Nên tránh 7 cách làm hư con nhanh nhất
(Giúp bạn)Cách ứng xử của người lớn sẽ tác động tới suy nghĩ và tâm lý của trẻ nhỏ. Bạn hãy xem những điều chúng ta tưởng là bình thường trong cuộc sống dạy cho trẻ điều gì nhé!
- 1
Bạn đang phải chịu sức ép từ công việc, về tới nhà, thấy con mình đang bày đồ chơi và hò hét ầm ĩ. Bạn thật sự cáu giận và đã hét lên rằng: “Đừng có kêu gào nữa, vào trong ngồi chơi. Ngay!”.
Bạn nghĩ rằng điều đó chẳng hề ảnh hưởng gì tới trẻ. Tuy nhiên, câu nói và thái độ của bạn lúc đó khiến đứa trẻ hiểu rằng nó không được tôn trọng.
Trẻ sẽ cảm thấy sợ hãi và nếu điều đó kéo dài thì lớn lên, rất có có thể trẻ sẽ có xu hướng bạo lực, thích bắt người khác phải làm theo ý của mình. Bởi vậy, hãy để ý trong cách nói chuyện với con bởi bạn chính là tấm gương cho con.
- 2
Kết hôn nhiều năm và bạn không quan tâm tới thái độ của bạn đời. Bạn có thể giận dữ với chồng khi anh ấy làm gì đó không vừa ý bạn ngay trước mặt con.
Tất cả sự giận giữ, giọng nói, vẻ mặt, thái độ của bạn lúc đó sẽ được trẻ chứng kiến. Trẻ sẽ nhớ và có suy nghĩ về sự đòi hỏi trong cuộc sống.
Hãy tránh những câu chửi thề hoặc ngôn ngữ “người lớn” trước mặt trẻ. Thay vào đó, bạn có thể bình tĩnh và nói bằng thái độ dịu dàng, mềm mỏng hơn. Trẻ sẽ học được cách lắng nghe và chia sẻ cảm xúc từ bố mẹ của chúng.
- 3
Công việc vất vả, bạn phải khó khăn lắm mới trang trải được cuộc sống. Tuy nhiên, vì muốn con mình bằng bạn bằng bè, bạn mua cho con đủ thứ và lúc nào cũng tỏ ra mình là người hào phóng trước mặt con.
Cách làm này sẽ khiến trẻ nghĩ rằng chúng là vị trí số một và sẽ luôn chỉ biết nhận chứ không biết chia sẻ. Vì vậy, hãy yêu con một cách đúng đắn và tuyệt đối không nên chiều trẻ.
- 4
Bạn hỏi trẻ câu hỏi: “Hôm nay ở trường con thế nào?” trong tình trạng đang đọc báo, dọn phòng hoặc chuẩn bị đồ ăn. Hành động này sẽ khiến trẻ có cảm giác bạn không quan tâm tới câu trả lời mà chỉ hỏi cho có lệ. Lúc đó, trẻ sẽ đáp lại rằng: “Không có gì ạ”, “Vẫn bình thường ạ”…
Bạn không hề để ý tới những câu trả lời đó và cho rằng con mình không có vấn đề gì cả. Tuy nhiên, những điều này sẽ khiến trẻ có suy nghĩ bố mẹ không quan tâm tới chúng.
- 5
Con bạn tranh giành đồ chơi với đứa trẻ hàng xóm và xảy ra xô xát. Bạn thấy vậy liền cấm con mình không được chơi với đứa trẻ đó nữa chứ không hề giải thích rằng con không nên làm vậy.
Cách làm của bạn khiến đứa trẻ không phân biệt được sai trái và luôn có tâm lý muốn trả thù.
- 6
Tivi nhà bạn bị hỏng, bạn gọi điện cho người thợ sửa tivi tới. Một lát sau, người thợ sửa tivi gọi lại và nói họ có việc đột xuất xin hẹn giờ đến muộn hơn. Bạn dập máy và trách móc người thợ ngay trước mặt con.
Đứa trẻ khi chứng kiến sự việc sẽ có tâm lý đổ lỗi cho người khác chứ không biết thông cảm.
- 7
Bạn vào siêu thị cùng con và có chút va chạm với một người khác. Vì nghĩ đó không phải lỗi của mình nên bạn lớn tiếng và quát mắng người kia.
Hành động đó sẽ khiến trẻ nghĩ rằng chiến đấu và gây gổ là cách giải quyết mọi việc. Rất có thể sau ngày hôm đó, bạn sẽ thấy trẻ thường xuyên gây gổ và hiếu thắng với bạn bè.