Làm sao để khắc phục tính ỷ lại của trẻ?

11:10 11/02/2014

(Giúp bạn)Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ thường quá nuông chiều nên việc gì cũng làm hộ vì sợ trẻ quá mệt, hoặc sợ trẻ không làm được, điều này vô hình chung đã hình thành cho trẻ tính ỷ lại, dựa dẫm. Để khắc phục tình trạng này ở trẻ, cha mẹ có thể giúp trẻ như sau:

  • 1

    Thời điểm thuận lợi để khắc phục tính ỷ lại ở trẻ

    Khi trẻ 3 tuổi là thời điểm thuận lợi để cha mẹ khắc phục tính ỷ lại ở trẻ và hình thành cho trẻ tính độc lập, tự lập. Bởi vì trẻ 3 tuổi, nhu cầu tự khẳng định bản thân đã hình thành và phát triển, trẻ thích tự làm một số việc gì đó, không muốn dựa dẫm vào cha mẹ hoặc mọi người, nhưng do năng lực độc lập làm việc của trẻ còn kém nên trẻ thường làm không tốt. Vậy đây là thời điểm thích hợp để cha mẹ có thể giúp trẻ khắc phục tính ỷ lại, đặc biệt cha mẹ cần coi trọng, bảo vệ, ủng hộ những hành vi, ý thức đầu tiên và tính tự lập của trẻ.

    lam-sao-de-khac-phuc-tinh-y-lai-cua-tre-1

  • 2

    Cho trẻ luyện tập nhiều lần

    Cha mẹ cần cho trẻ luyện tập nhiều lần với khoảng thời gian và khối lượng công việc thích hợp, giúp trẻ không ngừng nâng cao tính tự lập. Sở dĩ phải cho trẻ luyện tập nhiều lần vì trẻ làm lần đầu chưa thể đem lại kết quả như mong muốn nên cha mẹ cần phải kiên nhẫn, tỉ mỉ hướng dẫn, giúp trẻ và yêu cầu trẻ làm lại nhiều lần cho đến khi đạt kết quả tốt. Ví dụ, lần đầu trẻ tự rửa mặt, tay chân không thể sạch sẽ được nên cha mẹ cần hướng dẫn một cách tỉ mỉ để trẻ rửa lại nhiều lần… Nếu không coi trọng việc cho trẻ luyện tập nhiều lần mà để trẻ tự ý làm, hoặc làm thay trẻ sẽ không hình thành thói quen độc lập ở trẻ mà làm cho trẻ ngày càng ỷ lại.

  • 3

    Giao cho trẻ những công việc phù hợp

    Cha mẹ cần giao cho trẻ công việc phù hợp với khả năng, sức lực, lứa tuổi và sự nhận thức của trẻ, đồng thời không nên giao cho trẻ quá nhiều việc và cần cho trẻ thời gian thực hiện các công việc đã giao. Ví dụ, trẻ 3 - 4 tuổi cha mẹ có thể giao cho trẻ các công việc như: giặt khăn mặt, tự rửa mặt, tuới cây cảnh trong nhà…Từ 5, 6 tuổi có thể giao cho trẻ rửa cốc chén, quét nhà, nhặt rau, chăm sóc vật nuôi trong nhà… Khi trẻ đã hoàn thành công việc thì mới giao công việc tiếp theo. Hãy cho trẻ bắt đầu với những công việc nhỏ và những việc mà trẻ hứng thú nhất, đồng thời liên tục tạo thêm hứng thú cho trẻ.

  • 4

    Giải thích rõ mục đích, cách thức tiến hành, quyền lợi và nghĩa vụ cho trẻ

    Trẻ nhỏ là một thành viên trong gia đình, vì vậy trẻ cũng cần phải hiểu được nghĩa vụ của các thành viên trong gia đình và tích cực thực hiện các công việc của bản thân mình. Khi trẻ thực hiện, cha mẹ cần giao nhiệm vụ rõ ràng, giải thích rõ mục đích và cách thức tiến hành cho trẻ. Ví dụ, dạy trẻ cách rửa tay: trước hết làm tay ướt, sau đó xoa xà phòng, xoa hai tay vào nhau rồi rửa cổ tay, mu bàn tay, các ngón tay… cuối cùng là dùng nước xả sạch, rồi lau khô tay. Cho trẻ thực hiện từng công đoạn một và liên tục khen ngợi, hướng dẫn trẻ thực hiện tốt các công đoạn.

    lam-sao-de-khac-phuc-tinh-y-lai-cua-tre-2

  • 5

    Khích lệ trẻ tham gia các hoạt động thực tiễn xã hội

    Thường xuyên đưa trẻ tham gia các hoạt động thực tiễn xã hội có lợi cho sự bồi dưỡng tinh thần ở trẻ như: đưa trẻ đi du lịch hè, đi thăm các bạn nhỏ khuyết tật, đến bảo tàng, cung thiếu nhi… cho trẻ nhận thức được tầm quan trọng của tính tự lập trong cuộc sống.

  • 6

    Chú ý giữ vệ sinh và an toàn cho trẻ khi làm việc

    Trẻ không hiểu hết sự nguy hiểm khi tiến hành làm việc, vì kinh nghiệm sống của trẻ còn ít cho nên cha mẹ cần giải thích cho trẻ những nguy hiểm mà trẻ có thể gặp phải và hướng dẫn cách phòng tránh, đồng thời phải luôn để ý trẻ khi trẻ thực hiện công việc. Đặc biệt là sự nguy hiểm của nước, lửa, điện, hoá chất… Hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh khi làm việc và sau khi làm xong việc. Ví dụ như: rửa tay, chân sạch sẽ sau khi nhặt rau xong.

  • 7

    Thái độ cần thiết của cha mẹ

    Khi khắc phục tính ỷ lại ở trẻ, cha mẹ cần giữ thái độ nghiêm khắc khi trẻ có biểu hiện lảng tránh, không muốn làm. Cha mẹ tuyệt đối không làm thay mà cần tin tưởng vào năng lực của trẻ. Đối với những trẻ có thói quen được nuông chiều, mới đầu có thể trẻ sẽ không quen, nhưng cha mẹ không nên đánh, mắng trẻ mà hãy hướng dẫn và có thể làm mẫu, sau đó để trẻ tự làm. Khi trẻ thực hiện thì cần khuyến khích, khen ngợi, bồi dưỡng sự tự tin cho trẻ.

Comments