Làm sao để tiết kiệm chi tiêu sau Tết?
(Giúp bạn)Vậy là bạn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuẩn bị cho gia đình một cái Tết sung túc, vui vẻ. Nhưng phải làm sao đây khi sau những ngày chi tiêu tưng bừng cho dịp trọng đại, hiện giờ hầu bao của bạn đang ở mức báo động? Đừng vội hoang mang, lo lắng hay dằn vặt bản thân vì đã trót “vung tay quá trán”. Hãy bình tĩnh để cân đối lại các khoản tài chính trong gia đình.
- 1
Lập kế hoạch - ghi chép chi tiêu
Dường như đây là câu chuyện “khổ lắm biết rồi nói mãi” nhưng không phải bà nội trợ nào cũng dám tự tin khẳng định rằng mình rất nghiêm túc thực hiện việc này. Chị Thu Hường (chung cư Khang Gia, P11, Q Gò Vấp, TP.HCM) kể: “Hồi mới có gia đình riêng, tôi cũng tự nhắc nhở bản thân phải lập kế hoạch chi tiêu tỉ mỉ để chứng tỏ vai trò tay hòm chìa khóa của mình. Tôi còn tự tặng bản thân một quyển sổ rất đẹp để thực hiện mục tiêu. Nhưng sau một thời gian ngắn tôi bắt đầu oải vì nhiều khi có những khoản lắt nhắt cũng phải nhớ lại mà ghi, rất đau đầu và mất thời gian nên tôi… dẹp luôn”.
Chị Hường không phải trường hợp ngoại lệ. Rất nhiều bà nội trợ từ việc lười ghi chép mà đã mắc sai lầm khi để những khoản lắt nhắt khiến chi phí sinh hoạt phát sinh mà nhiều khi không biết vì sao.
Để kế hoạch chi tiêu không bị đổ bể, bạn cần hình thành thói quen lập kế hoạch chi tiêu trước mỗi tháng. Bạn dự định tháng này sẽ chi bao nhiêu, khoản nào là bắt buộc, khoản nào có thể cắt giảm, mục tiêu tiết kiệm là bao nhiêu… Và bạn phải tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch đã đề ra.
Mặt khác, nếu ngại ghi chép hàng ngày, bạn cần kiểm tra việc tiêu pha của mình ít nhất hai lần/tuần. Việc theo dõi đó sẽ giúp bạn thấy được những khoản chi tiêu nhỏ nhặt không cần thiết hằng ngày.
- 2
Tiết kiệm những khoản không thể cắt
Có những khoản chi không thể cắt nhưng chúng ta vẫn có thể tiết kiệm được. Ví dụ, tiền nước, tiền điện, xăng, gas, ăn uống…
Để tiết kiệm điện, phải hạn chế sử dụng các thiết bị ngốn điện như máy lạnh, máy hút bụi, bàn ủi hoặc nếu sử dụng thì phải chọn những thiết bị tiêu thụ điện năng thấp. Tắt những bóng đèn và thiết bị điện tử khác nếu không cần thiết. Tận dụng ánh sáng tự nhiên và gió trời. Ngoài ra, nên tắt nguồn hoặc rút dây khỏi ổ cắm bình nước nóng, sạc điện, bộ router phát wifi… khi không sử dụng. Việc làm này không chỉ giúp bạn tiết kiệm mà còn giúp nâng cao độ bền các thiết bị đó.
Để tiết kiệm nước, bạn nên tắm bằng vòi sen vì cách này ít tốn nước hơn hứng nước vào xô rồi tắm. Rửa rau cũng nên ngâm nước muối vì vừa rửa sạch hơn vừa ít tốn nước. Giặt quần áo thì nên chờ khối lượng đồ dơ vừa phải, không nên giặt quá nhiều hoặc quá ít. Hơn nữa, bạn có thể tận dụng nước để tái sử dụng. Chẳng hạn nước rửa đồ ít dơ có thể dùng là nước đầu cho đồ dơ nhiều, nước xả quần áo dùng lau sàn…
Bạn cũng nên rà soát lại các gói dịch vụ trong nhà như gói truyền hình cáp, gói internet xem có cắt giảm được không. Chị Thu Huyền (đường Hoàng Văn Thụ, Q Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ: “Lúc trước nhà tôi dùng gói cước truyền hình cao cấp với cước phí 88.000 đồng/tháng. Sau khi cân nhắc, tôi đã đổi xuống gói cước bình dân chỉ với 66.000 đồng/tháng mà vẫn có đủ những kênh gia đình thường hay xem”.
- 3
Tiết kiệm tiền lẻ
Đừng bao giờ coi thường những số tiền nhỏ lẻ. Nếu còn tiền thừa, thay vì nghĩ đến việc… tiêu nốt hoặc vứt lung tung, các bạn hãy bỏ ống tiết kiệm.
Câu chuyện về cậu học sinh Phạm Nguyễn Thành Trung (lớp 10 Trường THPT Nguyễn Du - TP.HCM) sau gần 3 năm dành dụm tiền ba mẹ cho ăn sáng (tiền xu và tiền giấy mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng) đã “tậu” được một chiếc laptop hơn 20 triệu đồng cậu hằng mơ ước khiến nhiều bà nội trợ phải giật mình khâm phục.
- 4
Ăn ở nhà thường xuyên hơn
Những khoản chi phí dành cho các bữa ăn tại nhà hàng luôn có giá thành cao gấp đôi hoặc gấp ba so với việc tự mua nguyên liệu về chế biến. Chính bởi lý do này nên việc “chống chỉ định” với những nhà hàng xa hoa, sang trọng sẽ giúp bạn tiết kiệm được một số tiền không nhỏ.
Không chỉ bữa tối mà bữa sáng, bữa trưa, bạn vẫn có thể tự chuẩn bị cho mình. Còn nếu muốn ra ngoài ăn để thay đổi không khí thì hãy tìm nơi đang giảm giá.
Chị Mai Phượng (đường Hoàng Hoa Thám, Quận Tân Bình, TP.HCM) với kinh nghiệm 20 năm nội trợ chia sẻ: “Một trong những cách để tôi tiết kiệm đó là luôn nấu ăn tại nhà. Điều đó không chỉ giúp tôi giữ chặt được ví tiền mà còn giúp chồng và các con cảm nhận được không khí ấm cúng…”.
- 5
Để tiền tại nhà
Khi đi ra ngoài, đặc biệt là khi mua sắm, bạn đừng mang theo tất cả “vốn liếng” của mình và càng không nên thanh toán bằng thẻ tín dụng. Việc có sẵn tiền chính là nguyên nhân khiến bạn phóng tay tiêu xài. Ngược lại, việc chỉ có một số tiền nhất định trong túi sẽ khiến bạn phải suy nghĩ và cân nhắc trước khi quyết định mua hàng.
- 6
Đừng tham vì giá rẻ
Việc mua số lượng nhiều thường rẻ hơn, lại hay được khuyến mãi. Nhưng chưa chắc điều đó sẽ giúp bạn tiết kiệm, trừ khi bạn rủ được một nhóm người cùng mua, sau đó chia ra, hoặc đó là các món đồ cần thiết, sử dụng liên tục và hết nhanh chóng. Còn với những mặt hàng lâu lâu mới dùng, việc mua nhiều sẽ khiến bạn tiêu tốn nhiều hơn so với nhu cầu thực tế của gia đình. Hơn nữa, nếu để lâu, các món hàng có thể bị hư, hết hạn sử dụng hoặc khiến các thành viên gia đình phát ngán khi… ăn mãi một món.
- 7
Xem xét lại các mối quan hệ
Có thể bạn không tin nhưng thật sự các mối quan hệ bạn bè thường ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bạn, trong đó có cả vấn đề tài chính. Nếu bạn chơi với những người bạn có thu nhập cao hơn bạn rất nhiều thì bạn luôn phải “chạy theo” cho kịp với họ trong cách chi tiêu. Bạn rất dễ dàng rơi vào tình trạng rỗng túi sớm hơn và nợ nần chồng chất khi thu nhập của bạn không thể đáp ứng.
- 8
Tăng nguồn thu
Trong thời kỳ khó khăn, mọi khoản lương thưởng hầu như đều giảm, bởi vậy, bạn đừng chỉ biết trông chờ vào thu nhập của công việc chính. Chưa kể, trước cơn bão giá ngày càng mạnh, nếu bạn không giảm chi tận thu thì rất khó để đảm bảo mức chi tiêu trong gia đình như trước đây. Do đó, để tích lũy nguồn thu, đừng từ chối nhận thêm việc, làm tăng ca khi sếp yêu cầu. Ngoài ra, bạn cũng nên kiếm việc làm thêm, kinh doanh để có thể đa dạng hóa các khoản thu.