Giúp trẻ bị tiểu đường dễ chịu hơn khi tiêm thuốc
(Giúp bạn)Trẻ em bị tiểu đường cơ thể cần phải tiêm thuốc ( insulin) và xét nghiệm máu thường xuyên, điều này có thể làm trẻ sợ và không thoải mái.
Bệnh tiểu đường ở trẻ em
Thanh niên Online cho biết, thường bệnh đái tháo đường (tiểu đường) xảy ra nhiều ở người lớn, nhưng trẻ em vẫn có thể bị. Khi bệnh xảy ra ở trẻ thì việc chữa trị khó khăn hơn.
Trước đây, bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) thường chỉ được nói đến ở người trưởng thành, nhưng gần đây căn bệnh này xảy ra nhiều ở trẻ em, bởi chế độ dinh dưỡng có sự thay đổi. Bệnh ĐTĐ thường xảy ra nhiều hơn khi trẻ thừa cân, béo phì ngày càng tăng. Một khi bệnh xảy ra cho trẻ thì rất khó điều trị, bởi cơ thể của trẻ đang cần rất nhiều dinh dưỡng để phát triển.
Bệnh ĐTĐ ở trẻ em thường do yếu tố di truyền và quá trình viêm tự miễn làm phá hủy cấu trúc tế bào bêta tụy làm giảm sản xuất insulin, gây tăng đường huyết mạn tính. Giống như ở người lớn, ở trẻ em cũng tồn tại ĐTĐ dạng 1 và ĐTĐ dạng 2. Với dạng 1 ở trẻ là do rối loạn tổng hợp insulin, rối loạn sản xuất insulin, có tính chất bẩm sinh. Với dạng 2 thường gắn liền với tình trạng thừa cân, béo phì, do lối sống thiếu cân bằng gây nên.
Việc chẩn đoán ĐTĐ ở trẻ em không đơn giản. Người lớn ít nghĩ đến trẻ mắc bệnh này, nên không đưa trẻ đi khám. Chính vì vậy, khi nghi ngờ trẻ em (nhất là với trẻ béo phì) bị ĐTĐ, cần đưa bé đến ở bác sĩ chuyên khoa nội tiết. Một khi đã xác định chắc chắn là ĐTĐ thì việc điều trị có thể phức tạp, nhất là đối với trẻ mắc ĐTĐ dạng 2. Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, còn phải tuân theo chế độ ăn kiêng cực kỳ nghiêm ngặt.
Nếu điều trị bệnh ĐTĐ không đúng, chẳng những không kiểm soát được đường huyết mà còn gây ra những biến chứng nhất định, trong đó hạ đường huyết là một biến chứng hết sức nguy hiểm. Não của trẻ luôn cần được cung cấp đường hằng định để nuôi não, nên khi bị hạ đường huyết sẽ làm giảm cung cấp đường cho não, từ đó làm giảm sự phát triển của não dẫn đến giảm trí thông minh, giảm thị lực nếu tình trạng hạ đường huyết kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên.
Với trẻ bị ĐTĐ dạng 1, trong chế độ ăn uống hằng ngày vẫn như bình thường, chỉ cần hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt, tinh bột và mỡ động vật. Với trẻ mắc bệnh thuộc dạng 2 thì năng lượng, tinh bột trẻ ăn hằng ngày cần được tính toán chặt chẽ hơn. Nên cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày vì ăn quá nhiều trong một bữa sẽ làm cho đường huyết tăng cao; đồng thời cần thường xuyên kiểm tra nồng độ đường trong máu của trẻ để có giải pháp thích hợp.
Làm gì để trẻ bị tiểu đường dễ chịu hơn khi tiêm thuốc?
Trang thông tin điện tử Bệnh viện Nhi đồng 2 dẫn tin theo Healthday News, cha mẹ hãy chuẩn bị những mũi tiêm ở nơi mà con trẻ không nhìn thấy.
Trẻ em bị tiểu đường cơ thể cần phải tiêm thuốc ( insulin) và xét nghiệm máu thường xuyên, điều này có thể làm trẻ sợ và không thoải mái. Sau đây là một số lời khuyên cho cha mẹ :
- Chuẩn bị nhiều nhất có thể trước khi nói với đứa trẻ rằng đã đến giờ tiêm rồi, và tránh cho trẻ thấy sự chuẩn bị này.
- Cố gắng để làm tiến trình đó nhanh lẹ, thoải mái và yên lặng.
- Tránh tiêm vào cùng một chỗ trên cơ thể mỗi ngày.
- Xoa vị trí tiêm với đá lạnh trước khi đâm kim vào để giúp làm tê vùng đó.
- Làm xao lãng sự chú tâm của trẻ vào việc tiêm chích như hát một bài hát, hoặc huýt sao, và cho trẻ ôm một con thú nhồi bông trên tay.
- Tặng cho trẻ một phần thưởng nhỏ và nhiều lời khen tặng khi đã tiêm xong.
Thuốc tham khảo: Metformin Stada 500mg Metformin HCl được chỉ định điều trị tiểu đường týp 2 (tiểu đường không phụ thuộc insulin) |
Thùy Linh
Theo GDVN