Nguy cơ bạo hành Internet ở trẻ em

12:57 11/02/2014

(Giúp bạn)Theo GS Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc BV Nhi TƯ, bạo hành mạng rất khó kiểm soát, dễ lan rộng, có thể làm sa sút cả một thế hệ tương lai.

  • 1
    Ảnh hưởng lớn đến tâm lý trẻ
    Vừa qua, một nhóm bác sỹ BV Nhi TƯ đã tiến hành nghiên cứu vấn đề bạo hành mạng trên gần 200 học sinh cấp hai ở quận Ba Đình (Hà Nội) - nơi tập trung các trường tốt, có nề nếp kỷ luật học tập. Kết quả cho thấy, bạo hành mạng ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của trẻ. 11% trẻ vị thành niên trong 3 tháng gần đây bị bạo hành mạng, trong đó 6,4% các em được hỏi nhận được nội dung đe dọa phổ biến qua thư điện tử, tin nhắn tán ngẫu. Hầu hết các em nam nhận tin nhắn đe dọa qua hình thức thư điện tử, chơi game, từ các trang web đen… Còn các học sinh nữ nhận được tin nhắn đe dọa qua chatroom hoặc qua thư điện tử, mạng xã hội.
    Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, những tin nhắn quấy nhiễu thường xuyên khiến người sử dụng có cảm giác khó chịu, căng thẳng về thần kinh. Lo ngại hơn, từ việc chỉ đe dọa qua mạng, qua tin nhắn hay điện thoại, đối tượng bạo hành có thể thực hiện ngoài đời thực.
    GS Nguyễn Thanh Liêm cho biết, bạo hành về thể chất dễ được phát hiện khi thăm khám bệnh, nhưng bạo hành mạng thì rất khó kiểm soát, dẫn đến làm sa sút cả một thế hệ tương lai nếu không có biện pháp kiểm soát và ngăn chặn. Học sinh tiếp xúc nhiều với mạng Internet và bị bạo hành mạng sẽ khiến các em không đảm bảo thời gian học tập, khó khăn trong việc tiếp thu bài giảng ở trường, kết quả học tập giảm sút. Có trường hợp bị trầm cảm nặng, hay bị ám ảnh bởi những tin nhắn đe dọa, luôn có cảm giác bị ai đó theo dõi…dẫn tới nguy cơ tự sát.

    Những yếu tố biểu hiện sự căng thẳng về tâm lý, căng thẳng về ý nghĩ, cảm xúc, hành vi, khó chịu về cơ thể, đau đầu… đều là những triệu chứng của rối loạn tâm thần. Trẻ dùng Internet trong thời gian quá dài nhưng vì một lý do gì đó mà không được sử dụng hoặc không có máy tính để dùng sẽ rất khó chịu. Tình trạng này dễ khiến trẻ rơi vào trầm cảm, rối loạn tâm thần. “Trong khi đó, hiện nay việc sử dụng Internet của học sinh cấp hai là phổ biến. Các em dùng Internet trung bình từ 2 – 5 giờ trong ngày”, TS Lâm cho biết.

  • nguy-co-bao-hanh-internet-o-tre-em-1
  • 2
    Không trao đổi thông tin cá nhân
    GS Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, hệ lụy từ bạo hành tinh thần rất lớn. Tuy nhiên, điều đáng nói là hầu hết những nạn nhân của bạo hành mạng đều tự giải quyết những khó khăn một mình bằng cách xóa tin nhắn, chặn tin nhắn khủng bố… Tỷ lệ các em nhờ sự giúp đỡ của người thân còn thấp. Nhiều em sau khi nhận được tin nhắn đe dọa bản thân có những hành động đáp trả như xóa tin nhắn đe dọa, tránh xa kẻ đó, chặn thông tin… Nhưng những hành động này lại không thành công.
    Cũng theo GS Nguyễn Thanh Liêm, ngoài việc hướng trẻ tham gia vào các hoạt động cộng đồng, còn nên tập cho trẻ biết cách tự bảo vệ mình khi ở trên mạng như: Không nên cho biết thông tin cá nhân, tên trường học, nơi ở, không trao đổi ảnh, thư điện tử với người lạ…Việc sử dụng tên ảo - một biệt danh khác sẽ cho phép con bạn giấu tên và bảo vệ chúng tránh bị người khác theo dõi chúng trong cuộc sống thực. Khuyến khích trẻ kể cho cha mẹ nghe bất kỳ thứ gì trẻ thấy mời mọc, lừa đảo, đe dọa và khiến chúng không thoải mái.
    Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, gia đình nên đặt máy tính trong phòng sinh hoạt chung của gia đình hơn là trong phòng ngủ của con. Vì khi máy tính được đặt tại các không gian sinh hoạt chung, trẻ ít có khả năng truy cập vào các trang web không thích hợp hoặc tham gia vào các hoạt động không được cho phép. Hãy tìm hiểu thêm về những người bạn trực tuyến của con bạn như đối với những người bạn khác của chúng. Dặn dò con không bao giờ đồng ý gặp mặt với một ai đó quen biết sơ sơ trên mạng.

Comments