Rối loạn ăn uống và mang thai: Không thể xem thường!
(Giúp bạn)Rối loạn ăn uống cũng là một chứng bệnh thường xuất hiện ở phụ nữ, đặc biệt là trong thời gian mang thai. Thông thường có hai dạng rối loạn ăn uống điển hình đó là biếng ăn và háu ăn. Cả hai loại rối loạn ăn uống đều ảnh hưởng đến quá trình sinh sản và mang thai.
- 1
Ảnh hưởng của rối loạn ăn uống đến khả năng sinh sản
Rối loạn ăn uống, đặc biệt là chán ăn, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản bằng cách giảm khả năng thụ thai. Hầu hết phụ nữ với chứng biếng ăn không có chu kỳ kinh nguyệt và khoảng 50% phụ nữ bị chứng háu ăn có chu kỳ kinh nguyệt không bình thường. Sự vắng mặt của kinh nguyệt là do lượng calo giảm, tập thể dục quá nhiều, hoặc căng thẳng tâm lý. Đương nhiên, nếu chu kỳ kinh nguyệt của họ không được thường xuyên thì việc mang thai sẽ khó khăn.
Không chỉ ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, rối loạn ăn uống còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ngay cả khi việc rụng trứng đã sảy ra thông qua việc ảnh hưởng đến sự thụ tinh và làm tổ của trứng trong tử cung.
- 2
Ảnh hưởng của rối loạn ăn uống đến thai kỳ
Phụ nữ mang thai bị rối loạn ăn uống ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Chứng biếng ăn dẫn đến việc hạn chế cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, thiếu dinh dưỡng trong thai kỳ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai phụ và sự phát triển của thai nhi. Chứng háu ăn thì ngược lại sẽ làm thai phụ phải ăn quá nhiều, đưa vào cơ thể quá nhiều calo dư thừa và cả những chất dinh dưỡng không cần thiết. Các biến chứng sau đây có liên quan với rối loạn ăn uống khi mang thai:
- Đẻ non
- Trẻ thiếu cân
- Thai chết lưu hoặc thai chết
- Thai nhi tăng trưởng và phát triển chậm trong tử cung
- Thường phải sinh mổ
- Chỉ số APGAR (chỉ số đánh giá sức khỏe) của trẻ thấp
- Thai nhi chậm phát triển
- Trẻ mắc các vấn đề hô hấp
- Thai phụ có thể mắc bệnh tiểu đường thai kỳ
- Các biến chứng trong quá trình sinh nở
- Ít nước ối
- Sẩy thai
- Tiền sản giật
Phụ nữ mang thai nếu mắc chứng háu ăn và ăn nhiều quá sẽ tăng cân quá mức và có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp. Sau khi sinh những sản phụ đã mắc rối loạn ăn uống trong thời gian mang thai sẽ ảnh hưởng đến khả năng điều tiết sữa và nuôi con.
Các thuốc nhuận tràng, thuốc lợi tiểu, và các thuốc khác sử dụng để chống dư thừa calo nhưng đồng thời chúng lấy đi chất dinh dưỡng và các chất lỏng dùng để nuôi dưỡng cơ thể mẹ và thai nhi vì thể chúng có hại cho sự phát triển của trẻ.
- 3
Phụ nữ bị rối loạn ăn uống cần làm gì?
Dưới đây là một số hướng dẫn cho những phụ nữ đang đối phó với rối loạn ăn uống và mong muốn có thai hoặc đang mang thai:
- Trước khi mang thai:
+ Đạt được và duy trì trọng lượng cơ thể bình thường và khỏe mạnh .
+ Kiểm tra trọng lượng cơ thể và sức khỏe tổng quát trước khi mang thai, cần tham khảo ý kiến của bác sỹ nếu gặp các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa.
+ Tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng và bắt đầu một chế độ ăn uống dành cho người chuẩn bị mang thai, đặc biệt bổ sung các vitamin trước khi mang thai.
+ Nếu mắc chứng rối loạn ăn uống cần điều trị trước khi mang thai.
- Trong thời gian mang thai: Bà bầu nên ăn gì?
+ Thường xuyên khám thai và thông báo cho bác sỹ theo dõi trực tiếp quá trình mang thai của bạn nếu bạn có nguy cơ mắc chứng rối loạn ăn uống.
+ Việc tăng cân bình thường là cần thiết trong thai kỳ vì vậy bạn cần cố gắng duy trì cho mình chế độ ăn uống hợp lý trong thai kỳ, nếu gặp phải cảm giác chán ăn hay háu ăn thì bạn cũng cố gắng chia nhỏ các bữa ăn, ăn một lượng thức ăn vừa phải và không quên cung cấp nước cho cơ thể. Bạn cần đấu tranh vượt qua cảm giác này với suy nghĩ “ăn vì sức khỏe của cả mẹ và con”.
+ Tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng và bắt đầu một chế độ ăn uống dành cho người mang thai, đặc biệt bổ sung các vitamin trong thời gian mang thai.
+ Không tự ý sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào để chữa trị các chứng rối loạn ăn uống mà cần đi khám và tham khảo ý kiến bác sỹ.
- Sau khi sinh:
Mắc chứng rối loạn ăn uống có thể dẫn đến nguy cơ mắc chứng trầm cảm sau khi sinh, hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé, đặc biệt là ảnh hưởng đến khả năng nuôi con bằng sữa mẹ. Vì vậy với những phụ nữ mắc chứng rối loạn ăn uống sau khi sinh cần được theo dõi và chăm sóc cẩn thận, không tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị mà cần thông qua ý kiến của bác sỹ điều trị.