Mâu thuẫn nảy sinh của các cặp vợ chồng sau khi có con
(Giúp bạn)Sau khi có con, thường các cặp vợ chồng xảy ra rất nhiều những mâu thuẫn. Hãy cùng xem những mâu thuẫn để tránh đi và mang lại hạnh phúc cho gia đình nhé
Bé ra đời là niềm vui tột cùng của cha mẹ, ông bà nhưng cũng mang đến cho cặp vợ chồng những mâu thuẫn mới. Dưới đây là những mâu thuẫn thường nảy sinh sau khi có con của các cặp vợ chồng. Những mâu thuẫn này các cặp vợ chồng cần biết để rút kinh nghiệm nhé
- 1
Chia sẻ tình thương không đồng đều
Người mẹ thường dồn hết tình thương của mình cho đứa con đầu lòng đến nỗi người cha có cảm giác bị ra rìa. Đôi khi vì quá bận rộn với con, người mẹ trở nên lười biếng trong việc chăm chút bản thân mình, đầu bù tóc rối, thậm chí thờ ơ cả việc ái ân và trở nên lạnh nhạt với chồng.
Vì vậy, người vợ phải ý thức được rằng việc có con là góp phần thắt chặt tình cảm vợ chồng, làm cuộc sống hôn nhân thêm mặn nồng, bền vững hơn chứ không nên "nhất bên trọng, nhất bên khinh", làm sứt mẻ tình cảm vợ chồng.
- 2
Bất đồng trong cách chăm sóc con
Khi hai vợ chồng sinh trưởng trong điều kiện xã hội khác nhau, có sự khác biệt giữa cách sinh hoạt và lối sống, thì mâu thuẫn trong cách chăm sóc con có thể là mâu thuẫn phát sinh lớn nhất sau khi có con.
Nếu nàng dâu hấp thụ điều kiện giáo dục hiện đại trong khi gia đình chồng, đặc biệt là mẹ chồng, lại thiên về liệu pháp "cây nhà lá vườn" thì việc chăm sóc trẻ lúc ốm đau sẽ là cuộc chiến giữa khoa học hiện đại và kinh nghiệm dân gian. Những cách chăm sóc trẻ tốt nhất đối với người vợ là phản khoa học đối với người chồng hay ngược lại.
Cả hai vợ chồng nên tìm tiếng nói chung trong cách chăm sóc con trên tinh thần hợp tác, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Các bạn cũng nên tham khảo cách chăm sóc con qua sách vở, ý kiến bác sĩ cũng như kinh nghiệm của cha mẹ để rút ra cho mình những biện pháp chăm sóc trẻ tốt nhất.
- 3
Phân chia trách nhiệm nuôi dưỡng, giáo dục con
Có những gia đình mà người chồng (hoặc vợ) rất tất bật với trọng trách nặng nề của công việc mà hầu như không có thời gian để chăm lo cho con, mặc nhiên trách nhiệm chăm sóc con sẽ nghiêng về phía người được xem là rảnh rỗi hơn.
Mâu thuẫn sẽ phát sinh nếu một trong hai người cảm thấy "thật bất công" khi mọi việc liên quan đến con cái đều đổ dồn vào mình mà "ai kia" thì cứ nhởn như "giống như đây chỉ là con của tôi chứ không phải con của anh ấy (cô ấy) vậy".
Con cái không thể phát triển tốt cả về thể chất lẫn tinh thần nếu thiếu sự quan tâm chăm sóc đầy đủ của cả cha lẫn mẹ, vì vậy bạn không thể đổ hết trách nhiệm chăm sóc con lên vợ hoặc chồng. Cho dù bạn có bận bịu đến mấy, mỗi ngày bạn nên dành thời gian hỏi han, quan tâm đến con, phụ giúp người bạn đời chăm sóc con.
Ngược lại, cũng nên thông cảm nếu thật sự người bạn đời của bạn quá bận rộn với việc mưu sinh cho gia đình, đừng lúc nào cũng cằn nhằn, kể lể những khó nhọc của bạn mà hãy hỗ trợ nhau tổ chức lại cuộc sống gia đình và chăm sóc con cái.
- 4
Khi những khuyết điểm không còn là "chuyện nhỏ"
Nếu trước khi có con, việc anh chồng thỉnh thoảng ngủ quên tắt tivi hoặc cô vợ đoảng hay để đồ đạc bừa bãi chỉ là "chuyện nhỏ" của cặp vợ chồng son thì sau khi có con, những khuyết điểm có vẻ nhỏ nhặt này sẽ trở thành đề tài "châm ngòi" cho "chiến tranh" nổ ra.
Sự bận rộn trong việc chăm sóc con sẽ khiến cho hai vợ chồng trở nên ít kiên nhẫn hơn với lỗi lầm của nhau, và cũng vì nỗ lực muốn vợ (chồng) mình phải trở nên hoàn hảo hơn "để còn làm gương cho con nữa chứ".
- 5
Ngân sách gia đình
Nếu đứa trẻ ra đời trong lúc cha mẹ chưa chuẩn bị đầy đủ cho mình khả năng tài chính, thì chi phí những lúc con ốm đau, tiền sữa, thuốc thật sự là vấn đề nan giải và rất dễ gây tranh cãi. Vì vậy, việc chuẩn bị nguồn tài chính để đảm bảo những nhu cầu thiết yếu cho đứa trẻ ra đời là rất cần thiết, đòi hỏi sự thống nhất của cả hai vợ chồng trong việc chi tiêu.