Làm sao để giúp trẻ tháo gỡ khó khăn?
(Giúp bạn)Thông thường, khi biết được con cái đang gặp rắc rối, cha mẹ luôn là người đứng ra giải quyết, bởi cha mẹ nào cũng thương con, muốn tuổi thơ của con được an lành về tinh thần cũng như sức khỏe.
- 1
Phải bình tĩnh và chừng mực trong cách giải quyết
Đây là vấn đề hết sức quan trọng, nhất là khi trẻ tỏ ra mất hết tự tin vào khả năng giải quyết những rắc rối của bản thân, cha mẹ phải hết sức bình tĩnh, mạnh mẽ, đừng hoảng hốt, nguyền rủa đánh đập hoặc dồn trẻ đến ngõ cụt...
Thái độ đúng đắn nhất của cha mẹ lúc đó phải tự mình nhận thức rằng nếu giải quyết được rắc rối, trẻ sẽ nhanh chóng bình phục. Mặt khác, qua giải quyết được những rắc rối này, trẻ sẽ trưởng thành, tự rút ra bài học quý báu về vượt qua thử thách, gian nguy của cuộc đời.
Nhiều bậc cha mẹ hay cho phép mình tham gia quá sâu vào việc giải quyết những rắc rối của trẻ là vì không tin tưởng mấy ở khả năng của chúng. Khi con cái còn nhỏ, tất nhiên cha mẹ phải là người chịu trách nhiệm chính nhưng khi chúng bước sang tuổi thiếu niên thì cha mẹ chỉ là người quan sát, khuyên bảo, góp ý và động viên chúng khi cần thiết.
Các bậc cha mẹ cần nhớ: Không phải do số lượng hay mức độ rắc rối của vấn đề khiến đứa trẻ mất tự tin hay làm hại đối với sức khỏe, tinh thần của nó má chính là do phương pháp giải quyết những sự việc đó.
Khi trẻ tỏ ra mất tự tin vào khả năng giải quyết vấn đề thì cha mẹ cần bình tĩnh hướng dẫn trẻ
- 2
Khuyên trẻ thổ lộ với cha mẹ:
Bước đầu tiên là hãy khuyên bảo, động viên trẻ kể cho cha mẹ hoặc một người thân nào đó về sự thật những vấn nạn mà chúng đang gặp. Khi đã thổ lộ được với người tin cậy, chính là trong lòng trẻ đã giảm bớt một nửa phần rắc rối đang đè nặng.
- 3
Khuyên trẻ suy nghĩ:
Khuyên trẻ bình tâm trở lại, ngẫm nghĩ mọi khía cạnh của vấn đề trước khi quyết định cần phải làm gì. Qua đó, tự trẻ sẽ đưa ra những cách giải quyết mới lạ, hợp lý... Khi trẻ biết tự suy nghĩ, tức là đã giúp chúng chuyển từ trạng thái "con nít" sang trạng thái người lớn, sẽ khiến chúng tự tin vào bản thân hơn và có thêm sức mạnh tinh thần hơn.
- 4
Biết hành động:
Nhằm giúp trẻ biết vạch ra kế hoạch để giải quyết rắc rối một cách thực tiễn, khả thi và hợp lý.
- 5
Giám sát:
Luôn theo dõi giám sát, động viên mọi tiến triển của sự việc mà trẻ đang hành động hoặc cùng trẻ nghĩ ra phương cách thích hợp để giải quyết.
- 6
Khen thưởng:
Nhằm khích lệ những nỗ lực dù sự tiến bộ chưa nhiều lắm. Cần đặt ra những phần thưởng thực tế cụ thể để động viên, khích lệ trẻ.