Làm sao để trẻ không còn khép kín

11:01 11/02/2014

(Giúp bạn)“Nó chẳng bao giờ hỏi chuyện và giao tiếp với ai”, “nó không thích chơi với bạn bè”, “đến nhà ai chơi nó cũng khóc đòi về”… Hàng loạt những vấn đề trên biểu hiện con bạn là một đứa trẻ quá khép kín.

Mẹ mới là an toàn

Theo các chuyện gia tâm lý trẻ em, việc bé chỉ được chơi quanh quẩn trong nhà, đối mặt với bốn bức tường đã hạn chế sự giao tiếp của trẻ. Được ủ ấp trong vòng tay của người thân quá nhiều và quá lâu khiến trẻ không còn nhu cầu được giao lưu ra bên ngoài. Được bao bọc nhiều quá, trẻ sẽ ngại ngùng và sợ sệt khi gặp người lạ. Trẻ cho rằng mọi người ở môi trường xung quanh đều đáng sợ, thậm chí còn nguy hiểm và có thể làm hại trẻ, lúc này trẻ chỉ nghĩ đến mẹ và nhà mình là nơi an toàn nhất.

Trẻ ít nói chuyện và tâm sự với mẹ, lầm lì và thường hay sợ gặp những người lạ. Nhiều mẹ nghĩ rằng đây chỉ là chuyện bình thường, lớn lên trẻ sẽ thay đổi. Nhưng thực tế nhiều trẻ vẫn không thể thay đổi và thậm chí còn khó thích nghi với môi trường mới nếu không có giải pháp đúng đắn. Bên cạnh đó, việc hỏi những câu hỏi mang tính tra vấn như “Con có làm bài đầy đủ không đấy?”, “Hôm nay mẹ giao việc con làm đến đâu rồi?”… cũng sẽ khiến trẻ không mấy tự tin vào bản thân và ngại chia sẻ.

Cùng con làm quen với thế giới

Từ khi còn nhỏ, hãy tập cho trẻ thói quen được chơi và giao lưu với bạn bè cùng trang lứa. Rủ những đứa trẻ nhỏ khác cùng vào nhà chơi đồ chơi, thỉnh thoảng đưa trẻ sang nhà hàng xóm để bé tập làm quen với bạn bè, cùng vui chơi, cùng khám phá và chia sẻ những điều mới lạ. Điều này sẽ khiến trẻ muốn được chơi và giao lưu với bạn bè hơn. Muốn khám phá và tò mò học hỏi những điều xung quanh từ chính bạn bè của trẻ.

Đến tuổi đi học, hãy chuẩn bị cho trẻ một tâm lý thoải mái, kể những câu chuyện vui và thú vị về trường lớp để tạo hứng thú cho trẻ. Những buổi đầu đến lớp có thể khiến trẻ bị “sốc”, khóc lóc thảm thiết vì môi trường quá mới, quá nhiều bạn bè, quá ầm ĩ và quá kỷ luật, nhưng không vì thế mà lo lắng rồi cho trẻ được ở nhà và trẻ lại trở lại trạng thái ban đầu.

Gia đình nên tổ chức những buổi đi chơi thú vị cho trẻ để trẻ được khám phá thiên nhiên, khám phá môi trường xung quanh. Có thể đưa bé đến những nơi như công viên, siêu thị, plaza, đến nhà ông bà nội ngoại hoặc nhà bạn bè. Đặt ra những câu đố thú vị về cuộc sống xung quanh như “Đố con biết đây là con gì?”, “Kia là cây gì ý nhỉ?”, hay “Con có thích món đồ chơi kia không?”… sẽ khiến trẻ có tư duy tốt hơn, ham học hỏi và muốn nói chuyện cũng như giao lưu hơn. Hơn thế nữa, khi tư duy và trí tò mò được kích thích, trẻ sẽ hỏi nhiều hơn, và điều đó không những khiến trẻ không còn bị khép kín, sợ hãi mà còn phát triển toàn diện hơn về tinh thần.

Chia sẻ và lắng nghe

Để chia sẻ dễ dàng hơn với con cái đồng thời giúp con vượt qua ranh giới thầm lặng và khép kín không hoàn toàn khó khăn, chỉ cần quan tâm và để ý đến tâm lý, hành vi, thói quen của trẻ một chút là có thể thực hiện được. Luôn giữ bầu không khí thoải mái, sẵn sàng lắng nghe những câu chuyện của trẻ, đưa ra những câu hỏi như “Ôi thật thế à? Vậy mà giờ mẹ mới biết”, “ngày xưa mẹ ghét môn Lịch sử lắm, thế còn con?”, “mấy hôm nay ở lớp có gì vui không?”

Một điều quan trọng hơn cả, theo các chuyên gia tâm lý, trẻ sống quá khép kín cũng có thể khiến trẻ bị tự kỷ, chỉ thích ngồi một mình và khi đã trở thành bệnh thì việc trị liệu cũng sẽ rất khó khăn và gây trở ngại cho sự phát triển bình thường của trẻ.

Comments