả hai ý tưởng và bàn bạc với thái độ tích cực, không nên cáu gắt hay khó chịu, dễ gây căng thẳng trước đám cưới.
Tuy nhiên, vẫn có những chú rể muốn dành toàn quyền quyết định cho cô dâu hoặc quá bận mà không thể tham gia vào việc chuẩn bị. Với những trường hợp này, cô dâu không nên buồn mà nên đánh giá cao sự ủng hộ từ xa của chú rể. Lúc này, bạn có thể nhờ tới người thân và bạn bè để giúp bạn lo liệu cho đám cưới. Các cô dâu cũng đừng quên hỏi ý kiến cũng như thông báo các quyết định liên quan đến hôn lễ cho chú rể để chàng luôn bắt kịp tình hình và quan tâm đến bạn.