Những điều bé con đã dạy tôi về cuộc sống
(Giúp bạn)10 năm kinh nghiệm làm PR, 2 tấm bằng đại học cùng vốn kinh nghiệm sống đời hơn 35 năm qua dường như vẫn là chưa đủ để giúp tôi bớt ngỡ ngàng nhận ra những bài học quý giá từ chính bé con 7 tuổi của mình.
- 1
Giá trị của sự tôn trọng
Tôi vẫn còn nhớ những năm đầu đời đi học của con. Một lần nọ, ở lớp của bé có chủ đề nói về mẹ của mình. Những suy nghĩ non nớt của con được thầy giáo kể lại với tôi khi đó vẫn làm tôi xúc động mãi đến tận bây giờ. Bé con đã nắn nót “Mẹ rất tốt. Mẹ rất yêu thương em. Mẹ không bao giờ mắng em trước mặt người khác. Em rất sung sướng mỗi khi mẹ trò chuyện với em. Mẹ giống như một người bạn tốt.”
Từ sau khi biết được suy nghĩ của con về mình, tôi luôn dặn lòng sẽ không bao giờ la rầy bé khi có mặt người khác. Ứng trong công việc từ bài học của con dành cho mình, tôi cũng rút ra nhận định: Trẻ con cũng muốn được tôn trọng thì nhu cầu này ở người lớn sẽ lại còn cao hơn. Do đó, tôi luôn cẩn trọng trong việc góp ý và khiển trách (nếu có) đối với cấp dưới của mình.
- 2
Lợi ích của lập kế hoạch
Có một dạo nọ, tôi hay than phiền với chồng con chả biết nấu món gì vào các ngày trong tuần. Thấy vậy, bé con thắc mắc hỏi, “Mẹ ơi, sao mẹ không làm thời khoá biểu món ăn giống như thời khoá biểu học tập của con?” Rồi sau đó, hai mẹ con liền vác cuốn lịch bàn xuống và cùng động não điền tên các món ăn ưa thích của cả nhà (cả những món mới do tôi chợt nghĩ ra nữa) đầy các ngày trong tháng. Từ đó trở đi, tôi chỉ cần nhìn lên “ẩm thực biểu” của hai mẹ con và trổ tài nội trợ. Quãng thời gian lên kế hoạch món ăn cho những tháng kế tiếp cũng mang lại những phút giây rất sảng khoái và rộn tiếng cười cho mẹ con tôi.
Tuy mọi chuyện chỉ xuất phát từ câu hỏi ngây thơ của bé nhưng điều này phần nào giúp tôi nhận ra tầm quan trọng của việc lập kế hoạch cho bất kỳ hoạt động gì. Tôi cũng dần chào tạm biệt thói quen “bạ đâu làm đó” của mình và bạn biết không, tôi thấy rõ hiệu quả công việc đã được cải thiện rõ rệt.
- 3
Hạnh phúc khi là chính mình
Vì định kiến xã hội hay những qui chuẩn vô hình nào đó, người lớn chúng ta đôi lúc không dám sống theo sở thích của mình. Bé con nhà tôi thì chưa đủ lớn để nhận thức hết những nguyên tắc xã hội ấy. Kết quả là bé rất hồn nhiên mặc bộ đồ ngủ sặc sỡ kết hợp với đôi ủng đi mưa của bố, đội nón cao bồi, tự tin nhìn vào gương và trầm trồ “Ôi mình trông tuyệt quá!”. Và cứ thế, bé con ùa ra cửa để hoà mình cùng chơi với bạn bè hàng xóm. Và bạn biết không? Tôi bỗng nhận ra bé thật sự trông rất tuyệt với khuôn mặt rạng rỡ, miệng cười không ngớt, đôi mắt tinh anh quan sát. Chân lý “Hạnh phúc là chính mình” đơn giản đến thế mà chính tôi đã quên béng mất từ khi nào. Rất cảm ơn con đã làm mẹ nhớ lại điều giản đơn ấy trong cuộc sống lắm nỗi phức tạp này.
Trẻ con luôn hạnh phúc khi được là chính mình. Người lớn chúng ta sao không học ngay thái độ sống tích cực này nhỉ?
- 4
Ai cũng cần riêng tư
Tôi đã dạy cho bé biết tự làm vệ sinh mỗi khi “đi nặng” từ những năm con được 3-4 tuổi. Một lần nọ, khi bé đang ở trong buồng tắm và chiến đấu với bạn “Bón”, tôi đã ngó nghiêng và hỏi con có cần giúp đỡ gì không. Ngạc nhiên làm sao khi tôi nhận được câu trả lời rất người lớn của một đứa bé 4 tuổi, “Mẹ này, đừng làm phiền con mà. Con đang bận lắm”. Bạn thấy chăng, ngay cả một đứa trẻ cũng cần có sự riêng tư một lúc nào đó. Ngẫm trong cuộc sống và công việc, đôi lúc chúng ta phát bực vì sự quan tâm quá mức (hoặc thậm chí là tọc mạch) của người khác đối với việc của mình. Vậy thì việc gì đảm bảo chúng ta cũng không vô tình khiến người khác khó chịu vì những điều tương tự. Từ bé con nhà mình, tôi luôn đặt ra một giới hạn nhất định đối với việc của người khác (nhất là người Việt ta thường mắc phải tật xấu nhiều chuyện và hay soi mói chuyện không phải của mình).
Ai cũng cần riêng tư. Có khi nào bạn lỡ quên mất điều này?
Trẻ con tuy còn nhỏ và còn cần phải học hỏi nhiều cho sự làm người của chúng. Thế nhưng, từ chính con trẻ mà tôi cũng đã học được ít nhiều và hoàn thiện sự Làm Người của bản thân. Trên đây là vài chia sẻ về những gì tôi đã học được từ bé con nhà tôi. Còn bạn thì sao?