Làm sao để 'thương lượng' với con trẻ thành công
(Giúp bạn)Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng với bé trong cuộc tranh luận, bạn cần lắng nghe suy nghĩ và ý kiến của bé.
- 1
Luôn luôn lắng nghe luôn luôn thấu hiểu
Trước khi đưa ra quyết định cuối cùng với bé trong cuộc tranh luận bạn cần lắng nghe suy nghĩ và ý kiến của bé. Với trẻ nhỏ việc biểu đạt suy nghĩ, cảm xúc của mình là điều không mấy dễ dàng.
Chính vì thế bạn hãy cố gắng lắng nghe để hiểu được suy nghĩ cũng như mong muốn của bé. Học cách lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bé cũng sẽ giúp bạn đưa ra những phán quyết chính xác và đúng đắn nhất.
- 2
Tìm vật thay thế
Khi con trẻ yêu cầu bạn phải sắm cho chúng những vật dụng không phù hợp với lứa tuổi của chúng hoặc đó là món đồ đắt tiền thì bạn hãy khéo léo hướng bé sang một hướng khác với đa dạng những loại vật dụng cũng nằm trong “danh sách” yêu thích của bé nói riêng và của các trẻ nhỏ nói chung. Đa phần trẻ nhỏ thường rất thích thú nếu được lựa chọn với nhiều sự lựa chọn khác nhau, đây cũng là cách giúp trẻ tự tin hơn.
- 3
Hãy “thiện chí” với bé
Những cử chỉ mang tính tích cực của bạn ví như ánh mặt trìu mến, ngôn ngữ cơ thể tích cực cũng là cách để bạn động và “giao tiếp” hiệu quả cùng bé.
Ngoài ra bạn nên lựa chọn những lời lẽ mang tính chất động viên khích lệ bé thay vì dùng những ngôn từ thô bạo hoặc đe dọa. Trẻ sẽ không cảm thấy mình như đang bị dọa nạt hoặc có cảm giác sợ hãi với những biểu hiện tích cực này của bạn.
- 4
Thể hiện thái độ cương quyết
Hãy thể hiện sự thẳng thắn, lập trường dứt khoát của bạn với con trẻ, cương quyết không chấp nhận thói mè nheo, lèo nhèo của bé.
Trẻ có thể dùng những “chiêu” thường thấy như quấy khóc hoặc la hét để thu hút sự chú ý của bạn đối với những yêu cầu của bé nhưng trong trường hợp này bạn hãy thể hiện thái độ giả vờ “ngây ngô”, không quan tâm đến những thái độ tiêu cực này của trẻ.
- 5
Tái hiện lại ý tưởng của bé
Hãy giúp trẻ phản ánh, tái hiện lại những ý tưởng của bé để giúp cho bé và bạn thực sự hiểu những gì bé muốn nói. Thậm chí bạn có thể diễn giải bằng lời nói của mình để bé hiểu được rằng bạn lắng nghe bé.
Ví như trong trường hợp bé nói rằng mỗi kỳ thi học kỳ đến với bé thì bé luôn cảm thấy chán nản và mệt mỏi. Bạn hãy cho trẻ biết rằng bạn cũng đồng ý với quan điểm này của bé nhưng hãy nhấn mạnh với bé rằng sau kỳ thi học kỳ sẽ là một kỳ nghỉ hè thật tuyệt vời với bao điều thú vị đang ở phía trước.
- 6
Cho bé thời gian…
Cho bé một khoảng thời gian nhất định để thử nghiệm, kiểm chứng những hành động của bé cũng là cách rất tốt để có thể “đàm phán” hiệu quả với con cái. Ví như con bạn đồng ý với đề xuất tự dọn dẹp phòng của chúng sạch sẽ trong vòng một tuần, nếu bé đảm trách tốt vai trò này thì bạn nên giữ lời hứa sẽ tiếp tục thực hiện những bước tiếp theo đúng như những gì đã thỏa thuận với bé trước đó.
- 7
Hãy tin tưởng và tôn trọng bé
Một nguyên tắc không thể thay đổi để có một cuộc đàm phán thành công thì nhất thiết phải có sự tin tưởng và tôn trọng giữa hai bên thương lượng. Nếu bạn luôn đánh giá rằng con cái bạn không đủ khả năng hoặc trách nhiệm cho những hành vi của mình thì việc “đàm phán, thương lượng” sẽ không thành công. Chính vì thế, bạn nên tôn trọng ý kiến của bé để tự làm chủ những quyết định của mình.