Những nỗi lo sợ của các gia đình khi nghe tin nghỉ Tết 9 ngày
(Giúp bạn)Với nhiều người, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán năm Giáp Ngọ sắp tới kéo dài 9 ngày đem đến nhiều nỗi lo hơn là niềm vui.
- 1
Hãi vì Tết = ăn uống + dọn dẹp
Nghỉ Tết dài, với nhiều chị em phụ nữ không đồng nghĩa với việc họ có một thời gian dài để nghỉ ngơi, thư giãn. Có những người những ngày nghỉ Tết còn là “ác mộng” bởi họ vất vả hơn ngày thường nhiều. Chị Mai Hương chia sẻ, gia đình chị sống ở thị trấn Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội), gia đình nội ngoại thì ở tận Nam Định, nên năm nào cũng vậy, anh chị trải qua cả mùa Tết ở quê.
Nghĩ đến Tết năm nay, chị ngán ngẩm: “Nghe tin nghỉ Tết 9 ngày mà thấy ngán, vì nghỉ dài tức là phải về quê, mà ở quê lắm thủ tục nhiêu khê lắm. Giáp Tết thì tong tẩy đi sắm đồ về biếu các cụ ở quê, rồi mấy ngày liền sang hết nhà nọ đến nhà kia ở trong quê để chúc Tết cũng đủ mệt. Đã vậy, ở quê mấy ngày Tết có tục chúc Tết, mà ưng giờ nào là họ đến.
Khách đến chúc Tết là lại phải chuẩn bị thức ăn, các ông lại khề khà chén rượu, có khi phải ngồi chờ đợi hàng tiếng mới xong bữa. Dọn rửa xong đống bát thì lại đến giờ nấu cơm, rồi lại khách khứa… cho đến tối muộn. Thành ra, Tết còn bận hơn cả ngày thường, chẳng có thời gian mà nghỉ ngơi, tụ tập bạn bè.”Không phải về quê “Tết” họ hàng hai bên vì cả hai bên nội ngoại đều ở Hà Nội, nhưng chị Hồng Thúy cũng… rùng mình khi nghĩ đến Tết năm nay. Đây là năm đầu tiên chị ăn Tết ở nhà chồng. Chồng chị đã “phím” trước là mẹ rất coi trọng lễ cúng giao thừa và tân niên, nên từ ngày 30 cho đến mùng 3 Tết, ngày nào cũng phải làm 3 mâm cơm cúng đủ 3 bữa, mà phải làm thành mâm cao, cỗ đầy nghiêm chỉnh.
Trong năm, những ngày nhà có giỗ, chị và mẹ chồng phải tự lo cỗ, vì chị dâu và anh trai trưởng ở riêng, chỉ tạt về ăn rồi phụ dọn dẹp chứ ít khi xắn tay vào đi chợ hay làm cỗ. “Đến Tết chắc cũng thế thôi. Lại hai mẹ con hụi lụi làm với nhau chứ làm gì có ai. Ở nhà “trực” cúng mấy ngày liền, rồi còn làm cỗ ngày hóa vàng nữa, thế là mình mất cả Tết” – chị thở dài.
- 2
Cãi nhau vì phân công lịch Tết nội – ngoại
Thời gian nghỉ Tết dài cũng là lúc nhiều gia đình đau đầu để phân chia lịch về bên nội, bên ngoại. Anh Quang Minh ở Hà Nội nhưng lấy vợ ở Nam Định. Tết năm ngoái, thương vợ xa bố mẹ, lại vừa có tin vui nên anh xin phép bố mẹ ở quê vợ từ mùng 1 đến tận mùng 6 Tết mới về nhà mình.
Năm nay, cô vợ lại thỏ thẻ “dụ” hai vợ chồng về ngoại y như năm ngoái, nhưng anh Minh không bằng lòng. “Nghĩ lại, năm ngoái mình chiều vợ quá, bỏ bẵng cả kỳ Tết ở gia đình, mà mình lại là con trai trưởng. Năm nay, bố mẹ mình đã nhắc nhở trước, ý bảo đừng “đội vợ lên đầu”. Mình bàn với vợ sẽ ở Hà Nội hết mùng 3 Tết, từ mùng 4 đến mùng 6 sẽ về ngoại, nhưng cô ấy nói “ở quê hết mùng 3 là hết Tết rồi, mùng 4 về thì khác gì ngày thường”. Thật là khó nghĩ!” Trường hợp của anh Minh, nhà nội và nhà ngoại chỉ cách nhau 300 km, dù sao vẫn còn dễ xử lý, như hoàn cảnh của chị Thùy Anh lấy chồng ở Hà Nội nhưng gia đình ở tận Sài Gòn thì ngặt hơn. Kết hôn gần 2 năm, nhưng vì điều kiện kinh tế, anh chị chưa vào báo hỷ hay thăm bên ngoại lần nào.
Năm nay, thấy nghỉ Tết dài, chị hí hửng bàn với chồng vào Sài Gòn ăn Tết, đến khoảng mùng 3 thì ra Hà Nội, vì cả Tết năm ngoái đã ở nhà nội. Anh thì cho rằng ngoài Bắc quan trọng cái Tết hơn, nên đến mùng 4 hẵng vào. Hai vợ chồng bàn mãi, cãi lên cãi xuống, giận dỗi nhau cả tuần mà vẫn chưa thống nhất được lịch nghỉ.
- 3
Méo mặt vì tiền tàu xe
Nghỉ Tết dài cũng là lúc nhiều người làm việc xa quê tính đường về đoàn tụ gia đình. Năm nay, lịch nghỉ Tết được thông báo sớm, nhưng không vì thế mà họ nhẹ gánh với áp lực tàu xe. Trên trang web của nhiều hãng hàng không, vé máy bay đi và đến các điểm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng đã “cháy” từ thời điểm này, dù gần 2 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán.
Rất ít chuyến, kể cả các chuyến khởi hành lúc sáng sớm (6 giờ) và tối muộn (sau 21 giờ) còn vé giá rẻ, hoặc nếu còn, cũng chỉ còn 5 – 10 vé giá rẻ/chuyến trong các ngày đi và về từ 26 tháng Chạp và mùng 5 Tết. “Giá rẻ” ở đây cũng giao động từ 1,9 triệu – 2,5 triệu đồng/vé người lớn, chưa bao gồm cước hành lý và các loại phí khác, so với thời gian thấp điểm là tăng khoảng 50 – 100%.
Tuy nhiên, vé hạng thương gia, hạng “sang chảnh” với giá giao động từ 5 – 6 triệu/vé người lớn chưa bao gồm cước hành lý và các loại phí khác thì còn khá nhiều.Chị Minh Thủy sinh sống cùng gia đình ở Sài Gòn, nhưng gia đình nội ngoại thì ở miền Bắc cả bày tỏ lo ngại: “Năm nào cũng thế, nghĩ đến việc về Bắc ăn Tết là thấy tốn kém. Tôi là cán bộ của trường đại học, nên được nghỉ dài hơn theo lịch của sinh viên, con gái đi học cấp 3 cũng được nghỉ 2 tuần, không về thì tiếc thời gian, nghĩ thương bố mẹ già yếu, nhưng về thì tốn kém quá.
Nếu mua được vé rẻ, tính sơ sơ cả nhà 3 người cũng ngốn gần 20 triệu tiền vé khứ hồi, chưa kể còn chi phí mừng tuổi, mua sắm quà Tết cho họ hàng, chắc ngốn hết vài chục triệu như chơi. Tôi vẫn chưa quyết định được sẽ về Bắc hay ở trong Nam. Vé thì mỗi ngày mỗi khan, chưa biết chừng mình quyết định về thì hết mất vé rẻ rồi!”
- 4
Muôn kế dụ… osin
Nghỉ Tết dài cũng là lúc nhiều gia đình thành phố sốt vó vì sợ người giúp việc nghỉ lâu. Vin vào cớ “Nhà nước quy định cho nghỉ dài”, người giúp việc nhà chị Hương Giang (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đề xuất năm nay về nghỉ Tết… 1 tháng, từ giữa tháng Chạp đến qua rằm tháng Giêng.
Nài nỉ thế nào, hết dụ tăng lương đến hứa mừng tuổi đậm, người giúp việc nhà anh chị vẫn khăng khăng đòi về, còn dọa: “Cô chú ép quá là tôi về luôn đấy!”. Nhà đã qua 5 - 6 đời “osin” mới tìm được bà giúp việc này ưng ý, chị cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt. Dù còn gần 1 tháng nữa người giúp việc mới về quê, nhưng chị đã phải lo tìm người “trám” chỗ trong thời gian này. “Có mấy người đòi 400.000 đồng/ngày hoặc 10 triệu/tháng Tết, vợ chồng tôi cũng đồng ý, nhưng họ đến nhà thấy bố mẹ tôi già yếu, khó tính lại hơn lẫn nên không nhận nữa. Chẳng biết mấy hôm nữa thế nào đây” – chị ngao ngán kể.
Cũng có nhà, để níu chân giúp việc ở lại chăm con, giúp việc trong Tết đã tăng lương gấp 3 lần trong tháng Tết và cho người giúp việc nghỉ 1 tuần liền trước Tết để về quê thăm gia đình.
- 5
Tết = thời gian khủng hoảng của gái ế
Tết không chỉ là nỗi lo với những người có gia đình, con cái mà còn là nỗi ám ảnh với những người ở độ tuổi “bom nổ chậm” mà vẫn chưa có ai. Với họ, Tết về cũng là lúc già thêm một tuổi và chịu thêm những lời hỏi han từ gia đình.
Với cánh mày râu, dù nghỉ Tết có dài và bị gia đình “quan tâm” quá mức đến chuyện vợ con, họ vẫn có cách né như ậm ờ “còn lo sự nghiệp”, “chưa tìm được ai hợp” hay “chưa có nhà chưa lấy được vợ” để giải thích, cùng lắm thì bỏ đi chơi với anh em bạn bè, qua nhà này nhà kia nhậu để trốn gia đình, làng xóm.
Nhưng với những phụ nữ đã đến cận kề hoặc quá tuổi “băm”, Tết cũng là thời điểm khủng hoảng vì bị “truy sát” chuyện chồng con. Chị Thu Huyền (nhân viên truyền thông, quê Hà Giang) bày tỏ: “Năm ngoái nghỉ Tết ngắn, tôi lấy cớ bận công việc nên chỉ về 3 ngày rồi trở lại Hà Nội mà đã đau đầu vì cả nhà và hàng xóm cứ nhìn thấy mặt là hỏi chuyện cưới xin. Tôi đành phải nói dối là có người yêu rồi, nhưng anh ấy đi công tác nên không cùng về được.
Năm nay vừa biết tin nghỉ Tết dài, bố mẹ tôi đã gọi lên bảo đem người yêu về ra mắt, còn khoe đã chuẩn bị phòng ốc cho anh ấy đầy đủ rồi, không việc gì phải ngại. Mẹ tôi còn bảo thế nhà trai đã có ý gì chưa, để mẹ đi xem ngày (!)”Chép miệng, chị tiếp: “Kiểu này Tết đến không biết mượn ai về làm “bình phong” đây. Bằng tuổi tôi, lũ bạn ở quê đã con đàn con đống, mình cũng thuộc dạng xinh xắn mà lại muộn chồng, ở làng người ta nghĩ ra đủ chuyện làm bố mẹ tôi lo sốt vó. Con gái lớn rồi mà chưa có người yêu, về quê ăn Tết đúng là khổ!”