Làm sao khi con vào tuổi dậy thì?

11:06 11/02/2014

(Giúp bạn)Hiện nay tuổi dậy thì có vẻ bộc lộ sớm hơn so với thời đại trước, do cuộc sống ngày càng được nâng cao, nhu cầu dinh dưỡng ngày càng được đáp ứng nên trẻ cũng có những biểu hiện phát triển sớm hơn. Bên cạnh đó, thời hội nhập với nhiều luồng văn hóa tràn ngập cũng là thách thức cho trẻ lựa chọn cũng như đang dần trở thành mối quan tâm đáng lo ngại của các bậc phụ huynh đối với con em mình.

  • 1

    Hiểu con ở tuổi dậy thì

    Tuổi dậy thì là thời kỳ chuyển tiếp từ giai đoạn trẻ thơ sang giai đoạn trưởng thành, là thời kỳ quá độ khi không còn là trẻ con nhưng vẫn chưa hẳn là người lớn. Trong giai đoạn này, trẻ có nhiều biến đổi quan trọng về cơ thể cũng như về tâm lý. Đây là thời điểm thích hợp để các bậc cha mẹ bằng hiểu biết, tình yêu thương, sự gần gũi để trò chuyện với con về giới tính.

    Cởi mở nói chuyện với chúng bằng những câu chuyện từ chính cuộc đời của mình cùng với những gì bản thân đã trải qua trong thời kỳ đó. Nói lên được nỗi lo lắng, thắc mắc tò mò của bạn như chúng bây giờ thì chắc chắn con bạn sẽ cảm thấy được chia sẻ, tin tưởng vào bạn và không ngần ngại bày tỏ suy nghĩ, trăn trở của mình. Đó cũng là bước đầu để thu hẹp khoảng cách giữa cha mẹ và con cái, mỗi khi con bạn đã muốn trò chuyện với bạn về chuyện “thầm kín” nhất, thì những vấn đề khác chúng cũng sẽ không ngần ngại nói ra.

  • 2

    Đừng giận dữ khi con tiết lộ bí mật

    Nhiều bà mẹ tỏ ra hốt hoảng khi đọc được điều gì đó không ngờ tới trong nhật ký của con mình đang độ tuổi teen như chuyện chúng thích bạn khác phái trong lớp, chuyện chúng gửi thư, đi chơi với nhau hay những cảm xúc nhớ thương nào đó... Đừng vội giận dữ, lo lắng mà hãy làm ngơ và coi đó là chuyện bình thường.

    Tất nhiên, qua những bí mật của con đã giúp bạn hiểu phần nào về chúng để trong lúc trò chuyện, bạn có thể đi vào những vấn đề mà chúng thực sự đang quan tâm. Nếu vô tình bắt gặp con trai của bạn đọc sách người lớn, xem phim cấm trên Internet, hay có hành vi thủ dâm chẳng hạn, bạn cũng đừng nên la mắng chúng.

    Như thế, chúng sẽ cảm thấy có lỗi, mặc cảm và sẽ không bao giờ dám đối diện với bạn. Ngược lại, nên gần gũi, cởi mở và trao đổi thẳng thắn về những tác hại của việc con bạn đang làm đến bản thân chúng, hướng chúng đến những sinh hoạt lành mạnh như cùng chúng tập thể thao, bơi lội... Nên mua tặng con những cuốn sách về giới tính, hướng dẫn chúng những trang web có mục tư vấn tâm sinh lý tuổi học trò để chúng truy cập như là cách trang bị cho chúng những kiến thức cần thiết để chúng khám phá bản thân mình.

  • 3

    Cập nhật thông tin về giới tính

    Bạn đọc ở đâu đó trên báo rằng tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên gia tăng, bạn nên nói lại với con, rồi qua đó, nói về những biến chứng, nguy hại của việc làm đó đến sức khỏe của chúng sau này. Đừng lảng tránh vấn đề tình dục mà hãy trò chuyện với con về vấn đề này một cách tế nhị, khéo léo.

    Bạn nên nói với con nguy cơ mang thai, lây nhiễm có thể xảy ra nếu quan hệ tình dục không an toàn. Và hãy cho chúng biết làm thế nào để ngừa thai, tình dục an toàn. Những kiến thức này không chỉ dựa trên kinh nghiệm của các bậc cha mẹ mà phải là những kiến thức được cập nhật thường xuyên, khoa học.

    Khi có những hiểu biết đúng đắn, bản thân chúng sẽ biết phải làm gì để có thể vượt qua được giai đoạn này và định hình một đời sống tình dục lành mạnh về sau.

  • 4

    Đồng hành cùng con trẻ

    Hiểu được tâm lý của đứa con đang học làm người lớn rồi, người làm cha mẹ cần có những động thái gì để quan hệ tốt với con, trở thành người bạn đáng tin cậy để dìu bước trẻ trong đoạn đời khó khăn này? Cha mẹ cần tạo dựng mối quan hệ tích cực với con cái.

    Hãy là người đồng hành, là người thầy tốt bụng, là người bạn thông cảm, là người cha thân thiện, là người mẹ hiền hòa, và cả là tấm gương thần tượng của đứa con đang lớn. Cùng chơi với con. Cùng học với con. Cùng trò chuyện với con, chat với con qua mạng internet...

    Vui, buồn cùng con. Không sống bên cạnh mà hãy cùng sống với con trẻ. Những điều đứa trẻ mới lớn mong đợi cha mẹ làm cho mình là gì? Đó là giữ lời hứa với trẻ. Cư xử trước sau như một. Lắng nghe và thấu hiểu con. Thỉnh thoảng con trẻ cần ở một mình, và cha mẹ nên tôn trọng ý muốn này của trẻ.

    Chỉ cần mở rộng lòng yêu thương và nỗ lực từng chút một, cha mẹ sẽ làm nên những điều tưởng chừng nhỏ nhặt, song lại có ý nghĩa thật phi thường cho đứa con yêu quý của mình.

Comments