Mách mẹ bí quyết giúp bé vượt qua "bước ngoặt" thay răng

12:58 11/02/2014

(Giúp bạn)Khi chiếc răng sữa của bé lung lay chực chờ rụng xuống cũng là lúc bé bước qua một bước ngoặt quan trọng: “thay răng”. Cha mẹ cần giúp bé “tạm biệt” chiếc răng cũ và giữ gìn vệ sinh răng miệng cho bé thật tốt.

  • 1

    Bước ngoặt “thay răng” của bé

    Những chiếc răng sữa hình thành ở tuần thứ 6, thứ 7 của thai kỳ dưới dạng lá răng. Đến khi bé được 6 tháng tuổi, chiếc răng ủ trong nứu từ rất lâu đã mọc lên. Và từ năm 6 tuổi, vòng đời của chiếc răng sữa kết thúc bằng việc lung lay và phải được nhổ đi, nhường chỗ cho răng vĩnh viễn của bé mọc lên. Thông thường, tuổi thọ của chiếc răng sữa không ngoài quy luật: răng nào mọc trước sẽ lung lay trước và đó thường là chiếc răng cửa hàm dưới.

    Đứng trước ngưỡng cửa “thay răng” của trẻ, điều quan trọng cha mẹ cần làm là giải thích cho bé hiểu đây là hiện tượng tự nhiên và ai cũng trải qua như vậy. Nếu có có thể, bạn hãy làm cho sự kiện này “trang trọng hóa” một chút bằng việc mua tặng con món quà hay tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ kỷ niệm “nhân ngày bé rụng chiếc răng đầu tiên”. Thay vì sợ hãi việc nhổ răng, bé sẽ cảm thấy đây là một sự kiện quan trọng trong đời đánh dấu cho việc bé đã trở thành người lớn.

    mach-me-bi-quyet-giup-be-vuot-qua-buoc-ngoat-thay-rang-1

  • 2

    Giúp con tự nhổ răng

    Nếu có thể, vì lý do an toàn nhất cho bé, bạn hãy đưa bé đến nha sĩ để nhổ khi chiếc răng đã lung lay, chín muồi. Tuy nhiên, nếu bé của bạn chỉ mới 6 tuổi và có vẻ sợ hãi, khóc thét với bác sĩ và những dụng cụ nhổ răng lỉnh kỉnh, bạn có thể giúp bé tự nhổ răng tại nhà.

    mach-me-bi-quyet-giup-be-vuot-qua-buoc-ngoat-thay-rang-2

    Giúp bé vượt qua giai đoạn thay răng dễ dàng.

    Để tiến hành việc này một cách an toàn và giúp bé không sợ hãi, bạn và bé hãy cùng theo dõi quá trình lung lay của răng bằng một cuốn lịch dễ thương. Mỗi ngày hỏi bé và ghi chú vào đó tình trạng răng cho đến khi chín muồi và quyết định ngày tạm biệt chiếc răng sữa. Bạn có thể dùng dụng cụ nhổ răng chuyên dụng hoặc đơn giản là rửa tay diệt khuẩn và dùng miếng gạc sạch, cho tay vào miệng bé xoay nhẹ chiếc răng và nhổ ra. Sau đó cho bé súc miệng với nước muối loãng để sát trùng và sạch máu ở chân răng. Nếu bé muốn tự làm, hãy hướng dẫn chi tiết cho bé và ở bên cạnh theo dõi bé thực hiện. Làm tương tự với những chiếc răng còn lại.

  • 3

    Giữ vệ sinh răng miệng

    Khi răng bé có dấu hiệu lung lay, bạn hãy chú ý cho bé ăn những thức ăn mềm hơn thường ngày, tránh ăn mía, kẹo cứng vì để làm gãy răng, gây tổn thương ổ răng của trẻ. Nên vệ sinh răng miệng sạch sẽ trước khi nhổ răng. Sau khi đã nhổ răng, bạn càng phải chú ý hơn về thức ăn của trẻ và vấn đề vệ sinh răng miệng. Có thể tiếp tục cho trẻ sát trùng bằng nước muối loãng 1lần/ngày. Vùng nứu chỗ chân răng vừa mới nhổ đang tổn thương nên bạn tránh để bàn chải đánh răng hay hay các hóa chất khác tiếp xúc phải. Nên lưu ý bé không dùng tay sờ vào gốc răng hay dùng lưỡi chạm vào nhiều sẽ dễ bị nhiễm trùng.

    Tránh cho bé ăn ngọt vì có thể làm hỏng men răng của bé, tránh các chất có khả năng bào mòn như acid trong chanh. Không cần cho trẻ uống thuốc sau khi nhổ răng nhưng bạn nên chú ý bổ sung dinh dưỡng, nhất là canxi cho trẻ để răng mới được mọc vững chắc hơn.

Comments