Dự phòng và phát hiện sớm thai chết lưu

14:47 14/04/2015

(Giúp bạn)Cần dự phòng và phát hiện sớm thai chết lưu để can thiệp nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ.

Nguyên nhân của hiện tượng thai chết lưu

Chia sẻ trên Báo điện tử Đồng Nai, bác sĩ Trần Thị Hạnh, Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đồng Nai cho biết, tình trạng thai chết lưu có nhiều nguyên nhân cả ở phía người mẹ lẫn phía thai nhi.

Từ  phía người mẹ

- Người mẹ bị mắc các bệnh lý mãn tính như: viêm thận, suy gan, thiếu máu, lao phổi, bệnh tim, huyết áp cao...

- Mẹ mắc các bệnh nội tiết như basedow, thiểu năng giáp trạng, tiểu đường, thiểu năng hay cường năng thượng thận.

- Mẹ bị nhiễm độc thai nghén là nguyên nhân dễ gây ra thai chết lưu. Tỷ lệ thai chết lưu càng cao khi nhiễm độc thai nghén càng nặng, nhiễm độc nhẹ nhưng không được điều trị hoặc điều trị không đúng.

- Người mẹ bị bệnh kéo dài nhiều ngày, tình trạng ăn ngủ kém làm cho thai bị suy dinh dưỡng và chết.

Ngoài ra, những bệnh lý khác ở mẹ như nhiễm ký sinh trùng như sốt rét, nhiễm vi khuẩn (giang mai), nhiễm virus (viêm gan, quai bị, cúm...) hoặc mẹ có tử cung dị dạng, tử cung kém phát triển làm cho thai bị nuôi dưỡng kém.

Đặc biệt, những người mẹ trên 40 tuổi mang thai, tỷ lệ thai chết lưu cao gấp 5 lần so với những người mẹ tuổi dưới 40. Dinh dưỡng kém, lao động vất vả... cũng là những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên.

-1

Từ phía thai nhi

- Rối loạn nhiễm sắc thể là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thai dưới ba tháng bị chết lưu. Rối loạn nhiễm sắc thể có thể là do di truyền từ bố mẹ, hoặc đột biến trong quá trình tạo noãn, tạo tinh trùng, thụ tinh và phát triển của phôi. Tỷ lệ rối loạn nhiễm sắc thể tăng lên rõ rệt theo tuổi của mẹ, đặc biệt là ở các bà mẹ trên 40 tuổi.

- Những thai dị dạng như não úng thủy, vô sọ, phù nhau thai cũng dễ chết lưu.

- Có những thai già tháng, bánh nhau vôi hóa, thai nhi không thể lấy được dưỡng khí và dinh dưỡng từ người mẹ.

- Hiện tượng đa thai cũng có thể dẫn đến thai chết lưu trong quá trình các thai truyền máu cho nhau.

Ngoài ra, một số trường hợp, thai có những bất thường như dây rốn thắt nút, dây rốn quấn quanh cổ, quanh thân, quanh chi, dây rốn xoắn, dây rốn bị chèn ép... bất thường ở nhau thai, đa ối hoặc thiểu ối.

Dự phòng và phát hiện sớm thai chết lưu như thế nào?

Dự phòng thai chết lưu

Theo Báo Sức khỏe và Đời sống, đối với chị em phụ nữ chuẩn bị mang thai cần được khám tư vấn tiền hôn nhân.

Các cặp đôi nên có kế hoạch khám, tư vấn trước khi cưới khoảng 3 - 6 tháng. Đặc biệt đối với những người dự định sinh con ngay sau khi kết hôn thì việc khám sức khỏe tiền hôn nhân là rất quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho con sau này.

Khi đó, các bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh của hai bên, kiểm tra các bệnh về rối loạn tâm thần, bệnh di truyền (hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh, ung thư, rối loạn đông máu Thallasemia…), bệnh truyền nhiễm, các quan hệ huyết thống, bệnh sử gia đình... rất cần thiết để có thể sinh con khỏe mạnh. Ngoài ra, không nên kết hôn, sinh con sớm; Cần đẻ thưa, đẻ ít con để giảm các nguy cơ.

Đối với những phụ nữ mắc các bệnh lý nội khoa, mạn tính như: thận, tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch… thì cần điều trị cho thật ổn định và tầm soát một số bệnh lý nhiễm khuẩn qua các xét nghiệm huyết thanh học trước khi mang thai và cần có sự tư vấn của các bác sĩ tư vấn về việc mang thai, sinh con.

Đối với thai phụ có tiền sử thai chết lưu cần thiết phải khám tìm nguyên nhân trước khi mang thai lại. Khi có thai phải đi khám thai sớm, ngay khi trễ kinh hoặc muộn nhất là 3 tháng đầu thai kỳ. Sau đó cần khám thai đều đặn, theo dõi sát để phát hiện kịp thời những trường hợp thai kỳ có nguy cơ cao, thai nhi bị suy dinh dưỡng trong tử cung,…

-2

Người mẹ cũng cần có chế độ dinh dưỡng đúng mức và hợp lý trong khi mang thai, giữ vệ sinh thân thể vệ sinh thai nghén tốt. Không nên sử dụng bất kỳ một dược phẩm, các loại thuốc uống nào nếu chưa hỏi ý kiến bác sĩ.

Đồng thời hãy đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu bất thường như đau bụng, nhức đầu, mờ mắt, ra huyết…Không tiếp xúc với môi trường độc hại, ô nhiễm, tránh ăn thực phẩm nhiễm hóa chất bảo quản để tránh nguy cơ thai chết lưu.

Do vậy, biện pháp hữu hiệu nhất, an toàn nhất là cần giữ cho mình sự ổn định về sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần khi mang thai, điều này sẽ giúp cả mẹ và con đều khỏe mạnh.

Cần phát hiện sớm thai chết lưu

Thông thường, thai nhi bắt đầu cử động từ tuần thứ 7 hoặc 8 của thai kỳ nhưng bạn chỉ có thể cảm nhận được thai máy từ tuần thứ 16 ± 22 trở đi. Thai máy là những cử động gần giống như nhịp gõ vào thành bụng hay cảm giác lúng búng trong bụng.

Ở giai đoạn sớm của thời kỳ thai nghén, các dấu hiệu để nghĩ đến thai chết lưu rất ít và không rõ ràng. Đó là những phụ nữ đã được xác định là có thai (mất kinh, nghén, thử HCG dương tính...) tự nhiên thấy ra máu ở âm đạo ít một, máu sẫm màu, các dấu hiệu nghén giảm đi, bụng không thấy to lên.

Ở giai đoạn muộn của thời kỳ thai nghén, các triệu chứng thường rõ ràng hơn. Dấu hiệu sớm nhất là sản phụ không thấy thai "đạp" hay "máy" nữa (cần chú ý vì đôi khi thành bụng dày nên không rõ thai đạp, hoặc sau khi thai chết, tử cung xuất hiện những cơn co nhẹ mà sản phụ nhầm đó là thai đạp). Nếu chết ở giai đoạn muộn có thể thấy bụng không lớn lên mà nhỏ dần đi, đôi khi có thể ra máu đen ở âm đạo, hai vú tự nhiên tiết ra sữa non.

Nếu thai phụ có một số bệnh kèm theo như nhiễm độc thai nghén, bệnh tim… thì thấy bệnh thuyên giảm, dễ chịu hơn. Một số trường hợp thai chết không bị sảy ngay mà nằm lại trong buồng tử cung một thời gian. Nếu không phát hiện sớm thì bà mẹ co thể bị nhiễm khuẩn nặng hoặc gây nên rối loạn đông máu, nguy hiểm đến tính mạng.

Do vậy, cần phát hiện sớm thai chết lưu để can thiệp nhằm hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ. Siêu âm là một trong những phương pháp có thể giúp phát hiện sớm hiện tượng này. Vì vậy, khi thấy các dấu hiệu bất thường trên, người mẹ cần đi khám ngay để được can thiệp kịp thời.

Thuốc tham khảo: Elevit

- Giảm 92% rủi ro các bệnh liên quan đến ống thần kinh như tật nứt đốt sống cho bà bầu & thai nhi.

- Giúp bà bầu ngăn ngừa thiếu chất sắt hữu hiệu và hỗ trợ sự phát triển hoàn thiện bộ não thai nhi.

Thùy Linh

Nên đọc
-3 Axit folic - phòng ngừa dị tật bẩm sinh cho thai nhi
-4 Thuốc trầm cảm có ảnh hưởng đến thai nhi?
-5 Những nguy hại mẹ bầu có thể mang đến cho thai nhi
-6 Thực phẩm mẹ bầu ăn khi mang thai ảnh hưởng đến gen của thai nhi

Theo GDVN

Comments