Hướng dẫn cách dạy dỗ con khi là con một
(Giúp bạn)Con một thường được cha mẹ yêu chiều nhiều hơn. Vì thế, bé càng dễ sinh hư. Vài gợi ý dưới đây giúp bạn nuôi dạy khi bé là con một thật tốt:
- 1
Tránh kỳ vọng quá nhiều ở con
Những phụ huynh chỉ có một con luôn đặt tình yêu và kỳ vọng lớn ở bé. Nhưng nên nhớ rằng, con bạn cần thời gian và không gian tự do để làm những gì bé muốn.
Bạn hy vọng bé sẽ thành vận động viên Olympic nhưng có thể bé nhà bạn không đủ khả năng. Hoặc bạn mong bé trở thành kỹ sư, bác sĩ hay ngôi sao ca nhạc...
Thay vì tạo áp lực, nên để bé phát triển năng khiếu tự nhiên. Bé nhà bạn có thể không trở thành ngôi sao âm nhạc nhưng có thể sẽ là một giáo sư vật lý tương lai.
- 2
Tránh cầu toàn
Bé con một có xu hướng cầu toàn, nếu bạn làm lại từng việc bé vừa hoàn thành như dọn lại chiếc giường bé vừa dọn, lau lại cái bàn bé vừa lau. Vì thế, bạn đừng hoàn hảo quá mọi thứ khi nuôi dạy bé.
- 3
Không biến bé thành người ích kỷ
Bé con một thường coi mình là trung tâm. Do vậy, những bé này rất khó khăn để học cách chia sẻ, hợp tác hay nhượng bộ. Bé con một thích áp đặt suy nghĩ, cảm xúc của mình vào người khác, thậm chí thích ngắt lời người khác, nếu cần. Là cha mẹ, điều quan trọng là bạn dạy bé cách chia sẻ, chấp nhận thất bại và kỷ luật bé nếu cần thiết. Cần để bé thấy rằng, bé phải chịu hình phạt với những hành vi không được phép.
- 4
Để bé không thiếu bản lĩnh khi thất bại
Nếu bé 3 tuổi nhà bạn tỏ ra chán nản vì bị thua trong một trò chơi ở lớp mẫu giáo, bạn cần giúp bé vượt qua cảm xúc tiêu cực này. Bé con một thường rất tự tin ở bản thân mình. Kỳ vọng quá xa thực tế sẽ khiến bé thất bại. Điều quan trọng là phải dạy bé cách ứng phó với thất bại.
Trước tiên, bạn không nên nói với bé theo cách tiêu cực: “Mẹ biết con sẽ thua mà. Lúc nào con chẳng thua”. Thay vào đó, hãy giúp bé phân tích. Có phải bé thua vì bé không chạy nhanh bằng bạn khác trong lớp? Hay vì bé hát chưa hay, múa chưa dẻo?... Để bé biết rằng, mỗi người đều có một thế mạnh riêng. Có những lúc bé thất bại nhưng sẽ có lúc, bé giành được chiến thắng.
- 5
Tránh bao bọc con quá mức
Do bé là con một nên bạn tự nguyện hy sinh mọi thứ chỉ để đáp ưng tất thảy nhu cầu của bé. Tốt nhất là cần hướng dẫn bé nhà bạn như một giáo viên, chứ không phải sống thay cho bé. Để bé tự làm mọi việc giúp bé phát triển kỹ năng giải quyết vấn đề và ngày càng độc lập hơn. Về lâu dài, khi bé mắc lỗi thì bé cũng tự biết cách khắc phục tình hình mà không dựa dẫm ở cha mẹ.
- 6
Tránh cho bé cảm giác cô đơn
Do không có anh chị em ruột thịt nên bé có thể thấy cô đơn. Và để thấy bớt trống trải, bé có thể kết bạn với những đồ vật như búp bê hay thú nhồi bông. Việc này không có gì xấu nhưng thú nhồi bông sao bằng những người bạn thật sự của bé? Hãy để bé của bạn hòa nhập xã hội bằng cách đi chơi công viên – nơi bé có thể tương tác với những bé khác; tham gia các lớp học dành cho độ tuổi của bé...
- 7
Cùng bé vui cười
Bé con một có thể luôn nghiêm trọng mọi việc và ít tìm thấy niềm vui. Tất nhiên rất khó để dạy bé biết vui cười nhưng bạn nên làm gương cho bé: đừng nuông chiều hoặc quá nghiêm khắc với bé. Hãy vui chơi với con nhiều hơn để từ đó, bé luôn thích cười đùa.
- 8
Biết cách nói ‘không’
Điều này vô cùng quan trọng. Do chỉ có một con nên cha mẹ thường thấy khó khăn khi từ chối bé. Khi được đáp ứng mọi thứ, bé sẽ càng ích kỷ và thích đòi hỏi nhiều hơn. Bằng cách nói “không” hợp lý, chính là bạn đã dạy cho bé những quy tắc tốt trong cuộc sống.