Làm sao để lưu giữ kỷ niệm cho con?
(Giúp bạn)Bạn hãy biết tận hưởng, trân trọng và lưu giữ lại những kỷ niệm quý báu vì đó là thứ duy nhất mà bạn mang theo bên mình khi con lớn khôn nên người, để rồi mai này bạn có thể nhìn ngắm và gợi nhớ lại những ký ức vui vẻ về con yêu.
Đối với những ông bố bà mẹ, không có niềm hạnh phúc nào hơn được tận mắt nhìn thấy con mình khôn lớn mỗi ngày. Từ tiếng khóc oe oe chào đời đến nụ cười đầu tiên, từ giọng nói bi bô gọi mẹ đến những bước đi chập chững đầu đời…và còn rất rất nhiều những cột mốc thời gian đánh dấu những bước phát triển quan trọng trong cuộc đời con trẻ. Do đó, bạn hãy biết tận hưởng, trân trọng và lưu giữ lại những kỷ niệm quý báu vì đó là thứ duy nhất mà bạn mang theo bên mình khi con lớn khôn nên người, để rồi mai này bạn có thể nhìn ngắm và gợi nhớ lại những ký ức vui vẻ về con yêu.
- 1
Chụp ảnh
Không thể phủ nhận chụp ảnh luôn là cách thức lưu giữ kỷ niệm truyền thống và lâu đời nhất hiện nay. Từ khi nhiếp ảnh ra đời, nó đã hoàn toàn thay đổi, và khiến cuộc sống chúng ta trở nên có ý nghĩa hơn rất nhiều. Bạn có thể sắm một chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ xinh, hoặc điện thoại di động có chức năng chụp hình và luôn mang theo trong bất kỳ một sự kiện trọng đại của bé và chụp lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhất.
Lưu giữ ảnh bằng Album: hãy lồng ảnh bé vào album và không quên ghi vài dòng chú thích phía sau tấm ảnh theo thứ tự thời gian với các cột mốc khi bé tròn 1 tuổi, 2 tuổi, 3 tuổi…
Bộ ảnh “Đi cùng năm tháng”: với mục đích cảm nhận được những bước thay đổi của con trẻ theo thời gian, bạn hãy chụp ảnh bé vào những thời điểm khác nhau nhưng lại cùng một địa điểm hoặc cùng một đồ vật nào đó. Ghép những tấm ảnh lại với nhau bạn sẽ có 1 chuỗi hìnhh ảnh sống động về sự thay đổi, lớn khôn của bé.
- 2
Quay phim/ghi âm
Một cách khác để lưu giữ kỷ niệm về bé là quay phim. Nếu bạn có thể sắm một chiếc máy quay phim chuyên dụng hoặc trong trường hợp điều kiện tài chính không cho phép, bạn cũng có thể tận dụng các thiết bị có chức năng quay phim mà bạn đang có, chẳng hạn như máy chụp hình KTS, điện thoại di động (mặc dù chất lượng phim sẽ không đẹp bằng máy quay chuyên dụng). Ắt hẳn, bọn trẻ sẽ rất thích thú khi xem lại những thước phim của chính mình khi chúng còn nhỏ – khuôn mặt tèm lem thức ăn, những bước đi chập chững và những tiếng nói bập bẹ, ngọng nghịu, đáng yêu…
Ngoài ra, bạn cũng có thể thâu âm lại giọng nói của bé, nếu bạn không đủ khả năng mua máy quay phim hoặc các thiết bị điện tử có sẵn tính năng quay phim. Thật tuyệt vời khi bạn được lắng nghe lại những âm thanh dễ thương thời thơ ấu của bé, đúng không nào?
- 3
Viết nhật ký
Ngoài chụp hình, quay phim thì viết nhật ký về bé là một cách lưu giữ kỷ niệm có thể nói là giàu tình cảm nhất. Dù là bạn sử dụng một quyển sổ bình thường hoặc sách nhật ký in sẵn, hãy luôn đảm bảo rằng những nội dung trong đó xuất phát từ tình cảm chân thật nhất của một người mẹ (bố) dành cho đứa con yêu dấu của mình. Cố gắng tập thói quen viết nhất ký hàng ngày, hành tuần, hàng tháng về những tâm tư, tình cảm của bạn dành cho bé hoặc điều bé thích/ghét, từ chuyện lớn đến chuyện vụn vặt, những buổi họp mặt, dã ngoại, những niềm vui và cả những nỗi buồn trong cuộc sống gia đình…
Những trang nhật ký ấn tượng
Để quyển nhật ký của mình thêm sinh động, bạn hãy dán thêm hình ảnh của bé ở mỗi cột mốc phát triển trong cuộc đời; ngoài ra có thể lồng thêm những bài hát ru, khổ thơ, truyện cổ tích… mà bạn và bé thích nghe nhất; hoặc có thể đính vào đó những vật dụng gắn liền với sự hiện diện của bé như: vòng tay có tên bé khi mới chào đời, cuống rốn, dấu tay, dấu chân…hoặc những bông hoa hồng thành tích mà bé được thưởng khi đi học nhà trẻ, những tấm thiệp mà bé tự tay làm tặng bố mẹ… Khi bé biết đọc, biết viết hãy cho bé cùng viết nhật ký với bạn. Có như thế, nhật ký mới thật sự trở thành cầu nối tình cảm, gắn kết hơn nữa giữa bố mẹ và con trẻ.
- 4
Những cách lưu giữ kỷ niệm khác
Chiếc hộp kỷ niệm: hãy cho tất cả vật dụng quan trọng về bé vào trong những chiếc hộp theo từng năm tuổi. Chẳng hạn, trong năm đầu đời, bạn hãy giữ lại chiếc áo (nón, vớ tay, vớ chân) đầu tiên bé mặc sau khi ra đời, dấu tay/chân bằng mực in hoặc bằng đất sét, biểu đồ tăng trưởng cân nặng, chiều cao hoặc đơn giản là một chiếc nến cắm trong ổ bánh sinh nhật… Một đứa trẻ thì có vô vàn những đồ vật mà bố mẹ có thể giữ lại làm kỷ niệm. Nhưng quan trọng là hãy giữ lại những đồ vật gắn liền với bé, có ý nghĩa, mang giá trị tinh thần. Thường thì các bố mẹ hay thích “lượm lặt” những món đồ đầu tiên trong cuộc đời của bé.
Chiếc bảng thần kỳ: hãy đính lên chiếc bảng những tranh ảnh, bài kiểm tra đạt điểm cao, những bưu thiếp, thư từ, hoặc bất cứ thứ gì liên quan đến bé… để luôn nhắc bạn nhớ đến những kỷ niệm và những tình cảm đáng yêu mà bố mẹ và bé dành cho nhau.
Thời thơ ấu bao giờ cũng là quãng thời gian tươi đẹp và những kỷ niệm tuổi thơ luôn là những món quà và hành trang quý giá mà bố mẹ nào cũng muốn lưu giữ cho con trẻ mai sau. Bạn có thể áp dụng những phương pháp truyền thống hay tự sáng tạo cách thức cho riêng mình. Nhưng dù bạn có lưu giữ bằng cách nào hay ở đâu, nơi tốt nhất để kỷ niệm luôn sống mãi, không tàn phai theo năm tháng chính là trong trái tim của bạn – một nơi luôn chan chứa tình thương vô bờ bến đối với những đứa con yêu dấu của mình.