Giai đoạn bé 4 tháng tuổi

13:46 11/02/2014

(Giúp bạn)Bé 4 tháng tuổi rất thích mở to miệng cười và ngắm nhìn mọi người xung quanh, nhất là khi có ai hỏi chuyện bé.

Giai đoạn này, bé có xu hướng quan tâm đến những âm thanh, hình ảnh từ bên ngoài môi trường (đôi khi nhiều hơn cả việc được bạn cho bú). 

Nếu bé có thói quen lười ăn nơi đông người, bạn thử cho bé tập trung bú trong phòng ít ánh sáng, yên tĩnh hoặc bạn có thể dùng một chiếc khăn mỏng, che khuất tầm nhìn của bé để khuyến khích bé không lơ là bú mẹ.

Những lúc rỗi rãi, bạn nên trò chuyện, cười đùa với bé nhiều hơn. Nếu bạn khẽ nhăn mũi, chun miệng hoặc nhìn “chằm chằm” vào bé, bé sẽ nhanh chóng học và bắt chước theo điệu bộ này từ bạn. Đổi lại, khi bé chóp chép miệng tạo thành âm thanh, bạn cũng có thể làm lại như thế với bé để gây sự chú ý. 

Thời điểm này, bạn có thể sử dụng những câu hội thoại dài hơn khi giao tiếp với bé để giúp bé làm quen sâu hơn với ngôn ngữ. Bạn thử chọn một cuốn sách tranh có hình minh họa thật đẹp và bắt đầu đọc cho bé. 

  • 1

    Chăm sóc giấc ngủ cho bé

    4 tháng tuổi, nhiều bé có thể ngủ liền một giấc dài khoảng 6-8 giờ đồng hồ mỗi đêm. Nhiều bé vẫn có xu hướng tỉnh giấc giữa chừng vì nhu cầu bú đêm nhưng bé cũng rất dễ ngủ ngoan lại ngay sau đó. 

    Bạn nên lưu ý một số điểm sau để xây dựng lịch trình ngủ giấc liền mạch về ban đêm cho bé.

    - Xây dựng giờ ngủ cố định cho bé: Đến giờ ngủ, bạn có thể đọc sách, hát ru cho bé. Điều này sẽ tạo thành phản xạ có điều kiện tự nhiên cho mỗi lần đi ngủ của bé. Hơn nữa, việc ngủ đúng giờ còn phù hợp với nhịp sinh học của cơ thể bé ngay từ khi còn nhỏ.

    - Bạn nên đặt bé ngủ an toàn trên cũi hoặc giường. Bạn cũng có thể thắp một ngọn đèn nhỏ để bé không hoảng hốt nếu bỗng nhiên phải thức giấc giữa chừng mà không có  cha mẹ bên cạnh.

    - Khi bé chợt thức giấc, bạn nên dỗ dành bé một chút để xem có phải bé khó ngủ là vì đói không. Nếu bé đói, bạn nên cho bé bú trong không gian yên tĩnh và ánh đèn nhạt để bé có thể quay lại ngủ nhanh sau đó. Giai đoạn này, bạn có thể áp dụng chế độ cắt giảm tần suất bú đêm ở bé mà vẫn đảm bảo đủ lượng sữa cho bé mỗi ngày.

    giai-doan-be-4-thang-tuoi-1

  • 2

    Chăm bé ăn

    Sữa mẹ và sữa bình vẫn là nguồn dưỡng chất chính của bé ít nhất khi bé bước vào tuổi ăn dặm (khoảng 6 tháng tuổi). Giai đoạn tăng trưởng này ở bé, bạn cũng không cần thiết phải bổ sung thêm bất kỳ loại thực phẩm nào khác cho bé. Bởi vì lúc này hệ miễn dịch của bé còn yếu; hệ xương, đặc biệt là xương hàm của bé chưa đủ cứng cáp để nhai hoặc nuốt thức ăn dặm. Vì vậy, việc cho ăn dặm quá sớm sẽ làm tăng nguy cơ với hệ tiêu hóa và tình trạng dị ứng thức ăn ở bé.

  • 3

    Những lưu ý an toàn cho bé

    • Bé có thể bị ngã: Bé đã cử động được khá nhiều; do đó, bạn không nên đặt bé trên giường hoặc trên bàn một mình. Nếu bạn bận việc, tốt nhất, bạn nên đặt bé trong cũi hoặc trên mặt phẳng đảm bảo độ an toàn và không làm bé ngã.
    • Bé có thể bi bỏng: Bé có khả năng cầm, nắm hoặc tóm lấy đồ vật trong cự ly gần; vì vậy, bạn nên tránh những cốc nước nóng, những loại đồ chơi chất liệu kém an toàn xung quanh bé.
    • Loại trừ những đồ vật nhỏ: Thói quen cầm đồ vật và cho vào miệng đã được nhiều bé thực hành ở giai đoạn này. Bạn nên dọn dẹp những đồ vật nhỏ xung quanh chỗ bé nằm để phòng tránh nguy cơ hóc cho bé.
    • Lưu ý với ghế ngồi trên xe ôtô: Bạn không nên đặt bé theo kiểu nửa nằm nửa ngồi trên ghế ôtô riêng hoặc taxi. Bởi vì hệ xương cổ của bé lúc này còn khá yếu, cộng với chuyển động của ôtô có thể gây chấn thương cho bé. Kiểu ngồi một mình trên ghế ôtô chỉ thích hợp khi bé lớn hơn. Nên chuẩn bị ghế riêng cho bé hoặc bạn bế bé khi đi taxi.
    • Lưu ý với trang phục: Bạn tuyệt đối tránh để bé “chật cứng” trong những bộ quần áo gò bó vì điều này có thể làm bé ngạt thở.

Comments