Hướng dẫn những điều cần khám khi mang thai
(Giúp bạn)Phần lớn phụ nữ khi mang thai đều có những băn khoăn về sức khoẻ, nhất là các sự cố bất thường gây ảnh hưởng đến sức khoẻ mẹ và thai nhi.
Để giúp bà bầu giải toả những nỗi trăn trở này, các chuyện gia Trung tâm y học Can-tor, New York (Mỹ) vừa đưa ra một số khuyến cáo về khám các loại bệnh cần thiết trước và trong khi mang thai.
- 1
Khám răng
Trong thời gian mang thai, phụ nữ nên đi khám răng để phát hiện sớm các dấu hiệu viêm nhiễm. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ mắc bệnh nướu răng, viêm nhiễm răng có tỉ lệ sinh non cao gấp 7 lần những người không mắc bệnh. Ngoài ra, khoa học còn phát hiện thấy rằng phụ nữ mang thai và những người dùng thuốc tránh thai là nhóm mắc bệnh viêm nhiễm răng lợi rất lớn, đơn giản là do hoóc môn trong cơ thể thay đổi đột biến làm cho cơ thể dễ mẫn cảm với môi chất gây bệnh. Theo khuyến cáo của Hiệp hội nha khoa Mỹ (ADA), phụ nữ mang thai nên khám răng 3 – 4 lần/ năm, riêng nhóm bị chảy máu chân răng, nướu thì nên đi khám thường xuyên hơn.
- 2
Xét nghiệm TSH
TSH test là phương pháp thử máu để phát hiện khả năng mắc bệnh suy giáp (hyporthyroid) hoặc cường giáp (hyperthyroid), hiểu được sức khoẻ cụ thể của hoóc môn tuyến giáp. Theo các chuyên gia ở Trung tâm y học Mercy Baltimore (Mỹ), trung bình 5 – 10% phụ nữ mang thai và sau sinh dễ mắc phải bệnh tuyến giáp. Phần lớn trường hợp mắc bệnh đều không có dấu hiệu, chỉ đến khi quá mệt mỏi, tăng cân, đi khám thì bệnh đã tiến triển. Thường là bệnh suy giáp (basedow), tim đập nhanh, khó ngủ, giảm cân, bồn chồn, lo lắng. Nếu mắc phải những căn bệnh này ở thể nặng mà mang thai thì rủi ro sinh non, sảy thai rất cao, chưa kể những ảnh hưởng khác đến đứa trẻ. Nếu là suy giáp thì bác sĩ sẽ tư vấn dùng thuốc, còn nếu bị cường giáp nặng có thể điều trị bằng iôt phóng xạ để giảm quá trình bài tiết hoóc môn tuyến giáp.
Khám bệnh khi mang thai là điều cần thiết để thai kỳ khỏe mạnh. (Ảnh minh họa)
- 3
Phép thử test CBC
CBC (Complete Blood Count) là phép thử đếm máu toàn diện để kiểm tra tế bào máu trắng, tình trạng sức khoẻ tuỷ xương và hệ thống miễn dịch. Phép thử test CBC sẽ cho biết số lượng tế bào máu trắng (quá nhiều nghĩa là bị viêm nhiễm), hemoglobin (quá thấp là thiếu máu) và tiểu cầu (nếu thấp có nghĩa là máu khó đông). Sở dĩ những người chuẩn bị mang thai cần phải làm phép xét nghiệm này là do phụ nữ thường có kinh, mất máu khi sinh nên dễ bị thiếu máu, làm cho cơ thể suy nhược. Nếu thiếu máu, bác sĩ sẽ tư vấn bổ sung sắt và sau vài tuần kiểm tra lại.
- 4
Kiểm tra huyết áp và cholesterol
Hai phép thử này giúp đánh giá tình trạng sức khoẻ tim mạch, đặc biệt là rủi ro mắc bệnh tim trong giai đoạn mang thai, sinh con. Đo huyết áp tốt nhất là bằng phương pháp thủ công, đo bằng thiết bị đo quấn xung quanh cánh tay. Thử máu để kiểm tra HDL (mỡ máu tốt), LDL (mỡ máu xấu) và triglyceride. Tầm quan trọng của hai phép thử này là giúp bác sĩ đánh giá thực trạng sức khoẻ của sản phụ, kể cả những người còn trẻ, bởi qua khám bệnh, người ta sẽ biết được mầm bệnh và những rủi ro trong quá trình mang thai và sau khi sinh. Huyết áp tối ưu nhất là 120/80, LDL cholesterol nên ở dưới mức 130 và HDL nên ở trên 50.
- 5
Phương pháp xét nghiệm Pap Smear
Pap Smear (xét nghiệm tế bào cổ tử cung) là phép xét nghiệm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Đây là kĩ thuật không gây khó chịu, đau đớn, đơn giản bằng cách lấy một ít tế bào ở cổ tử cung rồi đem xét nghiệm để tìm ra những dấu hiệu bất thường, đặc biệt là tìm ra vi-rút HPV, loại vi-rút gây bệnh qua con đường sinh hoạt tình dục. Những người có gia đình, sinh hoạt tình dục khoa học vẫn có thể mắc phải căn bệnh này. Nếu qua thử test thấy dấu hiệu bất thường, bác sĩ có thể làm sinh thiết cổ tử cung để kiểm tra lại sức khoẻ tế bào. Nếu có mối quan hệ chung tình thì sau 3 năm đi kiểm tra một lần, ngược lại có mối quan hệ với nhiều đối tác thì 3 – 6 tháng nên đi khám một lần.
- 6
Kiểm tra da
Mục đích của việc kiểm tra là để phát hiện mắc bệnh ung thư da. Theo Học viện da liễu Mỹ (AAD) thì đây là căn bệnh phổ biến ở nhóm phụ nữ từ 25 – 29 tuổi do sắc tố thay đổi trong quá trình mang thai và sinh con. Hầu hết các trường hợp này là vô hại, nhưng đôi khi lại dẫn đến mắc bệnh ung thư. Những người có tiền sử gia đình về ung thư da nên báo cho bác sĩ biết, khi phát hiện thấy các nốt tình nghi xuất hiện trên da, bác sĩ có thể làm một số xét nghiệm cần thiết. Mỗi năm nên đi khám một lần.
- 7
Xét nghiệm nhanh đường huyết
Mục đích của xét nghiệm này là phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kì. Nhóm phụ nữ có người trong gia đình mắc bệnh tiểu đường, bệnh cao huyết áp, béo phì thì nên làm xét nghiệm này, kể cả những người tăng cân nhanh khi mang thai. Theo số liệu thống kê, những phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kì thì rủi ro mắc bệnh tiểu đường túp II vào cuối đời tăng tới 50%. Phụ nữ ngoài 40 nên khám mỗi năm 2 lần, riêng nhóm có tiền sử nên đi khám sớm hơn (trước 30 tuổi).
- 8
Xét nghiệm mật độ khoáng của xương
Phép xét nghiệm này có tác dụng biết trước nguy cơ mắc bệnh loãng xương, căn bệnh khá phổ biến ở phụ nữ, áp dụng cho nhóm phụ nữ trước 35 tuổi, nhất là nhóm có tiền sử gia đình mắc bệnh loãng xương, nhóm dùng thuốc điều trị bệnh tuyến giáp, sử dụng steroid để điều trị bệnh hen hoặc bệnh ezeme. Nếu mật độ khoáng của xương thấp thì khi nuôi con bằng sữa mẹ tỉ lệ này lại càng giảm và dễ gây bệnh loãng xương, mỏng và giòn xương. Bác sĩ sẽ khuyến cáo một số cách ăn uống, luyện tập giảm cân, dùng thuốc bổ để bổ sung đủ canxi trong giai đoạn mang thai, sinh con. Những khuyến cáo cụ thể còn dựa vào kết quả xét nghiệm của từng người, nếu xương phát triển bình thường thì không nhất thiết phải kiểm tra mà chờ đến khi mãn kinh hãy đi khám tiếp.