Mang thai tháng thứ 5 không tăng cân có sao không?
(Giúp bạn)Mang thai tháng thứ 5 không tăng cân khiến nhiều bà mẹ lo lắng. Theo các chuyên gia, đến thời điểm thai kỳ 5 tháng mà bà bầu chưa tăng cân, đây là một dấu hiệu đáng báo động.
Mang thai tháng thứ 5 thai nhi phát triển như thế nào?
Theo các chuyên gia, thai nhi của bạn có cân nặng khoảng 290 – 350 gram và có chiều dài khoảng 25 đến 28 cm. Chính sự lớn lên này của bé sẽ làm cho tử cung của mẹ gia tăng kích thước một cách nhanh chóng, tử cung to hơn sẽ chèn ép lên phổi, dạ dày, bàng quang và thậm chí là thận.
Làn da của thai nhi đang dần phát triển dày hơn bên dưới lớp chất nhầy bảo vệ. Bên cạnh đó, một số bộ phận như mái tóc và móng tay của bé yêu cũng đang tiếp tục được hoàn thiện.
Mang thai tháng thứ 5, hàng trăm tế bào thần kinh vận động đang được hoàn thiện. Đây chính là các tế bào thần kinh làm nhiệm vụ kết nối các thông tin hoạt động của cơ thể lên não.
Mang thai tháng thứ 5 đánh dấu khoảng thời gian tăng cân khá đều đặn của mẹ. Trong tháng này bạn có thể lên được khoảng 0,5kg mỗi tuần. Tăng trọng chuẩn của người mẹ đến lúc này là 3kg.
Mang thai tháng thứ 5 không tăng cân là tình trạng “báo động”
Theo các chuyên gia, việc tăng cân trong thai kỳ còn phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Có thai phụ tăng nhiều chân như sinh con ra vẫn nhỏ, có thai phụ tăng cân ít nhưng con sinh ra vẫn lớn và phát triển bình thường. Việc tăng cân quá nhiều dẫn đến béo phì trong thai kỳ cũng là một hiện tượng đáng báo động.
Chính vì vậy, theo các chuyên gia, mang thai tháng thứ 5 không tăng cân hoặc tăng cân quá ít là tình trạng không tốt. Nếu gặp trường hợp này, bà bầu nên đến cơ sở y tế uy tín để tìm ra nguyên nhân, được tư vấn và có cách khắc phục tốt nhất.
Hậu quả của việc mang thai tháng thứ 5 không tăng cân
Tăng cân không đáng kể trong thai kỳ có thể do bạn không thể hấp thu đủ lượng dinh dưỡng cần thiết. Điều này có liên quan đến yếu tố dị tật ở bé. Ví dụ minh họa rõ nét nhất là nếu chế độ ăn không cung cấp cho bạn ít nhất 400mcg axit folic mỗi ngày thì em bé trong bụng dễ mắc dị tật ống thần kinh và xương sống (nhóm thực phẩm giàu axit foilic bao gồm đậu đỗ, nước cam, bánh mỳ, ngũ cốc...).
Chế độ ăn thiếu hụt các loại vitamin như A, E, K, B2 và những chất khác (như sắt, canxi, kẽm, magiê) có liên quan đến chứng thiếu máu ở người mẹ và gây giảm chức năng não của bé.
Nếu tăng cân ít, bạn còn dễ phải đối mặt với dấu hiệu chuyển dạ sớm. Nếu không chuyển dạ sớm thì bé cũng dễ bị nhẹ cân sau khi chào đời. Điều này kéo theo hàng loạt rắc rối về mặt sức khỏe khác ở bé, như chứng còi cọc ở bé sau này.
Theo GDVN