Dạy bé kiêng gì ngày đầu năm?

13:47 11/02/2014

(Giúp bạn)Năm mới đến rồi, sao bạn không nhân dịp này để dạy trẻ và nhỏ thêm nhiều giọt thông tin bổ ích về những điều kiêng kỵ ngày đầu năm vào óc học hỏi cực nhạy của bé.

 

Trẻ con như những tờ giấy trắng tinh. Chúng luôn mở to đôi mắt hồn nhiên và mở căng đôi tai vô tư để đón nhận những dữ kiện mới lạ của thế giới quan xung quanh. Năm mới đến rồi, sao bạn không nhân dịp này để dạy trẻ và nhỏ thêm nhiều giọt thông tin bổ ích về những điều kiêng kỵ ngày đầu năm vào “tờ giấy thấm hút” cực nhạy của bé.

 

  • 1

    Nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng

    Người Việt thường cho rằng nếu quét nhà trong 3 ngày đầu năm mới thì thần Tài sẽ đi mất, tiền bạc sẽ không đến được với gia đình và nó còn mang lại điềm xấu, cũng không được đổ rác vì ngụ ý giữ tài lộc trong nhà. Vì thế ai cũng quét dọn nhà cửa, vườn tược, bao sái đồ thờ tự trước lúc giao thừa. Không nhất thiết bạn phải dạy con nguyên văn những điều này nhưng việc giữ gìn nhà cửa sạch sẽ là điều mà bé nên biết và làm theo. Hãy phân công lao động hợp lý khi ba thì lau dọn tủ thờ, mẹ lui cui chùi rửa bàn bếp, còn con có thể lăng xăng phụ ba mẹ hoặc đảm nhận riêng phần sắp xếp tủ quần áo của mình.

    day-be-kieng-gi-ngay-dau-nam-1

    Đừng thui thủi một mình lau dọn nhà cửa mà hãy chỉ dạy cho bé cùng làm với bạn.

  • 2

    Không mè nheo, khóc lóc

    Năm mới là thời điểm đón những điều tươi mới cũng như tống tiễn nỗi lo lắng, ưu tư của năm cũ. Nếu bé con nhà bạn có tật hay khóc lóc, mè nheo thì đây là thời điểm để bạn uốn nắn và bỏ nhỏ với bé con rằng “Bé nào mà khóc vào đầu năm thì trong năm sẽ hay bị la mắng và xui xẻo lắm đó.” Để bé tích cực tiếp thu, hãy củng cố niềm tin của con bằng bí mật “Ngoài ra, bé nào ngoan ngoãn, lễ phép, hay cười thì sẽ được mọi người yêu quý và gặp nhiều may mắn trong suốt cả năm luôn.” Theo tâm lý chung, trẻ nào cũng sẽ thích được khen, được yêu thương nên đây chính là những dịp tốt để chúng ta góp phần vun đắp thêm “tính bản thiện” của con.

    day-be-kieng-gi-ngay-dau-nam-2

    “Trẻ ngoan là trẻ không mè nheo, quấy khóc, phải không con?”

  • 3

    Không làm vỡ đồ đạc

    Ông bà ta quan niệm sự vật dụng đổ vỡ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa và là điềm báo không may cho cả năm. Bạn không cần phải “đao to, búa lớn” truyền tải nguyên văn sự nặng nề đó vào tâm hồn trẻ nít của con. Tuy nhiên, đây cũng là điều cha mẹ nên chỉ dạy cho con cái để rèn tính cẩn thận của bé từ nhỏ. Còn gì hợp lý và hợp lẽ hơn để tô đậm sự lưu ý này trong trẻ khi bé nhìn đâu cũng thấy mọi người cẩn thận tránh làm đổ vỡ đồ đạc những ngày đầu năm. Để con ý thức được phần nào sự xui xẻo nên tránh của việc này, mẹ chỉ cần “Khi làm vỡ đồ đạc, con có thể bị đứt tay chảy máu rất đau. Ngoài ra, đồ đạc bị vỡ ngày đầu năm sẽ quen và vỡ hoài trong năm. Mẹ con mình phải đề cao cảnh giác và cẩn thận con nhé!.”

    day-be-kieng-gi-ngay-dau-nam-3

    Hăng hái giúp mẹ là tốt, nhưng cẩn thận kẻo đổ vỡ sẽ vừa đứt tay vừa…xui xẻo cả năm nha con!

  • 4

    Cẩn trọng lời nói

    Thường vào những ngày đầu năm, chúng ta luôn cố gắng kiêng nói những điều không vui, xui xẻo cũng như nói to, cãi nhau, nói xấu hoặc chửi mắng người khác. Đây cũng là việc nên được bổ sung vào danh sách những bài học nhân cách cho trẻ dịp đầu xuân. Bạn hãy nhẹ nhàng dặn con không nên cãi cọ to tiếng với bạn bè, cần lễ phép tôn trọng người lớn cũng như không được nói linh tinh kiểu như “Chán như con gián, đi chết cho xong”. Đôi lúc, trẻ con thường chỉ là bắt chước mà không ý thức được ý nghĩa của những lời lặp lại ấy. Lâu dần quen miệng, chúng sẽ khó bỏ và sẽ thành thói tật nói năng bỗ bã, không cẩn trọng.

    day-be-kieng-gi-ngay-dau-nam-4

    Khi được chỉ bảo cẩn thận, bé cũng sẽ biết điều nào nên nói và lời nào nên tránh.

  • 5

    Học cách biết ơn

    Người Việt Nam từ ngàn xưa đã luôn đề cao truyền thống nhớ ơn. Nét đẹp này nên được lưu truyền thế hệ này qua thế hệ khác. Do đó, nếu bé con nhà bạn chưa ý thức được việc nhận lì xì thì nên trân trọng, biết ơn và chúc Tết người lì xì; bạn còn chờ gì mà không trực quan sinh động dạy bé chúc Tết mỗi khi nhận được phong bao đo đỏ ngay trong dịp xuân về này? Chẳng hạn, với ông bà phải là “sống lâu trăm tuổi”, với những người trung niên thì “sức khỏe dồi dào”, với những người làm nghề buôn bán thì lời chúc phải là “buôn may bán đắt”… kèm theo những lời chúc phải là một thái độ cung kính, lễ phép. Khi nhận lì xì, bé cũng biết phải đưa cả hai tay ra đón nhận phong bao và nói lời cám ơn với người lớn.

    day-be-kieng-gi-ngay-dau-nam-5

    “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

    Lì xì đã nhận lời hay đáp đền”

    Nhận lì xì và chúc Tết là nét đẹp văn hoá mà bé nên biết và duy trì, mẹ nhé!

    Mỗi độ xuân về, ai ai cũng đều mong nhiều điều may mắn cũng sẽ về với nhà của mình. Thiết nghĩ, những điều tốt đẹp này đều do chính thái độ sống của mọi người trong gia đình vun đắp và gầy dựng nên. Nhân dịp năm mới, chúc cho các thành viên nhí của gia đình bạn thuộc nằm lòng các điều kiêng ở trên để vừa hoàn thiện quá trình phát triển nhân cách lại vừa góp phần mang lại nhiều tiếng cười hạnh phúc cho cả gia đình.

Comments