Hiện tượng ngứa ở bà bầu
(Giúp bạn)Khi bị ngứa, bà bầu không nên quá chủ quan bởi đó có thể là dấu hiệu bệnh lí đấy!
Ngứa khi mang thai là vấn đề rất nhiều bà bầu gặp phải. Thông thường, điều đó không ảnh hưởng gì tới em bé cả, nó chỉ khiến người mẹ thấy khó chịu mà thôi.
- 1
Ngứa do ứ mật trong gan
Chị Vân Anh (Xuân Thủy) kể: “Mang thai cu Tũn được 5 tháng thì mình bị ngứa kinh khủng. Khắp người ngứa ngáy khó chịu khiến nhiều lúc mình như phát điên lên được. Mình muốn đi khám nhưng bà nội cu Tũn bảo mang thai ngứa là bình thường, thai lớn lên khiến da bị rạn gây ngứa, bà bầu nào chả vậy. Rồi bà nấu cho mình nước lá gửi mua của người Dao gì đó, bảo tắm là hết. Thế nhưng tắm mãi mà mình vẫn thấy ngứa dữ dội, có lúc mình gãi tới xước cả da.
Mà kể cũng lạ, rạn da thì ngứa vùng bụng với đùi thôi chứ đằng này cả người mình đều ngứa. Mình gọi điện cho mấy đứa bạn thắc mắc thì tụi nó nói khi mang thai hoocmon thay đổi cũng là nguyên nhân gây ngứa nữa, khó chịu một chút nhưng không có vấn đề gì nghiêm trọng cả. Vậy là mình yên tâm đôi chút và cắn răng chịu đựng. Nhưng mỗi lần “lên cơn ngứa” là da mình đỏ cả lên, đau nhức vì gãi nhiều. Thậm chí mình không còn muốn ăn uống gì, lúc nào cũng thấy mệt mỏi, khổ sở vì ngứa.
Cuối cùng mình đành nhờ ông xã đưa đi bác sĩ khám vì không thể chịu nổi nữa. Khám xong, cả hai vợ chồng cùng tá hỏa. Hóa ra chẳng phải mình bị ngứa thông thường như các bà bầu hay gặp phải, bác sĩ nói do mật kém lưu thông, ứ lại trong gan khiến da khô và ngứa, đồng thời kém ăn và mệt mỏi. Thậm chí mình hay thấy buồn nôn cũng là do bệnh này gây ra chứ không phải do bầu bí như mình lầm tưởng. May mà đi khám kịp chứ cứ nghe người này người kia nói thì không biết sẽ xảy ra chuyện gì nữa”.
- 2
Ngứa vì nhiễm nấm vùng kín
Cũng bị ngứa khi mang thai, Phượng (Khương Thượng) thì cứ nghĩ rằng do độ pH âm đạo thay đổi nên gây khô và ngứa như thông thường. Vì thế Phượng cũng cứ chủ quan, chẳng mảy may để ý. Cho tới khi âm đạo càng ngày càng ngứa, chảy dịch và có mùi, cô mới vội vàng đi khám. Thì ra Phượng bị nhiễm nấm âm đạo, chứ không phải chứng ngứa do thay đổi pH âm đạo khi mang thai. Nghe bác sĩ nói nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể gây nguy hiểm cho em bé khi sinh ra. Lúc ấy Phượng mới giật mình, đúng là khi mang thai, không được chủ quan với bất cứ vấn đề gì dù nhỏ hay lớn.
- 3
Bà bầu cần lưu ý với ngứa
Không ít người bị ngứa khi mang thai. Có thai phụ bị ngứa âm đạo, hậu môn, có người thì thấy lòng bàn tay, bàn chân bị ửng đỏ và ngứa ngáy, và có những bà bầu lại ngứa toàn thân kèm dấu hiệu phát ban, thậm chí bị sốt...
Thông thường, bạn không phải quá lo lắng vì khi mang thai, sự gia tăng hoocmon estrogen là nguyên nhân gây ra những cơn ngứa. Hơn nữa, khi thai nhi lớn lên và cơ thể tăng cân khiến da vùng bụng, đùi, ngực... bị rạn, gây ngứa ngáy khó chịu. Với những bà bầu có tiền sử da khô, nhất là mắc chứng chàm bội nhiễm hay dị ứng thức ăn thì tình trạng ngứa càng tồi tệ hơn. Ngoài ra bà bầu còn có thể mắc chứng ngứa hậu môn do ra mồ hôi nhiều hay bị bệnh trĩ, hoặc bị ngứa âm đạo do pH thay đổi...
Tuy nhiên, nếu bạn thấy ngứa trầm trọng trong giai đoạn thai kỳ thứ hai hoặc ba có thể là một dấu hiệu của bệnh ứ mật trong gan của thai kỳ. Khi mật không lưu thông bình thường trong các ống nhỏ của gan, muối mật tích tụ lại trong da và làm cho bạn bị ngứa khắp nơi. Cảm giác ngứa có thể rất dữ dội. Tình trạng này không gây phát ban, nhưng da có thể bị đỏ lên, đau nhức với những vết xước nhỏ ở vùng da bạn gãi rất nhiều vì ngứa. Có thể kèm theo một số triệu chứng khác như chán ăn, vàng da, nôn mửa, buồn nôn và phân màu nhạt. Ngoài ra, bà bầu cũng nên lưu ý với những dấu hiệu ngứa kèm phát ban, sốt vì rất có thể đó là triệu chứng của bệnh thủy đậu hay herpes...Nếu bạn bị ngứa và gặp phải những tổn thương ngoài ra thì nên nghĩ tới chứng chàm, vảy nến. Đặc biệt, khi âm đạo bị ngứa và thấy nóng rát là triệu chứng bị nhiễm nấm âm đạo hoặc bạn đã bị mắc các chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Với những triệu chứng trên, bà bầu nên đi khám kịp thời để có hướng điều trị, tránh gây ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và em bé.
- 4
Lời khuyên bổ ích giúp bạn hạn chế những cơn ngứa ngáy khó chịu khi mang thai:
- Luôn giữ cơ thể sạch sẽ, kết hợp mặc trang phục thông thoáng để tránh hiện tượng đổ mồ hôi; đồng thời không nên ở những nơi quá nóng bức.
- Hạn chế tối đa tắm nước nóng lâu dưới vòi hoa sen hoặc ngâm mình lâu trong bồn tắm. Vì da bạn sẽ nhanh bị khô và ngứa hơn. Cũng không nhất thiết phải sử dụng sữa tắm, vì sữa tắm không phù hợp có thể khiến da bạn bị khô và ngứa hơn; hoặc nếu dùng thì nên chọn loại có độ pH vừa phải, không kích ứng (phù hợp với cả làn da mẫn cảm).
- Thi thoảng tắm ấm bằng bột yến mạch là một gợi ý cho bà bầu để cải thiện tình trạng bị ngứa da khi mang thai.
- Lưu ý tránh cào, gãi vì da sẽ càng bị kích thích, không chỉ khiến bạn ngứa hơn mà có thể để lại di chứng về sau. Hãy dùng một chiếc khăn mát hoặc một chiếc khăn ấm để chườm vào vùng da bị ngứa để cảm thấy dễ chịu hơn.
- Để giảm ngứa do thay đổi độ pH âm đạo khi mang thai, nên giữ vùng kín luôn được khô thoáng, sạch sẽ. Chọn dung dịch vệ sinh phụ nữ phù hợp với bà bầu, nhưng cũng không nên lạm dụng các loại dung dịch vệ sinh vì chúng có thể làm thay đổi môi trường pH tự nhiên của âm đạo.
- Tăng cường các loại thức ăn giàu vitamin A (có trong cá, trứng, các loại rau, củ)… và uống nước đều đặn hàng ngày. Nên tránh những loại thức ăn dễ gây dị ứng.
- Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc và các loại kem bôi da nếu không có chỉ định của bác sĩ. Trước khi dùng sản phẩm gì, bạn cần đến bác sĩ để được tư vấn cẩn thận.
Đó là một số điều bà bầu cần lưu ý để có một thai kì khỏe mạnh, đồng thời giảm bớt sự khó chịu vì ngứa, nhất là trong mùa đông này.