Tác dụng của việc tiêm vắc xin cho trẻ

11:07 11/02/2014

(Giúp bạn)Tiêm vắc xin hay còn gọi là tiêm chủng là một biện pháp hữu hiệu góp phần không nhỏ trong việc khống chế, giảm nguy cơ mắc bệnh tật trong cộng đồng.

  • 1

    Tác dụng của việc tiêm vắc xin

    Mỗi năm trên thế giới có hàng trăm ngàn trẻ em bị tử vong vì những bệnh có thể phòng  ngừa được. Cũng như sức khỏe của hàng triệu trẻ em vẫn còn tiếp tục bị đe dọa thường xuyên vì chưa được tiêm chủng.

    Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là những đối tượng đặc biệt có nguy cơ bị mắc những bệnh nguy hiểm như: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, …Nếu đứa trẻ không được tiêm vắc xin và bị phơi nhiễm với tác nhân gây bệnh, cơ thể chúng có thể không đủ khoẻ để chống lại bệnh tật

    Ngày nay vắc xin được sử dụng rộng rãi trên thế giới vì là một biện pháp hiệu quả và rẻ tiền để nâng cao sức khoẻ. Trẻ em ở tất cả các quốc gia đều được tiêm chủng thường xuyên phòng ngừa các bệnh chủ yếu, và biện pháp này đã trở thành chính sách trung tâm trong các nỗ lực về y tế công cộng trên toàn thế giới.

  • 2

    Những loại vắc xin nên tiêm cho trẻ

    tac-dung-cua-viec-tiem-vac-xin-cho-tre-1

    Có khoảng 12 loại vắc xin cần tiêm cho trẻ ngay từ khi chúng mới ra đời như: vacxin viêm Gan B, vacxin ngừa thủy đậu, vacxin phòng bệnh lao,…

    Hiện nay đã có một số loại vắc xin phối hợp: Vắc xin phòng 2 bệnh: DTvax phòng bạch hầu, uốn ván; Vắc xin phòng 3 bệnh: DTC (hoặc DTP) phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà; Trimovax phòng sởi, quai bị và rubella. Vắc xin phòng 4 bệnh: Tetracoq phòng bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt; Vắc xin phòng 5 bệnh PentAct-Hib: Có tác dụng phòng các bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt và các bệnh do vi trùng Haemofilius Influenza B gây ra (viêm màng não mủ, viêm phổi, viêm nắp thanh quản, nhiễm trùng máu... ); Vắc xin 6 trong 1 phối hợp để tiêm phòng các loại bệnh: Bạch hầu, Ho gà vô bào, Uốn ván, Viêm gan B, Bại liệt bất hoại và các bệnh gây ra do vi khuẩn Haemophilus influenzae type B (HiB), nhất là viêm màng não mủ.
     
    Các thế hệ vắc xin phối hợp tiên tiến không những làm gia tăng hiệu quả của việc tiêm ngừa mà còn làm giảm thiểu rất nhiều các tác dụng phụ cho trẻ, trẻ ít bị sốt và bớt đau hơn nhiều sau tiêm ngừa.

    Tại các Trạm y tế xã phường, các Trung tâm y tế và một số bệnh viện Nhi – khoa Nhi của bệnh viện đều có các chỉ dẫn về tiêm chủng cũng như lịch theo dõi để các mẹ an tâm về sức khỏe của con mình hơn.
  • 3

    Cách cách sử dụng vắc xin và những lưu ý khi tiêm vắc xin

    Khi đứa trẻ không được tiêm chủng bị nhiễm vi khuẩn hoặc vi-rút, cơ thể của trẻ sẽ không đủ sức mạnh để chống lại, trẻ sẽ bị nhiễm bệnh.

    Chỉ với một mũi tiêm nhưng con bạn sẽ đảm bảo tránh được khỏi những căn bệnh nguy hiểm. Khi vắc xin được đưa vào cơ thể có thể gây nên một số phản ứng bất lợi, như: đau, sưng, đỏ tại nơi tiêm, sốt, nổi mề đay, ...Tuy nhiên, những phản ứng này chỉ là tạm thời, không gây nguy hại cho trẻ.

    Khi cho trẻ tiêm xong tại các Trung tâm y tế hoặc Trạm y tế xã phường cha mẹ nên theo dõi 30 phút sau đó mới cho trẻ về để xem có bị dị ứng với thuốc không. Và các mẹ nên nhớ khi bé bị ốm hoặc sức khỏe có dấu hiệu không tốt thì cũng không cho bé đi tiêm.
     
    tac-dung-cua-viec-tiem-vac-xin-cho-tre-2
     
    Việc tiêm phòng cho trẻ luôn luôn là cần thiết vì đó là cách an toàn nhất để bảo vệ cho con bạn, góp phần đảm bảo cho bé có một tuổi thơ vui khỏe. Vì vậy các mẹ cần phải nhớ lịch tiêm phòng của bé, cho bé tiêm đúng thời điểm, tránh trường hợp tiêm ngắt quãng để vắc xin có tác dụng tốt nhất.

Comments