Lỗi của mẹ dễ khiến con tử vong
(Giúp bạn)4 sai lầm kinh điển khi chăm sóc trẻ, cha mẹ nên biết để phòng tránh. Chăm sóc và nuôi dưỡng một đứa trẻ từ sơ sinh còn đỏ hỏn đến khi trưởng thành, cha mẹ hẳn sẽ gặp không ít khó khăn và sai lầm. Nhưng đừng để bất cẩn, sai lầm của mẹ gây nguy hại đến sức khỏe của con trẻ. Dưới đây là 4 sai lầm có thể khiến trẻ tử vong, cha mẹ rất nên cập nhật vào cẩm nang nuôi con của mình để còn tránh.
- 1
Cho trẻ uống thuốc bổ tùy tiện
Con ăn ngủ tốt, cao lớn, thông minh là mong muốn của tất cả các bậc phụ huynh. Chính vì vậy, nhiều mẹ thấy con thấp còi hơn so với trẻ cùng độ tuổi đã lo quýnh, cứ nghe ai mách thuốc gì tăng chiều cao, cân nặng, trí thông minh, hết biếng ăn… là tìm mua bằng được và bắt bé uống. Lợi đâu chẳng thấy nhưng hại thì đã ngay trước mắt. Con thấy mẹ bê ly thuốc ra là bụm miệng bỏ chạy, hai mẹ con đánh vật, hò hét mệt lử, uống được một muỗng thuốc thì bỏ dở một bữa ăn.
Các mẹ thường tin rằng: Thuốc bào chế cho trẻ được làm từ các thành phần thảo dược, lại được bổ sung rất nhiều khoáng chất, không bổ ngang cũng bổ dọc. Thế nhưng thực tế là sau khi uống hết cả chục chai “Giúp bé hết biếng ăn” thì tình trạng biếng ăn của bé vẫn chẳng cải thiện chút nào.
Đến khi được bác sĩ tư vấn mới vỡ lẽ: Không có thuốc nào giúp bé ăn ngon miệng cả. Phải hiểu cặn kẽ rằng, loại trừ do tâm lý, còn thì nguyên nhân là do thiếu chất này chất kia nên bé mới lười ăn, vì vậy nếu “hên” uống trúng thuốc bổ sung chất bé đang thiếu thì tình trạng được cải thiện, bằng không chỉ như nước đổ lá khoai, tốn tiền vô ích.
Mẹ tuyệt đối không được cho trẻ uống thuốc bổ tùy tiện (Ảnh minh họa).
- 2
Dùng thuốc để cầm tiêu chảy gấp
Khi trẻ bị tiêu chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt là đi ngoài phân lỏng nước, nhiều phụ huynh thường mua thuốc cầm tiêu chảy cho con mà không biết một số thuốc loại này có thành phần dược lý giống thuốc phiện. Chất này có thể cầm tiêu chảy ngay nhưng nguy cơ trẻ bị ngộ độc dẫn tới tử vong rất cao.
Điều quan trọng nhất khi trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ nên cho uống oresol pha theo đúng liều lượng để bù lại lượng nước bị mất. Nếu trẻ không uống được các loại nước này thì có thể cho bé uống nước dừa tươi hoặc nước ép cà rốt. Trong thời gian trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ nên theo dõi xem bé có bị mất nước không, nếu có cần đưa con đến cơ sở y tế để kịp điều trị.
- 3
Cố ép trẻ ăn khi đang ốm
Phần đa các mẹ khi được hỏi đều đồng ý cần phải cho trẻ ăn ngon và giàu dinh dưỡng hơn nếu bị ốm. Sự thật, điều này hoàn toàn phản khoa học vì rằng khi cơ thể không khỏe, hệ tiêu hóa của trẻ cũng theo đó mà kém hấp thu. Lúc này các mẹ lại tống vào thịt bò, bào ngư… khác nào xây nhà trên bùn. Hãy cho bé ăn thức ăn dễ tiêu, nếu con chỉ đòi ăn cơm trắng, mẹ cũng đừng vì thế mà lo lắng. Khi con hết bệnh, đó mới là lúc cần mẹ bồi bổ để hồi phục và phát triển.
- 4
Cố cạy răng khi bé bị co giật
Những bé từ 6 tháng đến 6 tuổi có thể bị co giật khi sốt cao đột ngột. Thường những cơn co giật này kéo dài khoảng 1 phút và tự ngưng. Khi bé co giật biểu hiện thường thấy là mắt trợn ngược lên hay đứng tròng, không biết gì, sùi bọt mép, tay và chân giật từng hồi liên tục.
Trong trường hợp này, điều quan trọng là cha mẹ phải thật bình tĩnh, để bé nằm nghiêng một bên cho đờm nhớt có thể chảy ra ngoài và làm thông thoáng đường thở của bé. Mẹ có thể nhét thuốc hạ sốt vào hậu môn bé và lau ướt người bé bằng nước ấm, chờ một vài phút cho bé hết co giật và thở đều trở lại rồi đưa đến bệnh viện. Tuyệt đối không cố cạy miệng trẻ ra và nhét một vật gì đó hay cạo gió vì hành động này có thể ‘lấy mạng’ trẻ ngay tức khắc.