Khi đàn ông nội trợ

11:54 11/02/2014

(Giúp bạn)Bên cạnh các mô hình gia đình đương đại đặc biệt như: bố/mẹ đơn thân nuôi con, "vợ chồng" đồng tính... có thể điểm danh những gia đình mà người chồng ở nhà làm nội trợ.

  • 1
    Ông nội trợ nước ngoài
     
    Khái niệm "ông nội trợ" (tiếng Anh: househusband) đã xuất hiện từ khá lâu. Ít nhất thì vào năm 1980, trả lời phỏng vấn của tạp chí Playboy về việc thay vợ chăm sóc cậu con trai, Sean, John Lennon đã phát biểu: "Tôi tự hào được làm ông nội trợ". Khi đó, các ông chồng coi việc trông nom con cái và làm một số việc nhà là sự chia sẻ với vợ. Họ thấy vui sướng vì có thêm nhiều thời gian dành cho gia đình. 
    Ngày nay, qua tâm sự của một số ông nội trợ trên các tờ báo của Anh, Mỹ... người ta vẫn thấy trọn vẹn niềm vui sướng đó. Nhưng lý do để người chồng chọn làm công việc vốn theo truyền thống được coi là của người vợ, thì bao gồm các yếu tố thực tế hơn nhiều.

    Vấn đề tiền bạc đang được nhìn nhận nghiêm túc khi tính đến sự tồn tại của một gia đình. Giờ đây, người ta vẫn tỏ ra yêu thích mô hình truyền thống - chồng kiếm tiền còn vợ lo nội trợ - nhưng cũng nhiều người cho rằng: Người vợ hoàn toàn có thể đảm nhận việc kiếm tiền, nếu cô ấy làm việc đó tốt hơn. Khi người vợ đi làm, nhiều gia đình không thuê người trông trẻ vì chi phí quá cao, cho nên việc nhà dĩ nhiên sẽ được giao lại cho người chồng.

  • khi-dan-ong-noi-tro-1
  • 2

    Ông nội trợ nước ta

    Ở Việt Nam, hình ảnh đàn ông đi chợ mua thịt cá, giặt giũ, nấu nướng, đưa con đi khám bệnh... cũng không còn xa lạ. Khi chúng tôi phỏng vấn một số người đàn ông đi mua thực phẩm tại một khu chợ, các anh cho biết: "Vợ bận đi làm, mình có nhiều thời gian hơn nên giúp gì được thì giúp".

    Hầu hết những người này vẫn đang đi làm kiếm tiền và họ cũng làm những phần việc nhà nhất định, nên có thể nói, họ chính là "ông nội trợ bán thời gian". Thế nhưng, đối với đàn ông Việt Nam, những việc nhà họ làm chỉ là "giúp vợ". Họ vẫn luôn cho rằng việc nội trợ là của phụ nữ và họ chưa từng thừa nhận vai trò nội trợ của mình. Rất hiếm thấy đàn ông Việt Nam quyết định nghỉ việc hẳn để làm "ông nội trợ toàn thời gian".

  • 3

    Được và mất

    Nói đến đàn ông làm nội trợ, chắc chắn người ta thấy cái mất trước tiên, cụ thể là mất "sĩ diện". Theo quan niệm cổ điển, đàn ông thay vợ làm nội trợ là việc khó chấp nhận, đàn ông ở nhà để vợ đi làm kiếm tiền thì càng bị coi thường. Không cứ ở châu Á, mà ở Âu, Mỹ cũng tồn tại ý thức hệ tương tự. Bởi vậy, các ông chồng rất dễ bị "mất mặt" khi nhận vai trò ông nội trợ. 

    Cái mất là thế, nhưng cái được cũng đáng kể. Nhiều bài viết của các ông nội trợ đăng trên báo chí, nhật ký trên mạng... chủ yếu bày tỏ niềm hạnh phúc được nuôi dạy con cái, chơi với chúng và lo lắng cho chúng suốt ngày. Họ không ngại làm bếp, giặt giũ, đi chợ, lau nhà... bởi họ cho rằng tất cả là vì con cái và cả người vợ đang bận rộn kiếm tiền nuôi gia đình.
  • khi-dan-ong-noi-tro-2
  • 4

    Các bà vợ nghĩ gì?

    Ông nội trợ phải chịu áp lực tâm lý rất lớn và các bà vợ hiểu điều đó. Chương trình Today của NBC News từng có cuộc thảo luận giữa những phụ nữ đang chung sống với ông nội trợ, những phụ nữ kiếm tiền nhiều hơn chồng. Họ trao đổi các bí quyết để giữ gìn hạnh phúc với ông chồng nội trợ của mình.

    Nói chung, tất cả đều luôn cố gắng bày tỏ tình yêu đối với chồng, cổ vũ chồng làm tốt công việc nội trợ và đặc biệt là biết cách xử trí vấn đề tiền nong. Họ cho rằng, người vợ nên chủ động tạo tài khoản chung cho gia đình và giữ riêng một ít tiền. Không nên đưa hết tiền cho chồng, hòng "trấn an" ông nội trợ về vai trò "chủ gia đình", để rồi mỗi khi cần một khoản chi tiêu nho nhỏ cho bản thân thì lại bực bội vì phải hỏi ý kiến chồng.

    Có thể thấy, phần lớn các ông chồng bắt đầu "sự nghiệp" nội trợ khi vợ sinh con, vì việc nhà rõ ràng là tăng lên rất nhiều với sự xuất hiện của đứa trẻ. Người vợ do đó cũng thấy được tinh thần trách nhiệm và tình cảm của chồng dành cho mình. Họ hiểu rằng, các ông nội trợ quả tình rất dũng cảm và cũng vô cùng nhạy cảm.

Comments