Lời khuyên cho nàng dâu mới về nhà chồng
(Giúp bạn)Con dâu mới về nhà chồng phải học rất nhiều thứ từ cách cư xử đến hành động sao cho phù hợp với nhà chồng. Hãy cùng lamsao tìm hiểu những lời khuyên tốt nhất dành cho nàng dâu nhé!
- 1
Xắn tay áo lên mà làm!
"Hay lam hay làm" là cái nết quý giá ở người phụ nữ. Không ai muốn con trai mình có một cô vợ lười, vụng về. Rất nhiều gia đình nhà chồng đã nhận xét về cô dâu như sau: "Nó tuy không được khéo léo, không được xinh, lại yếu sức khỏe, nhưng được cái nết quý là... chăm chỉ".Không giống như các chàng rể, đến nhà vợ thì "ngồi vắt vẻo" trà thuốc với bố vợ, chờ đến bữa thì ngồi vào mâm. Chàng rể vẫn được coi là "khách", nên nếu chàng rể không chịu làm gì giúp nhà vợ, cũng không bị chê trách gì nhiều.Không giống như khi bạn về nhà bố mẹ đẻ, nơi bạn là con gái cưng, có thể nằm ngủ nửa ngày cũng vẫn được bố mẹ thông cảm. Trong gia đình nhà chồng, bạn được tiếng "dâu là con", nên mọi công việc lớn nhỏ, bạn phải chủ động làm. Nếu bạn nhanh nhẹn, biết chỉ huy, cắt việc cho các em, các cháu cùng làm, bạn sẽ được đánh giá cao hơn.Một điều bạn lưu ý là kết hợp khéo léo giữa sự chủ động của bản thân với việc "hỏi ý kiến" bố mẹ chồng, kẻo họ cảm thấy bạn "lộng quyền" hoặc bị bỏ rơi. Hỏi ý kiến đôi khi chỉ là một "thủ tục cho phải phép" vẫn khiến các cụ hài lòng!
- 2
Nhập gia tùy tục
Mỗi gia đình có một nề nếp gia phong riêng. Có thể ở nhà bạn, bố mẹ bạn quen với phong cách sống dân chủ, không trọng hình thức, đến bữa mạnh ai nấy ăn, không chờ đợi, chẳng cần mời chào. Nhưng ở gia đình chồng có thể lại khác. Vậy bạn đừng mang cái "văn hóa" nhà bạn vào nhà người ta, bởi dù sao bạn cũng là "kẻ ngoại lai", là số ít.Khi chỉ có hai vợ chồng bạn, mọi chuyện có thể đơn giản. Anh ấy hiểu bạn, nắm rõ tính cách của bạn, nên sống thế nào, ăn ở ra sao... là tùy hai người thỏa hiệp. Nhưng khi đã có cả bố mẹ chồng, anh em chồng, thì bạn nên hòa nhập với mọi người, đừng khi nào nói: "ở nhà con chẳng bao giờ làm thế cả", bạn sẽ bị mọi người cho là "không biết điều" đấy.Một điều nên tránh là "đem chuyện bên này về kể ở bên ấy", nhất là khi chuyện không vui. Để tạo dựng mối thân tình giữa hai bên thông gia, bạn chỉ cần nói "bố mẹ con bên ấy gửi lời thăm sức khỏe bố mẹ"... là đủ!
- 3
Hết lòng vì chồng con
Tất nhiên, là người vợ, người mẹ, ai cũng cố gắng hết lòng vì chồng con. Nhưng ở nhà bạn, chồng con bạn hiểu cặn kẽ tấm lòng bạn như thế nào, nên bạn không cần cố gắng thể hiện. Nhưng trước mắt gia đình nhà chồng, bạn không quên "làm hàng" một chút.Bạn có thể tâm sự với bà mẹ chồng về nỗi vất vả của bạn như thế nào để chồng con bạn có bữa cơm ngon lành, an toàn thời "bão giá". Bạn cũng đừng quên "khoe khéo" rằng bạn đã phải vì chồng, con mà "hy sinh" một khóa học do cơ quan cử đi. Chẳng dại gì mà bạn không khoe khéo rằng vừa phải mua sắm cho "bố con nó" bao nhiêu áo quần...Hãy nhớ rằng dù bạn có là cô con dâu tốt, được coi như con gái, nhưng bạn vẫn đứng hàng thứ ba, sau anh ấy và các con của bạn. Đây là quy luật tình cảm, nó ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người, đôi khi ta không ý thức được điều đó.Người ta sẽ rất quý mến người nào hết lòng vì "con cháu người ta". Bạn cũng đừng ghen tỵ hay phật lòng khi bố mẹ chồng có ý bênh anh con trai và cháu của ông bà hơn là bênh bạn. Rồi khi bạn trở thành bố mẹ chồng hay bố mẹ vợ, bạn sẽ hiểu rõ điều này hơn.Bạn đừng dại mà kể quá nhiều tội của chồng với bố mẹ chồng (và anh em chồng nữa). Bạn "nói xấu" anh ấy là đã gián tiếp trách móc bố mẹ chồng, họ sẽ có phản ứng ngay. Còn nếu anh chồng bạn "hết ý", đừng tiếc lời ca ngợi với gia đình nhà chồng. Quy luật "khen cái tay, khen lây cả người" là vậy đấy.
- 4
Hãy nhớ "mồm miệng đỡ tay chân"!
Có biết bao lời ngợi khen gắn liền với lời ăn tiếng nói. "Nhanh mồm nhanh miệng", "Chưa thấy người đã thấy tiếng", "Được lời như cởi tấm lòng", "Chẳng được ăn thịt ăn xôi/Cũng được lời nói cho tôi bằng lòng". Giỏi ăn nói cũng là thế mạnh của phụ nữ. Tại sao chị em không biết phát huy?Tuy nhiên, lời nói đẹp phải xuất phát từ sự quan tâm, sự ân cần đối với mọi người, chứ không phải là lời nói "chót lưỡi đầu môi". Phải chú ý và có lòng với bố chồng mới nói được câu "dạo này con thấy bố hay ho, ông đừng hút thuốc lào nữa".Phải quý mẹ chồng lắm mới thốt ra được lời thương cảm: "Mẹ ăn ít, để con mua hộp sữa, thỉnh thoảng bà uống thêm cho khỏe".
Thỉnh thoảng mới đến chơi, cũng nên có lời: "Con bận quá, lâu lâu không ghé qua thăm ông bà, con cũng sốt ruột". Dù bạn còn vụng về, chưa quen công việc gia đình nhà chồng, chắc không bố mẹ chồng nào trách móc, nếu bạn biết nịnh rằng: "Về làm dâu bố mẹ, con biết thêm nhiều điều, chứ trước khi ở nhà, mải học hành, nên không để ý".
Không chỉ bạn mới học cách "khéo mồm", mà chú ý dạy con cái những lời ăn tiếng nói dễ nghe khi nói chuyện với ông bà. Nói với chồng, xin chị em đừng bảo "bố mẹ anh", hãy chỉ nói "ông bà nội" là đủ. Thưa huyện với người ngoài, bạn cứ bảo "ông bà cháu", chẳng cần rạch ròi rằng "bố mẹ chồng em"!
- 5
Đừng quên những món quà
Người Việt Nam nói chung không quá coi trọng vật chất, nhưng quà cáp lại "nói hộ tấm lòng". Khi đi xa, về gần, dù không dư giả tiền bạc, bạn cũng đừng quên những món quà hợp lý cho từng người. Ngày xưa các cụ đã nói "già bát canh, trẻ manh áo mới", ý muốn nhắc nhở rằng người già và trẻ nhỏ giống nhau ở chỗ... thích được tặng quà. Nhưng quà cho các cụ cần khác với trẻ em.Cái khăn cho mẹ chồng, lạng cao hổ cốt cho "ông nội" ngâm rượu uống, cái áo len "hợp mốt" cho cô em chồng, đôi giày thể thao (hay chỉ cái dây đeo chìa khóa) cho cậu em chồng, vài đôi tất "xanh xanh đỏ đỏ" cho các cháu đã khiến cả nhà vui như hội.Có bà mẹ chồng đã rưng rưng cảm động khi cô con dâu đi ăn cưới, mang về biếu cụ một túi trầu cau. Có ông bố đi đâu cũng khoe con dâu tâm lý, chỉ vì cô ấy biết tặng ông chiếc đèn pin sạc điện với lời dặn dò: "ông hay đi vệ sinh ban đem, hãy cứ để đèn pin ở đầu gường, khi nào ông dậy, bật lên đi lại cho nó an toàn, kẻo ngã thì khổ!". Đấy, có nhiều tiền không chắc đã mua được sự quý mến của gia đình chồng như vậy đâu!Ở cơ quan, chúng ta ra sức gây cảm tình với thủ trưởng. Về nhà, ta tươi cười với hàng xóm láng giềng vì không muốn họ coi mình là người "khó chơi". Đến nhà bạn bè, ta còn biết "xã giao" để cả gia đình họ quý mến.Vậy tại sao chúng ta lại không cố gắng để làm hài lòng những người ruột thịt của chồng? Chị em hãy nhớ rằng mình đối xử với gia đình chồng thế nào là đang "làm gương" cho chồng trong công việc đối xử với gia đình mình, đồng thời đang dạy con đối xử với chúng ta mai sau.