Làm sao khi trẻ bị táo bón

11:26 11/02/2014

(Giúp bạn)Trẻ không thường xuyên đi đại tiện hoặc khó đi đại tiện, phải rặn nhiều, đau vùng hậu môn vì phân khô, cứng… một mặt là do hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, mặt khác là do chăm sóc chưa đúng cách...

  • 1

    Nguyên nhân

    Trẻ không thường xuyên đi đại tiện hoặc khó đi đại tiện, phải rặn nhiều, đau vùng hậu môn vì phân khô, cứng… một mặt là do hệ tiêu hóa của trẻ còn non yếu, mặt khác là do chăm sóc chưa đúng cách (chế độ ăn uống không hợp lý: ăn quá nhiều chất đạm nhưng ít rau và chất xơ, sữa không phù hợp với trẻ, cho trẻ uống quá ít nước, giờ giấc ăn uống, ngủ nghỉ của trẻ không khoa học...). Hậu quả là khiến trẻ chướng bụng, biếng ăn, chậm lớn, khó chịu và quấy khóc. Tình trạng này kéo dài còn gây sa trực tràng, trĩ… làm trẻ đau đớn và suy kiệt. Nhiều trẻ mỗi lần đi vệ sinh rất đau đớn nên nhịn luôn, làm cho tình trạng ngày càng trầm trọng.

    lam-sao-khi-tre-bi-tao-bon-1
     

    Nếu thấy trẻ bỗng nhiên ít đi đại tiện, hay xì hơi (đánh rắm), buồn rặn nhưng không đi đại tiện được thì cũng có nghĩa là bạn cần giúp trẻ ngay.

  • 2

    Giải pháp cho bé

    Chế độ ăn uống

    - Với những trẻ bú mẹ hoàn toàn, trẻ khó đi cầu chủ yếu là do chế độ ăn của mẹ thiếu chất xơ. Với những bà mẹ đang cho con bú thường áp dụng chế độ ăn kiêng lạc hậu như: uống ít nước, không được ăn hoặc ăn ít rau, cá, nước mắm, hoa quả,... dẫn đến nguồn sữa thiếu chất xơ, là nguyên nhân khiến trẻ khó đi đại tiện. Lúc này, bạn nên tăng cường ăn nhiều rau, quả, đặc biệt là các loại rau, quả giúp tiêu hóa tốt như: rau khoai lang, chuối tiêu, cam, bưởi,... để trẻ đi đại tiện được dễ dàng.

    - Để tăng cường số lần đại tiện cho trẻ, bạn cũng nên uống thêm nước chanh, nước cam hoặc nước trái cây ép.

    - Cho trẻ uống nhiều nước hơn trong ngày, nhất là trong những ngày nắng nóng, trẻ không chỉ bị mất nước qua đi tiểu mà còn mất nước do ra nhiều mồ hôi, do vậy bổ sung nhiều nước là rất quan trọng. Nên cho trẻ uống nhiều nước, nước quả và canh rau để không bị thiếu nước. Bạn có thể cho trẻ uống trà dành cho trẻ vừa giải khát và đảm bảo lượng nước cần thiết.

    - Đồng thời, phải cho trẻ ăn đủ số lượng hàng ngày, bổ sung nhiều chất xơ theo tỷ lệ của độ tuổi. Bữa ăn của trẻ nên bổ sung thêm nhiều rau xanh, giảm bớt lượng cá thịt cho phù hợp.

    lam-sao-khi-tre-bi-tao-bon-2

    - Cho trẻ ăn thêm rau khoai lang hoặc củ khoai lang luộc sẽ giúp kích thích tiêu hóa. Ngoài ra có thể xay nhuyễn khoai lang sống và lấy ít nước cho trẻ uống.

    - Cho trẻ ăn thêm hoa quả. Nên cho trẻ ăn chuối hoặc thanh long vì 2 thứ này dễ kích thích tiêu hóa.

    - Cho trẻ ăn đúng giờ và đúng bữa. Bữa ăn phải ngồi 1 chỗ ăn, tránh chạy nhẩy, đi lại nhiều hoặc không tập trung khi ăn vì như vậy sẽ khiến thức ăn khó tiêu hóa hơn.

    - Giảm bớt lượng sữa đang dùng so với mọi ngày hoặc thay đổi loại sữa khác phù hợp cho trẻ.

    Luyện tập, vận động

    - Bạn cũng cần động viên tinh thần để trẻ đi cầu thành thói quen, vào đúng giời quy định. Nên chọn thời gian thuận tiện, khi trẻ không vội vã, thường nên chọn sau bữa ăn vì lúc này nhu động ruột hoạt động tăng, giúp việc đẩy phân ra ngoài dễ dàng hơn

    - Xoa bụng cho trẻ: Dùng 3 ngón tay đặt ở bên trái, dưới rốn và rồi ấn nhè nhẹ cho tới khi cảm nhận được khối cứng ở bụng trẻ. Duy trì nhịp ấn trong 3 phút, ngày 3 - 4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa ăn (trẻ dưới 1 tuổi) để kích thích nhu động ruột.

    - Với trẻ lớn, khuyến khích trẻ vận động cơ thành bụng và cơ tròn hậu môn: Chạy nhảy nô đùa, tập thể dục, thể thao…

    lam-sao-khi-tre-bi-tao-bon-3

    - Một phần thưởng sau khi đi cầu cũng sẽ rất hiệu quả với những trẻ “lười” đi đại tiện.

    -Nếu trẻ đi học mẫu giáo thì cần hỏi thăm cô giáo xem trẻ có đi vệ sinh thường xuyên không vì một số trẻ thường chỉ thích đi vệ sinh ở nhà nên hay nhịn ở lớp.

  • 3

    Sử dụng thuốc trợ giúp

    Khi đã dùng các biện pháp trên không có hiệu quả thì bạn mới dùng thuốc cho trẻ.

    - Thuốc nhuận tràng, men tiêu hóa vi sinh, vitamin C nhưng phải theo đơn của bác sĩ.

    - Cho trẻ uống dầu parafin: 5-10ml (trẻ nhỏ), 10-20ml (trẻ lớn) vào buổi sáng.

    - Nếu bé khó đi cầu, phân khô đến mức mà hậu môn bị nứt, rỉ máu thì có thể bôi 1 chút kem dưỡng nha đam để vết thương mau lành.

  • 4

    Thụt cho trẻ

    Thụt là biện pháp cuối cùng nếu trên 3 ngày sau khi đã dùng mọi biện pháp trên mà trẻ vẫn không đi ngoài được.

    - Thuốc thụt hậu môn micolax, mỗi lần thụt 1 ống.

    - Hoặc nước ấm cho pha glyxerin: 30-40ml đối với trẻ dưới 1 tuổi và 100-250ml đối với trẻ trên một tuổi.

    - Bạn cũng có thể dùng nước muối sinh lý hoặc nước ấm pha mật ong tỷ lệ 5% đối với trẻ nhỏ hơn 1 tuổi mỗi lần thụt 100 ml, trẻ lớn hơn 1 tuổi thụt 200ml.

Comments