Những điều cần biết khi trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus

14:26 14/04/2015

(Giúp bạn)Nhiễm khuẩn do Rotavirus là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng và ói mửa ở trẻ.

Rotavirus là tác nhân gây bệnh tiêu chảy cấp thường gặp nhất trong mùa đông, chủ yếu lây lan qua đường phân - miệng. Tiêu chảy cấp do rotavirus dễ lây lan vì lượng virus thải ra trong phân rất lớn, hơn nữa rotavirus lại sống được trong môi trường tự nhiên như trên các bề mặt tiếp xúc của đồ chơi, mặt bàn ghế, trong nước và trên da...

Những sai lầm có thể khiến trẻ bị nhiễm Rotavirus tử vong

Sức khỏe & đời sống cho biết, do thiếu kiến thức về bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus nên nhiều bậc cha mẹ đã tự ý cho con dùng thuốc khi trẻ bị tiêu chảy dẫn đến làm nặng thêm bệnh, thậm chí gây tử vong cho trẻ.

Không giống như các trường hợp tiêu chảy do nhiễm khuẩn khác, tiêu chảy do Rotavirus không đáp ứng với điều trị bằng kháng sinh nhưng tình trạng cha mẹ tự ý cho con uống thuốc kháng sinh khi trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus khiến trẻ không những không khỏi bệnh mà bệnh còn nặng thêm do thuốc điều trị không đúng và gây ra tác dụng phụ như dị ứng thuốc, ngộ độc thuốc,…

-1

Bên cạnh đó, một sai lầm rất phổ biến của các bậc cha mẹ nữa là cho con uống thuốc cầm tiêu chảy. Các thuốc này làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài chứ không có tác dụng tiêu diệt virút, nguyên nhân gây nên bệnh. Phân không được bài xuất ra ngoài, ứ đọng lại trong ruột gây chướng bụng, thủng ruột, tắc ruột, tử vong…

Làm gì khi trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus?

- Khi trẻ có biểu hiện nôn, tiêu chảy, sốt,… cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y để các bác sĩ khám xác định nguyên nhân và có chỉ định điều trị phù hợp. Đối với trẻ bị bệnh nhẹ, sau khi đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, có thể để trẻ ở nhà và chăm sóc theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Việc điều trị bệnh chủ yếu là đề phòng biến chứng mất nước do tiêu chảy.

- Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước canh rau, nước khoáng (không có gas), nước dừa tươi và oresol theo hướng dẫn của thầy thuốc. Ở trẻ còn bú, tiếp tục cho trẻ bú như bình thường.

- Cần chú ý theo dõi các biểu hiện trẻ bị mất nước để đưa trẻ đến cơ sở y tế can thiệp kịp thời như: khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc,…

Việc điều trị và chăm sóc cho trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus thường  khó khăn vì tiêu chảy do Rotavirus thường gây nôn, trẻ sẽ không muốn ăn, không chịu uống thuốc, do đó cha mẹ cần hết sức kiên trì khi chăm sóc trẻ để điều trị hiệu quả và tránh cho trẻ bị suy dinh dưỡng sau này. Nên cho trẻ ăn thức ăn loãng, chia nhỏ bữa thành nhiều lần trong ngày. Khi cho trẻ ăn cần để trẻ nằm đầu cao hoặc ngồi, đút chậm từng thìa để tránh cho trẻ bị nôn. Sau khi trẻ khỏi bệnh, các bậc cha mẹ nên cho trẻ ăn thêm bữa, bổ sung thêm nhiều chất dinh dưỡng để trẻ có thể tăng cân trở lại và phát triển đầy đủ.

Phòng bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus

Trang tin điện tử Bẹnh viện Bạch Mai cho hay, theo các nhà chuyên môn, biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus là uống vaccin. Đây là vaccin loại uống, dùng cho trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi.

Bệnh tiêu chảy do nhiều tác nhân gây ra, do vậy uống vaccin chỉ phòng được rotavirus nhưng vẫn có thể mắc các bệnh tiêu chảy do các tác nhân khác. Vì vậy, dù trẻ đã được uống loại vaccin này, các bậc cha mẹ vẫn cần tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh cho trẻ (ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh...), riêng người lớn cần duy trì thói quen rửa tay trước khi chế biến món ăn cho trẻ...

Bên cạnh đó, cha mẹ cần đảm bảo đủ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của con để trẻ có đủ sức chống đỡ bệnh, cơ thể chóng phục hồi, không bị suy sụp vì thiếu dinh dưỡng sau tiêu chảy.

Trà Mi

Nên đọc
-2 Những thực phẩm gây hại không dành cho trẻ mới biết đi
-3 Cách chăm sóc ngực khi cho con bú
-4 Tập luyện phục hồi sau khi bị gãy xương
-5 Giá trị dinh dưỡng của váng sữa với trẻ

Theo GDVN

Comments