Hướng dẫn những trò chơi vận động giúp trẻ thông minh

11:56 11/02/2014

(Giúp bạn)Không chỉ ngồi một chỗ với những cây bút chì màu, những cục đất sét hay những khối xếp hình… trẻ mới có điều kiện phát triển óc tư duy sáng tạo. Tham gia những trò chơi vận động cũng là cách giúp nâng cao trí thông minh cho trẻ. Hãy cùng khám phá những trò chơi vận động giúp rèn luyện sức khỏe và trí thông minh cho bé từ 3 - 5 tuổi nhé!

  • 1

    Chơi trốn tìm
     

    huong-dan-nhung-tro-choi-van-dong-giup-tre-thong-minh-1


    Trò chơi này không chỉ giúp bé rèn luyện sự nhanh nhạy, mà còn giúp trẻ phát triển óc tư duy và sự phán đoán làm thế nào để trốn kỹ nhất, hoặc tìm ở đâu để cho thể bắt được ba mẹ nhanh nhất. Các nhà tâm lý học còn cho rằng trò chơi trốn tìm còn có thể giúp giải tỏa cảm xúc lo lắng và sợ hãi của trẻ. Vì nó làm cho trẻ nghĩ rằng: "Cha mẹ không có ở trước mắt thì không có nghĩa là cha mẹ đã biến mất".

    Cách chơi: Bạn sẽ là người đi tìm, bé và ba sẽ là người đi trốn. Bạn nhắm mắt lại và bắt đầu đếm 5…10…15 cho đến 100. Trong thời gian này bé sẽ tìm chỗ trốn, bé phải làm sao trong thời gian nhanh nhất có thể di chuyển và tìm được chỗ trốn kỹ nhất, khó tìm nhất. Hoặc có thể cho bé là người đi tìm, bạn là người trốn. Bé sẽ phải suy nghĩ, phán đoán xem bạn sẽ trốn ở đâu để tìm được nhanh nhất. Nếu người đi trốn bị bắt thì sẽ phải là người đi tìm.

  • 2

    Tìm kiếm đồ vật

    Trò chơi đòi hỏi sự nhanh nhạy này giúp phát triển phản xạ của bé.

    Khi chơi cùng bé, bạn hãy đọc to tên đồ vật nào đó hiện có xung quanh như: bức ảnh, chiếc ô hay cái bút…, rồi khích lệ bé nhận diện nhanh, vận động nhanh nhất có thể và đưa đến cho bạn đồ vật bạn vừa nêu tên.
    Bịt mắt bắt dê

    Trò chơi này giúp rèn luyện thính giác, óc phán đoán cho bé.

    Bạn có thể xung phong bị bịt mắt lại bằng một chiếc khăn, bé và những bé khác sẽ đứng thành vòng tròn. Các bé sẽ chạy xung quanh bạn cho đến khi có 1 bé hô "bắt đầu" hoặc "đứng lại" thì tất cả mọi người phải đứng lại, không được di chuyển nữa. Lúc này bạn bắt đầu lần đi xung quanh để bắt được ai đó, các bé thì cố tránh để không bị bắt và tạo ra nhiều tiếng động để đánh lạc hướng. Đến khi một bé bị bắt và bạn đúng tên thì người đó sẽ phải ra "bắt dê", nếu đoán sai lại bị bịt mắt lại và làm tiếp.

  • 3

    Đi tìm báu vật

    Trò chơi này sẽ giúp bé khám phá thiên nhiên và nhận biết những thứ xung quanh bé.

    Bạn có thể cầm 1 cái xô nhỏ cùng bé ra ngoài vườn và phám khá những thứ xung quanh khu vườn, giúp bé biết thêm được nhiều thứ hoa lá, cây cỏ xung quanh khu vườn. Bạn yêu cầu bé tìm cho bạn một vài thứ. Đó có thể là cành cây, cái lá, viên sỏi… Sau đó cùng bé kiểm tra lại những báu vật mà bé tìm được, bằng cách nói bé lấy cho bạn thứ gì đó trong xô xem bé có lấy đúng thứ bạn cần hay không.

  • 4

    Rồng rắn lên mây

    Đây là một trò chơi dân gian giúp trẻ rèn luyện sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật và khả năng đối đáp. Bé có thể rủ những người bạn đến chơi hoặc cả gia đình bạn cũng có thể cùng chơi, sẽ rất thú vị đấy!

    Cách chơi: Một bé đứng ra làm thầy thuốc, những bé còn lại sắp hàng một, tay bé sau nắm vạt áo hoặc đặt trên vai của bé phía trước. Sau đó tất cả bắt đầu đi lượn qua lượn lại như con rắn, vừa đi vừa hát: Rồng rắn lên mây, có cây lúc lắc, hỏi thăm thầy thuốc, có nhà hay không?

    Sau một lượt đối đáp, cả  đoàn  rồng  rắn bắt đầu chạy  trốn và cuộc  chơi  bắt đầu. Thầy thuốc phải cố bắt cho được người sau cùng (đuôi), trong khi người làm đầu giang tay ngăn cản không  cho  thầy thuốc bắt được khúc đuôi, đoàn rồng rắn phải uốn lượn theo người đứng đầu. Nếu thầy thuốc bắt được khúc đuôi, cuộc  chơi  lại  tiếp tục  từ  đầu  với người làm  đuôi bị  bắt phải thay thế vị trí thầy thuốc. Trong  khi  đuổi bắt, nếu đoàn rồng rắn bị  dứt ngang giữa chừng (do buông tay  khỏi  vạt  áo), cuộc  chơi tạm ngừng để nối lại và  tiếp tục  trò chơi.

  • 5

    Lưu ý cho các phụ huynh khi cho bé chơi trò chơi vận động:

    - Việc chơi cùng với bé sẽ giúp các thành viên của gia đình thêm gắn kết và vui vẻ, thoải mái sau những giờ làm và học tập căng thẳng. Nhưng nếu bạn quá bận không thể chơi cùng bé thì bạn có thể hướng dẫn cho bé và những người bạn của bé cùng chơi. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải để mắt đến bé để đảm bảo an toàn cho bé.

    - Khi bé chơi và vận động nhiều, cần chú ý cung cấp đầy đủ dinh dưỡng và nước cho bé để bé luôn được đảm bảo tốt nhất về thể chất.

    - Cần quy định thời gian chơi cho bé, đừng để bé chơi quá nhiều, nô đùa quá mức, bé có thể bị mệt hoặc đêm bé có thể sẽ gặp những cơn ác mộng.

    - Khi chơi bé ra nhiều mồ hôi, hoặc đôi bàn tay dính bẩn, cần vệ sinh sạch sẽ cho bé để tránh gây bệnh cho bé. Chú ý, không cho bé tắm ngay sau khi chơi, bé sẽ dễ bị cảm.

Comments