Dạy con biết khoan dung

12:47 11/02/2014

(Giúp bạn)Trẻ có tính cởi mở, biết cảm thông với người khác bao giờ cũng dễ kết bạn và được nhiều người yêu quý hơn. Bởi vậy, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ hãy dạy cho con biết về lòng khoan dung và tầm quan trọng của sự tha thứ.

Thế nào là người có lòng khoan dung?

Biết lắng nghe để hiểu người khác.

Biết tha thứ cho người khác.

Không chấp vặt, không thô bạo

Không định kiến, không hẹp hòi khi nhận xét người khác.

Luôn tôn trọng và chấp nhận người khác.

Cha mẹ có thể làm để giúp con học được tính khoan dung, rộng lượng?

  • 1

    Hãy nói với con về lòng khoan dung

    Có nhiều cách để cha mẹ dạy cho con biết về lòng khoan dung như nêu gương, thảo luận, cho các con cơ hội chơi đùa và làm việc với các trẻ khác…

    Tuy nhiên, dạy con lòng khoan dung là quá trình dài lâu chứ không thể một sớm một chiều mà con hiểu được. Vì vậy, hãy bắt đầu bằng những câu chuyện cởi mở với con về mọi chủ đề, ngầm cho con biết chẳng có điều gì là cấm kỵ cả và sự tha thứ có sức mạnh rất lớn trong việc giúp thay đổi một con người.

  • 2

    Hãy thể hiện thái độ

    Bên cạnh việc “truyền bá tư tưởng”, mỗi khi con có ý miệt thị, hằn học, ghét bỏ ai, bạn nên thể hiện thái độ không tán thành, hoặc lắng nghe bất hợp tác.

    Đó chính là thông điệp rõ ràng cho trẻ hiểu đó là việc không nên làm. Chỉ cần thái độ gật gù của bạn cũng đủ để trẻ nghĩ: “À, cha mẹ cũng đang hậu thuẫn cho mình rồi”.

    Ngoài ra, cũng cần phân tích cho trẻ hiểu rõ vấn đề, điều chỉnh để trẻ có cách suy nghĩ đúng đắn hơn.

    day-con-biet-khoan-dung-1

  • 3

    Cho con tiếp xúc với nhiều người

    Cho con tiếp xúc với mọi người, tham gia vào các hoạt động xã hội càng sớm càng tốt. Từ đó trẻ sẽ tự biết được rằng xã hội có nhiều người giàu, nghèo khác nhau, sinh sống bằng nhiều nghề khác nhau…và thế giới này không chỉ có mình ta mà còn có nhiều người khác nữa.

    Bạn cũng nên chỉ cho trẻ thấy, cái gì cũng có mặt tốt - mặt xấu. Vì vậy, với mỗi sự việc xảy ra, trẻ cần phân tích từ nhiều phía, đặt mình vào vị trí của người khác để xem xét vấn đề. Như vậy, trẻ sẽ có cách nhìn nhận đúng đắn và bao dung hơn.

  • 4

    Cho con thấy những điều tốt đẹp ở chúng

    Những đứa trẻ cảm thấy mình có những điều xấu xa thường xử tệ với người khác. Những trẻ em có lòng tự trọng cao thì biết đánh giá bản thân tốt hơn, biết tôn trọng chính mình và hầu như cũng có thể đối xử với người khác bằng lòng tôn trọng.

    Hãy giúp cho con bạn cảm thấy rằng chúng được mọi người chấp nhận, tôn trọng, và đánh giá cao để bé cùng hành xử với những người xung quanh như thế!

  • 5

    Hãy tôn trọng người khác

    Nên nhớ rằng trẻ em bao giờ cũng chú ý lắng nghe, vì thế hãy ý thức được cách mà bạn nói về những người khác biệt với bạn.

    Đừng bao giờ có những kiểu nhận xét không có tinh thần xây dựng hay nói xấu họ trước mặt trẻ. Ngay cả khi những điều bạn nói là đúng sự thật nhưng chúng vẫn có thể làm vô hiệu thái độ tôn trọng, biết cảm thông và khoan dung của bé.


    day-con-biet-khoan-dung-2

  • 6

    Định hướng suy nghĩ

    Ngay từ lúc còn thơ, nên cho trẻ tiếp cận với đồ chơi, âm nhạc, phim ảnh, hình vẽ, câu chuyện trên tivi, báo chí về hoàn cảnh của những số phận khác nhau, giúp trẻ biết động lòng trắc ẩn.

    Hiểu biết về hoàn cảnh số phận của mọi người, tầm nhìn về cuộc sống xung quanh trẻ được mở rộng, từ đó trẻ biết cách cư xử đúng mực.

  • 7

    Làm gương cho con

    Không đâu xa, cha mẹ, người thân trong gia đình chính là tấm gương sáng cho trẻ noi theo. Trong một chừng mực nào đó, tính cách của trẻ là sự quy chiếu từ những hành động, suy nghĩ của cha mẹ.

    Bởi vậy, muốn dạy con lòng khoan dung thì trước hết bạn phải làm gương, cư xử đúng mực vì hành động bao giờ cũng có giá trị hơn lời nói.

    Những hành động đúng mực của người lớn sẽ là điều kiện ươm mầm, giúp cho các thiên thần nhỏ khôn lớn, trưởng thành.

Comments