Thắc mắc của mẹ bầu về lần khám thai đầu tiên
(Giúp bạn)Khám thai là việc làm cần thiết đối với các mẹ bầu. Đến thăm khám đinh kì giúp bạn theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của bạn.
Khám thai là việc làm cần thiết đối với các mẹ bầu. Đến thăm khám đinh kì giúp bạn theo dõi sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của bạn. Dưới đây là những thắc mắc chung của những bà mẹ trẻ về vấn đề này:
Tôi nên chuẩn bị những gì khi chuẩn bị đến bệnh viện khám ?
Bạn hãy ghi lại tất cả các câu bạn muốn hỏi bác sĩ để có thể tận dụng thời gian tối đa và nhận được những lời khuyên hữu ích. Đề cập đến những vấn đề bạn còn băn khoăn và cảm giác của bạn khi mang thai kể cả nó rất vụn vặt.
Mang theo một danh sách của tất cả các loại thuốc bạn đang uống (thuốc theo hoặc không theo đơn, các loại thuốc bổ sung) để bác sĩ tư vấn có nên tiếp tục sử dụng không.
Ghi nhớ ngày đầu tiên và cuối cùng của chu kì kinh để bác sĩ tính ngày dự sinh cho bạn Nếu bạn không để ý hoặc có kinh nguyệt không đều, bạn có thể siêu âm để xác định tuần tuổi của thai nhi.
Dành chút thời gian xem lại tiền sử bệnh tật của gia đình bạn và nhà chồng. Nếu không chắc chắn, bạn nên xác nhận lại với cha mẹ và người thân liệu có ai chứa gen nhiễm sắc thể hoặc rối loạn di truyền không. Sau đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn làm các xét nghiệm thai nhi.
Chuẩn bị trước khi đi khám thai là việc cần thiết
Bác sĩ sẽ kiểm tra những gì?
Bác sĩ sẽ bắt đầu hỏi bạn cảm thấy như thế nào cả về thể chất và cảm xúc, ví dụ những thắc mắc, lo lắng, than phiền để đưa ra những tư vấn tâm lí tốt nhất.
Mục đích của việc đến bệnh viện là để kiểm tra em bé của bạn đang phát triền như thế nào và cung cấp cho bạn các thông tin cần thiết để 2 mẹ con cùng khỏe mạnh. Bác sĩ sẽ kiểm tra cân nặng, huyết áp, nước tiểu; đo vòng bụng; kiểm tra vị trí của thai nhi; lắng nghe nhịp tim của bé; thực hiện các bài kiểm tra khác và các xét nghiệm cho phù hợp; theo dõi chặt chẽ các biến chứng bạn có thể mắc và can thiệp nếu cần thiết.
Bác sĩ sẽ đo huyết áp của mẹ bầu.
Cuối cùng, bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về kết quả thăm khám, giải thích những thay đổi bình thường của bà bầu để bạn chuẩn bị cho lần khám sau; các dấu hiệu bất thường để theo dõi cũng như tư vấn về các yếu tố đời sống, môi trường (như tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng tốt và tránh xa thuốc lá , rượu và ma túy).
Thùy Linh
Theo GDVN