Quá trình sinh mổ được thực hiện như thế nào?

17:02 10/02/2014

(Giúp bạn)Bạn đã được chỉ định sinh mổ hoặc có nguy cơ phải sinh mổ cao. Bạn lo lắng băn khoăn xem quá trình sinh bé theo cách đó sẽ được thực hiện như thế nào?

  • 1

    Sinh mổ là gì?

    Sinh mổ là sinh em bé qua một đường rạch phẫu thuật ở bụng và tử cung của người mẹ. Trong nhiều trường hợp nhất định, việc sinh mổ sẽ được dự kiến từ trước. Ngoài ra cũng có những trường hợp, việc sinh mổ được thực hiện bất thường để đáp ứng với những biến chứng không lường trước được.
     
    Sinh mổ là một phẫu thuật ổ bụng lớn, vì vậy nó có nhiều nguy cơ hơn sinh thường. Các bà mẹ sinh mổ có nguy cơbị nhiễm trùng, chảy máu nhiều, đông máu, đau sau sinh nhiều hơn, thời gian ở lại bệnh viện lâu hơn, và chậm hồi phục hơn đáng kể. Tổn thương bàng quang hay ruột, mặc dù rất hiếm gặp, cũng phổ biến hơn.

    Ngoài ra, nếu bạn có kế hoạch sinh thêm em bé sau này, mỗi lần sinh mổ làm tăng nguy gặp phải một số biến chứng (như nhau tiền đạo và nhau bám bất thường...) trong tương lai. Điều đó không có nghĩa là không nên sinh mổ- trong một số trường hợp, sinh mổ là cần thiết cho sức khỏe của mẹ hoặc em bé, hoặc cả hai.

    qua-trinh-sinh-mo-duoc-thuc-hien-nhu-the-nao-1
  • 2

    Tại sao phải sinh mổ?

    Đôi khi, một người phụ nữ sẽ cần mổ lấy thai ngay cả trước khi bước vào quá trình chuyển dạ. Các tình trạng cần phải lên kế hoạch sinh mổ bao gồm:

    - Bạn đã từng sinh mổ với một vết mổ dọc tử cung "cổ điển" hoặc nhiều hơn một lần sinh mổ trước đó. Nếu bạn chỉtừng sinh mổ một lần trước đây với một vết mổ ngang, bạn hoàn toàn có thể sinh thường sau này. Nếu bạn không định sinh thường, bác sĩ sẽ lên kế hoạch sinh mổ cho bạn không sớm hơn 39 tuần để giảm thiểu nguy cơ phổi em bé vẫn còn chưa trưởng thành.

    - Bạn đã từng thực hiện một số loại phẫu thuật tử cung xâm lấn khác, chẳng hạn như phẫu thuật cắt bỏ u xơ tử cung.
     
    - Bạn đang mang nhiều hơn một em bé. (Một số trường hợp sinh đôi có thể sinh thường, nhưng tất cả những trường hợp mang đa thai nhiều hơn đều phải sinh mổ).
     
    - Em bé được dự kiến là rất lớn. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn đang mắc bệnh tiểu đường hoặc em bé trước đó của bạn có kích thước tương đối lớn.

    - Em bé của bạn đang ở ngôi mông hoặc nằm ngang. Trong một số trường hợp, chẳng hạn như mang thai song sinh trong đó em bé đầu tiên có ngôi đầu nhưng em bé thứ hai có ngôi mông thì em bé ngôi mông có thể sinh thường.

    - Bạn bị nhau tiền đạo (khi nhau thai bám rất thấp trong tử cung và che phủ cổ tử cung).

    - Các em bé được chẩn đoán bị mắc bệnh hoặc có những bất thường khiến cho việc sinh thường gặp nguy hiểm.

    - Những người có HIV dương tính, và các xét nghiệm máu được thực hiện gần cuối thai kỳ cho thấy bạn bị nhiễm virus cao.
  • 3

    Khi nào thì cần sinh mổ một cách bất thường?

    Bạn có thể cần phải sinh mổ nếu phát sinh các vấn đề khiến cho việc chuyển dạ thông thường gặp nguy hiểm. Chúng bao gồm những yếu tố sau đây:

    - Cổ tử cung ngừng giãn nở hoặc em bé ngừng di chuyển xuống ống sinh, và việc cố gắng gây co thắt để tạo chuyển động không hiệu quả.

    - Nhịp tim của bé khiến cho các bác sĩ cân nhắc, và quyết định rằng em bé không thể chịu được quá trình sinh thường.

    - Dây rốn tuột qua cổ tử cung (sa dây rốn). Nếu điều này xảy ra, em bé cần được mổ đẻ để đưa ra ngay lập tức vì sa dây rốn có thể cắt đứt nguồn cung cấp ôxy cho bé.

    - Nhau thai bắt đầu tách ra khỏi thành tử cung (bong nhau sớm), có nghĩa là em bé sẽ không nhận đủ oxy trừ khi được đưa ra ngay.

    - Bạn bùng phát herpes sinh dục khi bước vào giai đoạn chuyển dạ hoặc khi nước ối vỡ. Sinh mổ giúp em bé tránh khỏi nhiễm trùng.

    qua-trinh-sinh-mo-duoc-thuc-hien-nhu-the-nao-2
  • 4

    Điều gì xảy ra ngay trước khi sinh mổ?

    Trước tiên, bác sĩ sẽ giải thích lý do tại sao việc sinh mổ là cần thiết, và bạn sẽ được yêu cầu ký giấy đồng ý.
     
    Thông thường, chồng bạn có thể ở bên bạn trong suốt quá trình chuẩn bị và sinh bé. Trong một số trường hợp hiếm gặp, do việc sinh mổ là khẩn cấp, anh  có thể không được phép ở trong phòng mổ với bạn.
     
    Một bác sĩ gây mê sau đó sẽ xem xét các hình thức kiểm soát cơn đau. Rất hiếm trường hợp phải gây mê toàn thân ngoại trừ trong các tình huống khẩn cấp nhất, hoặc nếu bạn không thể giảm đau tại chỗ vì lý do nào đó.

    Nhiều khả năng, bạn sẽ được gây mê ngoài màng cứng hoặc gây mê tủy sống, phương pháp này sẽ gây tê liệt nửa dưới cơ thể bạn, nhưng bạn vẫn tỉnh táo trong quá trình em bé ra đời.
     
    Nếu bạn đã từng được gây tê ngoài màng cứng để giảm đau trong quá trình chuyển dạ, nó cũng sẽ được sử dụng khi bạn sinh mổ. Trước khi phẫu thuật, bạn sẽ được tiêm thêm thuốc để đảm bảo rằng bạn đã bị tê hoàn toàn. (Bạn vẫn có thể cảm thấy một số áp lực hoặc cảm giác giật mạnh tại một số thời điểm trong quá trình phẫu thuật.)

    Sau đó, một ống thông được đưa vào niệu đạo của bạn để dẫn nước tiểu trong quá trình phẫu thuật, và bạn được truyền tĩnh mạch nếu chưa được truyền trước đó. Phần lông mu phía trên được cạo và bạn được chuyển vào phòng mổ.
     
    Quá trình gây tê sẽ được theo dõi, một màn che sẽ được nâng lên trên eo của bạn vì vậy bạn sẽ không phải nhìn thấy quá trình mổ đang được thực hiện. Nếu bạn muốn chứng kiến khoảnh khắc em bé chào đời, hãy đề nghị y tá kéo thấp màn chắn xuống một chút để bạn có thể thấy em bé mà không nhìn thấy các phần khác. Chồng bạn, trong trang phục của phòng mổ, có thể ngồi bên cạnh bạn.
  • 5

    Việc sinh mổ được thực hiện như thế nào?

    Sau khi gây tê đã có hiệu lực, bụng của bạn sẽ được thấm gạc có chất khử trùng. Bác sĩ có thể sẽ tạo ra một vết rạch ngang, nhỏ ở da trên xương mu của bạn. Bác sĩ sẽ cắt qua các mô bên dưới, từ từ xuống tử cung của bạn. Khi đến cơ bụng, bác sĩ sẽ tách chúng ra (thường bằng tay hơn là dụng cụ) và mở rộng chúng để phần bên dưới lộ ra. Tới tử cung, bác sĩ sẽ tạo một vết cắt ngang ở phần dưới của nó. Đây gọi là vết mổ ngang thấp.

    qua-trinh-sinh-mo-duoc-thuc-hien-nhu-the-nao-3

    Trong những trường hợp ít gặp, bác sĩ sẽ lựa chọn một đường rạch dọc tử cung hay còn gọi là "cổ điển". Điều này có thể xảy ra trong trường hợp em bé còn đang rất non nớt và phần dưới của tử cung chưa mỏng đi đủ để cắt. (Nếu bạn có một vết mổ “cổ điển”, bạn sẽ ít có khả năng được phép sinh thường trong lần mang thai tới.)

    Sau đó, bác sĩ sẽ tiến vào trong và kéo em bé ra. Bạn sẽ có cơ hội nhìn thấy bé một lát trước khi bác sĩ trao bé cho một bác sĩ nhi khoa hoặc y tá. Trong khi các nhân viên kiểm tra em bé của bạn, bác sĩ sẽ đưa nhau thai ra và bắt đầu quá trình đóng vết mổ lại.
     
    Sau khi em bé đã được kiểm tra, bác sĩ hoặc y tá có thể trao bé cho người thân ở đó, họ sẽ giữ bé ngay bên cạnh bạn – do đó bạn có thể chiêm ngưỡng, hít hà và hôn bé trong khi bụng bạn đang được khâu lại, từng lớp một. Lớp cuối cùng – da - có thể được đóng lại bằng những mũi khâu mà sau đó sẽ được loại bỏ trong vòng 3 ngày đến một tuần. Quá trình đóng tử cung và bụng sẽ mất nhiều thời gian hơn khi mở, thường là khoảng 30 phút.

    Sau khi phẫu thuật xong, bạn sẽ được đưa vào một phòng hồi sức, nơi bạn sẽ được theo dõi sát sao trong một vài giờ. Nếu em bé khỏe mạnh, bé sẽ được ở với bạn trong phòng hồi sức và cuối cùng thì bạn cũng được bế bé.

    Nếu bạn có ý định cho con bú, hãy thử ngay bây giờ. Bạn có thể cảm thấy việc cho bú thoải mái hơn nếu em bé nằm bên cạnh và đối diện với bạn.

    Bạn có thể sẽ phải ở lại bệnh viện trong vòng 3, 4 ngày trước khi trở về nhà.

Comments