Dạy con làm quen với toán
(Giúp bạn)Trong cuộc sống hàng ngày, có rất nhiều thứ đơn giản hiện diện xung quanh chúng ta có thể sử dụng để dạy cho bé ở tuổi từ 3 - 5 học môn toán. Học mà chơi, chơi mà học, bé sẽ làm quen từ từ với những khái niệm về toán học.
- 1
Đồ chơi và trò chơi
Không cần những đồ chơi đắt tiền, những vật dụng đơn giản tưởng là bỏ đi, thế nhưng đối với bé có rất nhiều bổ ích: những cái hộp hình vuông, hình tròn, đồ chơi xếp hình, những dụng cụ bằng nhựa sạch sẽ… có thể làm đồ chơi tốt cho trẻ làm quen với toán. Bé tháo ra tất cả để sắp xếp lại theo ý thích, bỏ cái này vào cái khác, sắp đặt ngăn nắp theo một thứ tự mà nó chọn. Bé sẽ tự đặt cho mình một tiêu chuẩn và gán cho vật thể một ý nghĩa hay tên gọi: như thế là bé đã có thể tự cho mình một định nghĩa để sau này quen với định nghĩa trong toán học. Cầm các đồ vật trong tay bé sẽ tưởng tượng: đây là cái nhà, kia là cái xe v...v... Trí tưởng tượng sẽ giúp cho bé biết sắp đặt, gìn giữ, phán đoán, so sánh, chọn lựa, lo liệu, suy nghĩ. Lúc này vai trò người lớn chỉ cần hướng dẫn bé biết sạch sẽ hơn, có thứ tự hơn, chơi xong cất vật nào vào chỗ ấy.
Một trò chơi mà trẻ con rất thích và cũng có rất nhiều giá trị cho giáo dục toán học đó là xếp giấy. Trẻ con rất thích xếp được những thứ như mũ, máy bay, chiếc ghe, con cò... Với tờ giấy bé có thể làm được cái gì, bé sẽ tưởng tượng và sẽ suy nghĩ giống như người lớn. Đường thẳng xếp trên một tờ giấy sẽ là một khái niệm về đường thẳng tuyệt vời theo nghĩa đường thẳng lý tưởng của toán học, nếu đem so sánh với một đoạn dây căng thẳng thì cái lằn xếp trên một tờ giấy sẽ xác đáng và gần gũi với trẻ con hơn nhiều. Muốn có một đường thẳng qua hai điểm, không gì bằng cho bé xếp tờ giấy qua hai điểm ấy. Sau này trẻ con sẽ tự nhận thấy rằng cách xếp giấy còn là phương pháp chứng minh một vài định lý hình học và cho một khái niệm về sự quay quanh một trục. Trong từ “xếp” còn gợi cho bé ý niệm “gấp”: gấp 2, gấp 3, đó là một ý niệm khai tâm rất cụ thể về phép nhân.
Một cuốn tập và một cây bút sẽ là một trò chơi rất bổ ích cho bé trước khi đến trường, cho bé muốn vẽ gì thì vẽ, miễn là người lớn chỉ cho bé cách cầm bút và thỉnh thoảng gợi ý cho bé vẽ những đường cong, đường thẳng, hết trang này mới qua trang khác và dùng vở có đầu có đuôi. Khi viết, bé tự tập điều khiển những bắp thịt tí hon ở bàn tay cho uyển chuyển. Những trò chơi ngoài trời như đánh bi, chạy nhảy, chơi u mọi v...v... luyện các giác quan cho nhạy bén, giúp bé làm quen với tính toán ước lượng khoảng cách, tự xét khả năng mình và ước đoán khả năng người khác đều là những phương tiện có lợi cho những tư duy toán học sau này.
Khi đưa bé đi phố, đi chợ, về quê... để bé tự xem xét sự vật. Nhiều việc rất thường cũng có thể tạo cho bé những suy nghĩ về toán học. Bé sẽ đặt câu hỏi: tại sao, thế nào, khi nào, ở đâu.... Bé sẽ có những định nghĩa về sự vật mà đôi khi người lớn chúng ta không để ý tới.
Có rất nhiều khái niệm về toán học cho bé trong phạm vi thân mật gia đình, điều quan trọng là phải để cho bé có thì giờ suy nghĩ, tìm kiếm, sai lầm rồi tự sửa, tránh thói quen ỷ lại vào người lớn, hay làm lấy được, cầu may. Muốn vậy phải gây hứng thú để lôi cuốn, nên để bé vừa nói, vừa làm, vừa đong, vừa đếm, dùng những từ thêm, bớt, chia, gấp, nối dài, nặng, nhẹ, một phần, tập hợp lại, nhiều, ít, ít hơn, nhiều hơn, còn lại, thiếu, đủ, dư, tăng....
- 2
Những ý niệm cần cho bé
- Ý niệm về tập hợp: Sắp xếp thành đống, theo hình dạng, kích cỡ, màu sắc hay theo một tính chất, phân ra, tập hợp lại.
- Ý niệm về thứ tự và kế tiếp: Sắp thành một hàng, một chồng theo thứ tự từ lớn đến nhỏ hay từ nhỏ đến lớn, hay theo một phương pháp tăng dần, giàm dần. Sau đó rút ra từng cái để sắp xếp theo thứ tự khác.
- Ý niệm về ghép đôi, tương ứng: Ghép một cái ở tập hợp này, một cái ở tập hợp kia.
- Ý niệm về so sánh (để đo lường): giống nhau, bằng nhau, đồng dạng, dài, ngắn (độ dài), rộng, hẹp (diện tích), to, nhỏ (thể tích), trải khăn nọ lên khăn kia, cho đong bằng lon, đo bằng bước, xếp làm đôi, làm tư....
- Số từ 1 đến 10: Nói với bé những hình tượng cụ thể như: hai tai con chó, 4 chân con mèo, hai ống quần v...v... Mẹ nên nói với bé những câu: “Lại đây mẹ rửa hai bàn tay cho”, “con cài lại ba hột nút áo kia” đó là những câu thực tế giúp bé có khái niệm dần về những con số. Lối nhận thức bằng trực giác này sẽ tồn tại cho đến lớn, khi nhìn sự vật bé sẽ biết đâu là 3, đâu là 7 mà không cần phải đếm.
Gia đình là nơi tốt nhất để tạo cho bé những khái niệm về toán học mà chẳng cần phải mất công nhiều. Từ những thực tế trong cuộc sống, nếu người lớn quan tâm đến bé, liên hệ và dạy cho bé những khái niệm về toán học lồng trong những sự việc rất đời thường, rất đơn giản, bé sẽ có một tư duy về toán học tốt sau này. Không ai thay thế được bà mẹ là vậy!