Hướng dẫn an toàn khi đi thang máy

15:47 10/02/2014

(Giúp bạn)Khi thang máy bị lỗi, người phía trong bình tĩnh chờ cứu hộ, tránh việc xô đẩy hoặc cố mở cửa cũng như tự khắc phục sự cố.

 

  • 1

    Thiết bị cứu hộ tự động

    TS Phùng Anh Tuấn, bộ môn Thiết bị Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, bộ lưu điện hay còn gọi là tủ cứu hộ cầu thang máy là một thiết bị được lắp cùng với thang máy và lấy năng lượng từ ắc quy nên năng lượng không lớn.

    Tuy nhiên, nó có tác dụng rất lớn trong quá trình vận hành thang máy. Bởi khi thang máy mất điện, hệ thống sẽ tự phanh. Nếu được trang bị tủ điện cứu hộ thì thang máy sẽ nhả phanh và chạy chậm dần về tầng gần nhất. Thời gian này chỉ vài giây và người bên trong gần như không biết gì.

    huong-dan-an-toan-khi-di-thang-may-1
    Các tòa nhà sử dụng thang máy tốt nhất nên trang bị tủ cứu hộ hoặc máy phát điện

    Đồng thời, khi cabin được đưa về tầng gần nhất, cửa thang máy sẽ mở để người bên trong thoát ra an toàn, sau đó nó sẽ khóa thang máy chờ có điện trở lại mới tiếp tục hoạt động.

    Điều này giảm được các nguy cơ đối với người sử dụng như: tránh thiếu oxy trong thang máy vì đóng chặt, không có quạt thông gió; Tránh thang bị treo lơ lửng giữa các tầng dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng nếu cố tìm cách mở cửa để thoát ra ngoài. Vài chục triệu đồng để trang bị bộ cứu hộ so với sự đầu tư của một cầu thang máy là không cao.

    Do hiện nay chúng ta chưa có quy định cụ thể về các hạng mục cần có hoặc bắt buộc nên trong quá trình thi công lắp đặt thiết bị cứu hộ này thường bị "bớt xén". Ngoài ra, thang máy được giám sát bởi một hệ thống mạch xử lý sẵn nên được xem là có độ an toàn cao.

    huong-dan-an-toan-khi-di-thang-may-2
    Khi thang máy bị lỗi, người phía trong bình tĩnh chờ cứu hộ, tránh việc xô đẩy hoặc cố
    mở cửa cũng như tự khắc phục sự cố

    Tuy nhiên, cũng vì một vài lý do nào đó, trong quá trình lắp đặt có thể cắt xén một số mạch giám sát an toàn của hệ thống thang máy hoặc hệ thống bị lỗi dẫn đến các sự cố đáng tiếc.

  • 2

    Yếu tố con người

    Theo ThS Hà Xuân Hòa, Viện Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội, đối với những thang máy cũ không được trang bị bộ cứu hộ, việc cứu hộ bắt buộc phải làm thủ công, tức là nhân viên cứu hộ phải chạy lên tầng trên cùng sử dụng hệ thống quay tay để đưa cabin về tầng gần nhất, rồi mới mở cửa thang để người bên trong thoát ra.

    Trong trường hợp tai nạn ở nhà CT3, nhân viên cứu hộ không tuân thủ đúng quy trình này. Họ đã mở cửa thang khi còn ở lưng chừng giữa hai tầng, khiến người nhảy ra khỏi thang đã không thể tiếp sàn tầng mà lại rơi vào khoảng trống dưới gầm thang.

    huong-dan-an-toan-khi-di-thang-may-3
    Tòa nhà CT3 - Yên Hòa, Cầu Giấy, nơi xảy ra vụ tai nạn

    Trường hợp vì lý do nào đó như do thúc ép về thời gian từ người bị kẹt trong thang máy mà không thể đưa thang về tầng gần nhất, nếu mở cửa ở lưng chừng như vậy cần bắc thang, dây hoặc người giữ để đảm bảo an toàn, tránh bước hụt.

    Khi thang máy bị lỗi, người phía trong cần bình tĩnh để liên lạc ra bên ngoài bằng điện thoại di động hoặc điện thoại trong thang, nếu không có hoặc điện thoại không sử dụng được, có thể tìm cách gọi to, đập cửa thang... để kịp thời báo hiệu ra bên ngoài. Bình tĩnh chờ cứu hộ, tránh việc xô đẩy hoặc cố mở cửa cũng như tự khắc phục sự cố.

    Tuy nhiên, dù bên trong có báo hiệu ra ngoài nhưng bên ngoài không có người trực hoặc ở các tầng không có người qua lại thì khả năng gọi cứu hộ cũng là vấn đề lớn.
     
    Do vậy, các tòa nhà sử dụng thang máy tốt nhất nên trang bị tủ cứu hộ hoặc máy phát điện, phòng trường hợp khi thang đang vận hành bị mất điện giữa chừng thì chỉ dừng thang khoảng vài phút chờ máy phát khởi động và đóng điện là thang có thể hoạt động bình thường.
  • 3

    Mất tín hiệu dù nhỏ cũng không an toàn

     
    Theo khảo sát ở nhiều tòa nhà cao tầng, đặc biệt là các chung cư tái định cư thuộc khu Nam Trung Yên, Dịch Vọng... thang máy thường luôn có vấn đề trục trặc, nhẹ thì mất tín hiệu điện ở các nút bấm, nặng thì tạm ngừng phục vụ.
     
    ThS Hà Xuân Hòa khẳng định, dù chỉ là mất tín hiệu điện ở các nút bấm cũng có thể coi là những biểu hiện mất an toàn đối với thang máy. Một thang máy vận hành tốt phải đảm bảo mọi chi tiết đều hoạt động bình thường.
  • 4

    Dân chuyển sang dùng cầu thang bộ

    Sau khi xảy ra vụ tai nạn tại tòa nhà CT3 khu chung cư Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), hệ thống thang máy vẫn hoạt động nhưng đa số người dân không dám đi chỉ dùng cầu thang bộ.
     
    Một người dân (phòng 306) cho biết: "Hầu như ai cũng hoảng sợ, làm gì còn ai dám đi cầu thang máy nữa đâu"."Mọi hôm giờ này nhộn nhịp người đi lại nhưng hôm nay đến giờ vẫn vắng thế này đấy chú ạ". Chị bán hàng nước gần tòa nhà cho biết.
     
    Nói về chuyện tai nạn sáng nay, chủ hộ nhà 404 cho biết: "Hệ thống điện ở tòa nhà CT3 không mấy ổn định, hệ thống số, nút ấn thang máy của tòa nhà bị mờ, hoặc bị hỏng. Mặc dù đã có kiến nghị lên đơn vị quản lý tòa nhà nhiều lần nhưng vẫn chưa được khắc phục và sửa chữa".

Comments