Hướng dẫn những lưu ý cần nhớ khi mang thai
(Giúp bạn)Phụ nữ trong thời kỳ mang thai có những nguy cơ gì cần kiểm soát không? Suốt thời gian mang thai – dù là lần đầu, hay lần hai, lần ba… đều có thể đối diện với những nguy cơ khác nhau tùy thuộc vào sự kết hợp với một hay nhiều yếu tố, ví dụ: tuổi mẹ quá trẻ (từ 15 tuổi trở xuống) sẽ làm tăng nguy cơ bị tiền sản giật, ngược lại mang thai quá muộn (từ tuổi 35 trở đi) cũng gặp nhiều vấn đề như cao huyết áp, tiểu đường khi có thai và cả các biến chứng khi chuyển dạ.
- 1
3 tháng đầu – giai đoạn khó khăn
Nôn và buồn nôn: Phụ nữ có thai lần đầu, tình trạng nôn và buồn nôn được gọi là ốm nghén và cũng là đối tượng dễ gặp tình trạng nghiêm trọng hơn như nôn mửa nặng, mất nước và giảm cân. Họ hay buồn nôn nhất vào buổi sáng nhưng cũng có thể bất cứ lúc nào trong ngày và dễ buồn nôn khi ngửi thấy mùi xào nấu.
Nếu chỉ là thể nhẹ hoặc trung bình thì chỉ gây khó chịu. Nếu là thể nặng, có thể dẫn đến mất nước và rối loạn điện giải, có thể kèm theo nguy cơ cho con như thai chết lưu, thai nhẹ cân.
Sảy thai tự nhiên: Không phải là biến cố hiếm gặp bởi vì chỉ có loài người là loài duy nhất mà sự mang thai không phải chắc chắn sẽ dẫn đến việc sinh ra con. 15% những phụ nữ chậm kinh 5 - 6 tuần và được xác định là có thai bằng siêu âm nhưng sau đó đã kết thúc bằng sự cố sảy thai không vì một lý do rõ rệt nào.
Hơn 50% thai nghén không đi đến đủ tháng mà đã “hỏng” giữa đường vì những lý do hoàn toàn tự nhiên ở phụ nữ trẻ dưới 35 tuổi, càng nhiều tuổi thì nguy cơ sảy thai càng tăng lên. Từ 35 đến 42 tuổi, tỷ lệ sảy thai tăng từ 15 lên 30%.
Những bất thường ở trứng là nguyên nhân chính của sảy thai tự nhiên, bất thường ở nhiễm sắc thể (NST) chiếm đến 70% trường hợp sảy thai, trong khi cả hai bố mẹ đều có nhiễm sắc đồ hoàn toàn bình thường. Sự cố hay gặp này không phải là bệnh mà chỉ là sự điều chỉnh tự nhiên.
Ảnh: Inmagine
- 2
3 tháng giữa – dễ chịu nhưng vẫn kèm nguy cơ
Một số nguy cơ được nhắc đến là:
• Cao huyết áp: Là sự cố bệnh lý đe dọa sự an toàn cho cả mẹ và thai nhi. Mặc dù nhiều phụ nữ có thai bị huyết áp cao vẫn có thể sinh con khỏe mạnh và không có vấn đề gì nghiêm trọng nhưng vẫn được coi là nguy hiểm cho cả mẹ và thai. Những phụ nữ đã bị cao huyết áp từ trước khi có thai dễ gây ra một số biến chứng khi có thai hơn phụ nữ có huyết áp bình thường. Một số phụ nữ khác chỉ bị cao huyết áp khi mang thai.
Tác động của huyết áp cao đến khi thai nghén có thể nhẹ nhưng cũng có thể nặng, ví dụ gây tổn thương thận và các cơ quan của người mẹ hoặc có làm cho thai đẻ ra nhẹ cân và đẻ non. Trường hợp nặng nhất thì người mẹ có thể bị tiền sản giật.
• Thiếu máu: Thiếu máu do thiếu sắt là thể bệnh thường gặp nhất, ngoài ra còn có thể thiếu máu do thiếu vitamin; do có tính chất di truyền. Với phụ nữ có thai bị thiếu máu do thiếu sắt thì có thể tăng nguy cơ đẻ non và sinh ra con nhẹ cân.
Triệu chứng thường gặp nhất của mọi thể thiếu máu là cảm giác nhọc mệt vì cơ thể không nhận đủ ô xy. Ngoài ra còn có thể có da xanh, loét miệng và lưỡi, thở nhanh, ăn không ngon, tiêu chảy, tê bì hay đau nhói ở bàn tay hoặc/và bàn chân, yếu cơ, tâm trí lú lẫn.
• Bệnh tiểu đường: Thường bắt đầu vào tháng thứ 5 hay thứ 6 của thai nghén (giữa tuần lễ thứ 24 và 28). Trong hầu hết các trường hợp bệnh qua đi sau khi đã sinh con. Mức đường huyết cao trong máu có hại cho cả mẹ và thai nhi.
Yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường trong thời gian mang thai: béo phì, lịch sử bệnh gia đình có bệnh tiểu đường tuýp 2, phụ nữ từ 35 tuổi trở lên mới có thai, nếu lần trước đã sinh con to (khoảng từ 3,7kg – 4,5kg), có cao huyết áp, có yếu tố chủng tộc thuận lợi. Nếu không được điều trị thì thai sẽ dễ có bệnh ngay khi đẻ ra như có mức đường huyết áp thấp hoặc vàng da, hoặc có cân nặng hơn bình thường.
- 3
3 tháng cuối – cần đặc biệt thận trọng
Đây là giai đoạn có nhiều nguy cơ với cả mẹ và thai nhi, bao gồm:
• Nhiễm khuẩn đường tiết niệu (NKĐTN)
NKĐTN tình trạng thai nghén làm tăng nguy cơ bị NKTN. Nồng độ progesterone cao làm cho cơ niệu quản giãn do đó niệu quản dài ra và khi tử cung lớn lên thì có thể chèn ép vào niệu quản làm cho dòng nước tiểu không lưu thông dễ dàng.
Đến cuối kỳ thai nghén, đầu thai nhi lại đè vào bàng quang nên không thể làm rỗng bàng quang hoàn toàn càng làm cho dòng nước tiểu khó lưu thông, tạo thuận lợi cho vi khuẩn phát triển trước khi bị thải ra ngoài. Nếu bị nhiễm khuẩn thận khi có thai cần dùng kháng sinh đường tĩnh mạch và đề phòng nguy cơ đẻ non.
• Tiền sản giật và sản giật
Thường phát triển từ trạng thái cao huyết áp không được kiểm soát. Tiền sử có một số bệnh từ trước khi có thai như cao huyết áp mạn tính, tiểu đường, bệnh thận hay bệnh lupus đều tăng nguy cơ bị tiền sản giật.
Khi tiền sản giật không được kiểm soát tốt, các cơn giật xảy ra, với các triệu chứng như nhức đầu nặng, rối loạn thị lực, có khi hôn mê. Sản giật có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho một số cơ quan như não, gan, thận. Không được điều trị, sản giật có thể gây hôn mê, tổn thương não và tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
Tuy nhiên, sự phân chia các nguy cơ bệnh lý theo 3 giai đoạn chỉ có giá trị tương đối vì có nhiều bệnh khởi phát ở giai đoạn sớm nhưng nặng lên ở các giai đoạn sau.