Mất con vì “quên” phòng bệnh
(Giúp bạn)Sẩy thai, thai chết lưu, bé sinh ra có thể mắc những bệnh bẩm sinh như điếc, đục thủy tinh thể, giảm thị lực, vàng da, tim bẩm sinh, khiếm khuyết ống thần kinh, nhiễm trùng sơ sinh, suy dinh dưỡng, ung thư… đôi khi chỉ vì mẹ mắc những căn bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được nhưng đã không làm. Đáng nói là chi phí phòng ngừa không hề đắt, có khi chỉ là một hộp axít folic giá 12.000đ - từ phòng bằng thuốc
Vợ chồng chị N.T.M. (24 tuổi, Sóc Trăng) bàng hoàng khi các BS Bệnh viện (BV) Từ Dũ thông báo con chị có nguy cơ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh. Kết quả xét nghiệm của chị cho thấy rubella IgM và IgG dương tính cao. Chị đã mang thai đến tuần lễ thứ 18, nhưng qua kiểm tra bệnh sử, chị từng bị sốt phát ban cách đó sáu tuần.
Chị T.T.K.T. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cũng đang phải đứng trước một quyết định đau lòng là phải bỏ thai. Chị từng sinh con đầu lòng rất an toàn, nên lần này chủ quan, không đi xét nghiệm rubella trước khi mang thai lần thứ hai. Thai được 11 tuần tuổi, kết quả xét nghiệm cho thấy chỉ số kháng thể rubella IgM và IgG của chị dương tính khá cao. Các BS khuyên, biện pháp tốt nhất là nên chấm dứt thai kỳ, nhằm tránh các dị tật thai nhi.
Từ đầu năm đến nay, ước tính mỗi tháng BV Từ Dũ tiếp nhận sáu – bảy thai phụ nhiễm rubella cấp với tuổi thai dưới 13 tuần. Hầu hết những thai phụ mang thai ở tuần tuổi này đều được tư vấn chấm dứt thai kỳ sớm vì tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở con rất cao. BS Đặng Lê Dung Hạnh - Trưởng khoa Khám bệnh A, BV Hùng Vương khuyến cáo: “Nếu mẹ nhiễm rubella trong ba tháng đầu cho đến khoảng 17 tuần, em bé thường bị điếc, đục thủy tinh thể, mù, giảm thị lực, bị dị tật ở tim… Còn sau 17 tuần, em bé sinh ra từ những bà mẹ mắc bệnh rubella thai kỳ dễ bị nhiễm trùng sơ sinh: vàng da, chảy máu, nổi ban khắp người, viêm phổi. Mẹ nhiễm rubella cũng có nguy cơ sinh non hoặc sẩy thai. Cứ 10 thai phụ bị nhiễm rubella có khoảng tám đứa trẻ sinh ra bị dị tật. Vì thế, thai phụ nào khi phát hiện mình bị nhiễm rubella cũng đồng ý bỏ thai”.
Rubella là một trong những bệnh có tỷ lệ gây dị tật cho thai nhi cao nhất. TS-BS Lê Thị Thu Hà - BV Từ Dũ cho biết: “Nếu thai dưới 12 tuần mà mẹ nhiễm rubella cấp, nguy cơ thai nhi mắc dị tật bẩm sinh đến 90%. Mẹ nhiễm bệnh khi tuổi thai từ 13 – 14 tuần, nguy cơ dị tật là 30%. Để dự phòng rubella bẩm sinh, việc tiêm phòng là hết sức cần thiết.”
Ngoài rubella, con còn có thể bị lây virus viêm gan B từ mẹ. Theo các BS chuyên khoa sản, phần lớn virus viêm gan B lây nhiễm cho trẻ lúc mẹ chuyển dạ, một số ít lây trong giai đoạn bào thai. Trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, những trẻ sơ sinh có mẹ mắc bệnh viêm gan siêu vi B, cần phải được tiêm cả Immunoglobulin viêm gan B (hepabig) và vaccine viêm gan B (engerix B hoặc hepavax). Những người nhiễm virus viêm gan B thường tự khỏi; một số sẽ chuyển thành viêm gan mãn tính; trong đó, sẽ có một số trường hợp chuyển sang ung thư gan sau 5 - 10 năm. Với trẻ bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ, số ca bị viêm gan mãn tính nhiều hơn so với người lớn, số ca ung thư gan cũng nhiều hơn và thời gian chuyển từ viêm gan mãn tính sang ung thư cũng ngắn hơn”. Viêm gan B là bệnh hoàn toàn có thể dự phòng được nhờ vào việc tiêm ngừa và hiện vaccine ngừa viêm gan B đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia.
“Phụ nữ sau khi chích ngừa không nên mang thai ít nhất trong một tháng sau đó” là lời khuyên các BS dành cho thai phụ tiêm ngừa thủy đậu. Nếu trong vòng năm ngày trước sinh, người mẹ bị thủy đậu, tỷ lệ tử vong sơ sinh có thể lên đến 25 - 30%. Mẹ nhiễm bệnh trong ba tháng đầu thai kỳ, nhất là ở tuần lễ thứ 8 - 12, sẽ có 0,4% thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh, cụ thể là bị: sẹo ở da, tật đầu nhỏ, đục thủy tinh thể, suy dinh dưỡng, chậm phát triển...
Một dị tật bẩm sinh ở thần kinh mà trẻ có thể mắc phải là khuyết tật ống thần kinh thai nhi do mẹ thiếu axít folic. Dị tật ống thần kinh có thể khiến thai vô sọ, thoát vị não - màng não, nứt đốt sống… Những dị tật này có thể phát hiện qua siêu âm. Nếu dị tật quá nặng, có thể gây sẩy thai hoặc trẻ tử vong ngay khi vừa chào đời. Tuy nhiên, việc phòng ngừa tương đối đơn giản, người mẹ trước khi mang thai ba tháng chỉ cần uống axít folic mỗi ngày và kéo dài suốt thời gian mang thai.
Đến ngừa bằng thói quen
BS Dung Hạnh cảnh báo, trong nhóm nhiễm trùng sơ sinh - sinh non - sẩy thai - thai chết lưu, còn có thể từ nhiều bệnh do các virus khác gây ra, nhưng không có thuốc gì để điều trị hoặc phòng ngừa. “Giữ gìn vệ sinh trong suốt thời gian mang thai hoặc cho con bú là vô cùng quan trọng. Ví dụ, trong chế biến thực phẩm liên quan đến thịt sống, thai phụ phải rửa tay sạch sẽ ngay sau đó, để tránh lây một loại virus có thể gây những bất lợi cho thai nhi. Nếu trong nhà có nuôi chó, mèo, thai phụ cần hạn chế tiếp xúc với các con vật này, vì có thể nhiễm những vi trùng hoặc virus, thậm chí có thể lây giun đũa từ chó mèo”.
Theo BS Thu Hà, nhiều bà mẹ đã không có kế hoạch tốt trước khi mang thai. “Ít nhất phải đi kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi mang thai ba tháng. Chúng tôi từng tiếp nhận những trường hợp thai phụ bị mắc bệnh giang mai. Xoắn khuẩn giang mai bắt đầu qua nhau thai ở tuần thứ 20. Nếu phát hiện sớm mẹ bị giang mai trước hoặc trong những tuần đầu thai kỳ, điều trị bệnh cho mẹ có thể phòng ngừa được giang mai bẩm sinh cho thai nhi. Khác với một số bệnh nhiễm siêu vi, các bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai không có thuốc tiêm ngừa. Trẻ mắc bệnh giang mai bẩm sinh có thể bị nổi bóng nước da, lòng bàn tay, lòng bàn chân, có thể bị tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng, thậm chí thai có thể chết lưu trong bụng mẹ. Giang mai bẩm sinh ở thể nặng còn có thể đưa đến giang mai thần kinh ở trẻ sơ sinh, có thể gây di chứng về sau”.
Hiện nay, tại các BV phụ sản, việc sàng lọc trước sinh đã được tiến hành thường quy bao gồm các xét nghiệm và siêu âm cho phụ nữ mang thai, đặc biệt ở ba tháng đầu và ba tháng giữa, để sớm phát hiện các thai kỳ có nguy cơ. Từ đó, các BS sẽ tư vấn cách xử trí thích hợp.