Hướng dẫn một số thói quen dinh dưỡng tốt cho trẻ
(Giúp bạn)Nhiều bà mẹ cho trẻ ăn uống theo sở thích của trẻ, ăn không đúng giờ giấc, hay ăn vặt... Nhưng như vậy không tốt cho trẻ chút nào cả. Ngay từ khi còn nhỏ, hãy hình thành cho trẻ những thói quen dinh dưỡng tốt.
- 1
Uống trong khi ăn
Nhiều bà mẹ không muốn cho con uống nước hay uống sữa trong khi ăn vì sợ trẻ no không ăn được cơm. Nhưng thực ra bạn nên cho bé uống nước lọc hoặc sữa tươi không đường trong bữa ăn khi bé có nhu cầu. Uống nhiều trong bữa ăn mới không tốt chứ một ly nước hoặc sữa khi bé muốn uống sẽ làm cho bữa ăn dễ nuốt hơn.
Còn với nước ngọt thì nên hạn chế vì loại thức uống này sẽ làm giảm cảm giác thèm ăn, hoặc giảm cảm giác ăn ngon của bé.
- 2
Ăn đúng giờ
Nên cho bé ăn vào những giờ nhất định trong ngày. Dứt khoát không chiều theo sở thích cuả trẻ, hoãn bữa ăn lại để chơi xong một trò nào đó. Từ việc hoãn, dần dần bé sẽ không có khái niệm "ăn đúng giờ" nữa.
Bạn cũng không nên nuông chiều những thói quen không hay khác nhằm kéo dài giờ ăn như vừa ăn vừa đọc truyện hay chơi điện tử, bỏ bữa hay thay bữa chính bằng các món ăn phụ. Bé có thể ăn nhiều bữa nhưng bữa cuối cùng trong ngày bạn không nên cho bé ăn quá muộn (tốt nhất là khoảng 7 giờ tối).
- 3
Ăn các bữa phụ
Thường các bé không thể nào ăn nhiều một lúc được, do đó, bên cạnh 3 bữa chính trong ngày, bạn nên cho bé ăn thêm từ 2 đến 3 bữa phụ. Bạn cần phân biệt rõ bữa phụ với thói quen ăn vặt của bé (các loại bánh kẹo ngọt, sô-cô-la, bimbim…). Các bữa phụ có thể ăn rất đa dạng như chè, xôi, sữa chua, sữa… trong đó, sữa được xem là một thức ăn phụ rất tốt vì dễ sử dụng mà giá trị dinh dưỡng cao. Cả các bé thừa cân vẫn nên dùng sữa như một bữa ăn phụ như là sữa gầy, sữa tách béo hoặc sữa đậu nành.
- 4
Để bé lựa chọn thực phẩm
Bạn có thể cho bé đi mua thực phẩm cùng hay chọn một món ăn nào đó mà bé thích. Được lựa chọn, bao giờ bé cũng có cảm hứng để ăn hơn. Chỉ cần bạn hạn chế cho bé chú ý vào các món chiên xào bằng cách thay thế những hình thức chế biến khác như luộc, hấp, nấu canh…
Song cũng không nên để bé lựa chọn quá nhiều những loại thức ăn nhanh và thực phẩm công nghiệp. Ngoài ra, bạn có thể tập cho con ngay từ bé thói quen chọn ăn cá nhiều hơn thịt.
- 5
Chăm chỉ vận động
Không phải chỉ có các bé béo phì, thừa cân mới cần phải vận động. Bạn nên tập cho bé một lối sống năng động ngay từ bây giờ bằng cách làm việc lặt vặt trong gia đình, đi dạo hay lên xuống cầu thang.
Bên cạnh đó, bạn nên giúp bé giảm các hoạt động ngồi một chỗ như chơi game, xem tivi… Nếu được, bạn có thể tập cho bé chơi một môn thể thao nào đó và chơi đều đặn khoảng 3-4 lần/tuần. Như vậy, bạn không cần phải quan tâm đến hai từ "béo phì" trong suốt thời kỳ bé phát triển.