Những sai lầm của mẹ về dinh dưỡng ăn dặm khiến con chậm lớn
(Giúp bạn)Một số lời khuyên về dinh dưỡng cho trẻ ăn dặm tưởng đúng đắn hóa ra lại khiến bé…ăn hoài vẫn còi.
Mỗi khi trẻ bước vào độ tuổi ăn dặm, hoặc thậm chí ngay cả từ trước đấy 2,3 tháng, mẹ đã bắt đầu nhận được những lời khuyên của các bà các chị đi trước về kinh nghiệm chăm con. Những lời khuyên vàng quí giá của mọi người thường luôn là ‘cứu cánh’ cho các bà mẹ nuôi con nhỏ, đặc biệt là chị em lần đầu làm mẹ. Tuy nhiên, 9 người 10 ý…những lời khuyên này thường cũng có lúc đúng, có lúc sai và đôi khi lại làm chúng ta bối rối hoang mang. Xin liệt kê cho mẹ 5 ‘lời đồn thổi sai lầm’ về phương pháp cho con ăn dặm:
- 1
Chúng ta tin rằng “Sữa mẹ cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ trong một năm đầu đời”
Câu nói quen thuộc được lặp lại liên tục ở khắp mọi nơi, từ các diễn đàn, hội nhóm ăn dặm, chăm con…cho đến ngoài đời, các bà bạn nuôi con nhỏ, chị em trên cơ quan. “Bản đầy đủ” của nó là: “Trong năm đầu tiên, ăn dặm chỉ đơn thuần là để bé làm quen với thức ăn và tập ăn thô. Sữa mẹ vẫn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ trong một năm đầu đời”.
Điều này là hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, ngay từ khi 6 tháng tuổi nguồn dự trữ sắt trong cơ thể trẻ đã cạn kiệt, sữa mẹ thì lại không còn chứa đủ lượng sắt cần thiết cho bé. Kẽm cũng là một trong số những vi lượng bị thiếu hụt vào thời điểm 6 tháng này. Theo một nghiên cứu của tạp chí khoa học Dinh dưỡng lâm sàng (American Journal of Clinical Nutrition) đến thời điểm 9-11 tháng, 90% lượng sắt và kẽm trẻ sơ sinh hấp thụ được là từ việc ăn dặm thức ăn bên ngoài.
Hiện nay ở các nước đang phát triển, tình trạng thiếu sắt ở trẻ sơ sinh dẫn đến các vấn đề về tăng trưởng thể lực và trí não đang rất phổ biến. Thiếu kẽm cũng là nguy cơ khiến trẻ bị nhẹ cân, suy dinh dưỡng. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, 30% trẻ 9 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn bị thiếu hụt sắt và kẽm so với qui định.
- 2
Chúng ta tin rằng “Chỉ nên bắt đầu cho trẻ ăn thịt khi được 9 tháng”
Lời khuyên này thì không chỉ là các bà các mẹ rỉ tai nhau mà thậm chí còn có rất nhiều chuyên gia dinh dưỡng tin vậy. Tuy vậy, theo báo cáo của Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ, thịt mới là thức ăn lý tưởng cho bé ăn dặm và mẹ hoàn toàn có thể bổ sung thịt cho bé ngay từ tháng thứ 6. Tại sao? Vì trong thịt có chứa rất nhiều sắt và kẽm – hai loại vi lượng thiếu hụt hàng đầu khi trẻ bước sang thời kỳ ăn dặm.
Sự thật là chúng ta có tổ tiên là những người lớn lên từ việc ăn thịt. Các nhà khoa học tin rằng người tiền sử đã nhá thịt rồi đưa bã mềm cho con mình ăn. Vì vậy, đừng e dè hay trì hoãn việc cho bé làm quen với thịt ngay từ tháng thứ 6.
- 3
Chúng ta tin rằng “Con có vẻ ghét ăn bí đỏ/cà rốt/táo….thì phải”
Xúc thử cho con ăn mà trẻ không hợp tác không có nghĩa con ghét món đó
Khi cho bé làm quen với một món ăn mới, nếu thấy con lắc đầu, nhè hay gào khóc không chịu ăn, ngay lập tức chúng ta kết luận rằng bé ghét ăn món đó. Thực tế không phải như vậy. Các chuyên gia nói rằng trẻ sơ sinh cần phải được làm quen với một loại thực phẩm từ 15-20 lần mới có thể hình thành sự yêu thích hay ghét bỏ. Nếu mẹ chỉ mới bắt đầu cho con thử ăn 1,2 lần không thành công, đừng vội kết luận bé ghét món đó.
Trong giai đoạn đầu cho bé tập ăn dặm, mẹ sẽ quan sát thấy rất nhiều biểu hiện buồn cười của con như nhăn mặt, thậm chí mím môi, từ chối mở miệng để mẹ đút ăn. Đó đơn giản chỉ là lúc bé đang tập cảm nhận kết cấu và hương vị mới của món ăn. Hãy nhớ rằng em bé mới chỉ quen với việc bú sữa trong suốt 6 tháng và chưa từng gặp bất cứ loại thực phẩm nào khác bao giờ nên khi bắt đầu ăn dặm, chắc chắn sẽ có chút bối rối.
Hãy cất món ăn mà bé không hợp tác vào tủ lạnh và có thể thử cho bé ăn vào một lúc khác, với lượng nhỏ và phù hợp.
- 4
Chúng ta tin rằng “Ăn dặm đầu tiên là phải quấy bột/ ăn cháo loãng”
Quấy bột gạo hay cháo loãng cho trẻ tập ăn dặm thìa đầu tiên là truyền thống từ xưa. Lý do vì sao như vậy? Vì gạo tẻ và các loại ngũ cốc nói chung rất lành tính, ít gây dị ứng, dễ ăn, dễ làm và lại chứa rất nhiều sắt, các vitamin và khoáng chất cần thiết cho trẻ.
Tuy nhiên, không phải cứ bắt buộc trẻ ăn dặm sẽ phải tập ăn gạo tẻ đầu tiên. Trên thực tế, ở mỗi quốc gia, trẻ lại có một món ăn dặm truyền thống đầu đời khác nhau và điều này không hề làm hại hệ tiêu hóa của trẻ. (Xem Những món ăn dặm truyền thống của trẻ vòng quanh thế giới). Thức ăn mềm, nghiền nhuyễn của bất cứ loại thực phẩm nào: rau cải, khoai tây, cà rốt, bơ, chuối….đều có thể là món đầu tiên con nếm. Thậm chí một thìa thịt lợn nạc xay nhuyễn cũng không có vấn đề gì cả. Bất cứ loại thực phẩm tự nhiên nào cũng có thể là món ăn dặm đầu tiên của bé.
- 5
Chúng ta tin rằng "Không cho bé ăn dầu mỡ vì hệ tiêu hóa chưa hấp thụ được"
Rất nhiều chị em khi cho bé ăn dặm thường tránh thịt mỡ, dầu ăn vì sợ con bị béo phì hay rối loạn tiêu hóa. Thực tế không phải như vậy. Các bé cần khoảng 30-40% lượng calo từ chất béo hàng ngày để đáp ứng bộ não và cơ thể đang phát triển nhanh chóng bởi não bộ có những yêu cầu đặc biệt từ axit béo và các thành phần khác của chất béo.
Lượng chất béo phù hợp cho trẻ ăn dặm dưới 1 tuổi là 3,5g trên 1kg cân nặng mỗi ngày. Tốt nhất là cho trẻ ăn chất béo từ dầu thực vật, mỡ cá, có chứa hàm lượng Omega 3 cao giúp tăng sức đề kháng, giảm thiểu các căn bệnh viêm nhiễm, hỗ trợ hệ tuần hoàn hoạt động tốt hơn. Đó cũng là lý do mẹ nên thêm 1 thìa dầu oliu, dầu gấc hoặc dầu thực vật thông thường vào trong bát cháo của con.