Thảo dược cho ngày nghén

11:07 11/02/2014

(Giúp bạn)Một số loại thảo dược có công dụng trị nghén hiệu quả cho bà bầu.

Trong khi các nhà thảo dược học vẫn tin những gì bắt nguồn từ tự nhiên không chỉ hiệu quả, rẻ, mà còn tốt cho sức khỏe nhất thì những chuyên gia y học vẫn ít khi khuyên các bà bầu dùng thảo dược vì chưa đảm bảo độ an toàn tuyệt đối của nó. 

Không giống như thuốc kê đơn, thảo dược tự nhiên và những nguồn bổ sung vitamin không được đưa vào quá trình kiểm soát chặt chẽ của Viện Kiểm soát Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA). Chính vì vậy, chất lượng và hiệu quả của thuốc trong cùng loại cũng chưa chắc giống nhau.

Thực ra, thảo dược rất có lợi cho thai kỳ của bà bầu nhưng đây là con dao hai lưỡi, nếu sử dụng không đúng cách rất có khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sự sống thai nhi.

  • 1

    Những rủi ro khi sử dụng thảo dược

    thao-duoc-cho-ngay-nghen-1
    Minh Thư (Bình Dương) vốn thích ăn nha đam từ bé. Cuối tuần nào cô cũng mua nha đam về làm thạch cho chồng và mẹ chồng ăn giải khát, nhất là để chống chọi cái nóng của buổi trưa gay gắt. Đến khi Thư mang thai được 5 tháng, một người bạn ở xa đến thăm cô. 

    Thấy cả nhà ngồi ăn thạch nha đam một cách ngon lành, người bạn ấy mới kéo Thư nhắc khéo rằng nha đam thực chất rất nguy hiểm. Dù đây là vị thuốc trị nhiều bệnh nhưng với thai phụ, nha đam có thể gây thai dị tật hoặc sẩy thai. Sợ quá, ngày hôm sau cô đến gặp bác sĩ cấp tốc và từ đó… “cạch” hẳn món ăn yêu thích này.

    Trong khi đó, sau khi báo tin vui cho toàn bộ bạn bè, Quỳnh Như (Nghệ An) đã nhận được một gói nhân sâm từ người quen bên Mỹ gửi về làm quà mừng. Vừa là nhân sâm, lại là hàng “ngoại”, cô chẳng vội kiểm tra mà lấy ra uống hằng ngày vì nghe rằng nhân sâm “bổ và quý lắm”. Ít lần sau, cô bị tăng huyết áp và mất ngủ triền miên, sau khi đi khám bác sĩ mới biết đó là do… món quà quý của bạn mình.

    Hóa ra nhân sâm tốt thì tốt thật nhưng nếu lạm dụng thì lại gây dị ứng nặng và dẫn đến nhiều bệnh như xuất huyết, phù nước. Đặc biệt với thai phụ, trong 3 tháng đầu cần “cấm tiệt” loại thảo dược này nếu không muốn bị nôn mửa hoặc sảy thai.

    Không chỉ nha đam hay nhân sâm, còn rất nhiều loại thảo dược khác dù rất bổ dưỡng cho người bình thường, nhưng lại có khả năng gây hại cho cả thai phụ lẫn thai nhi, nếu không cẩn thận sử dụng, ví dụ như gây co thắt tử cung sinh non, gây khuyết tật thai nhi, thậm chí gây sẩy thai.

    thao-duoc-cho-ngay-nghen-2
    Bà bầu không nên lạm dụng việc sử dụng các loại thảo dược.

    Có thể liệt kê vào loại thảo dược phổ biến mà độc hại cho mẹ bầu như: nha đam, húng quế, cây bạc hà hăng, tầm gửi, rễ cây huyết dụ, nhân sâm, đinh hương… Để hiểu rõ, bạn cũng có thể tự tìm hiểu trên báo, tạp chí, internet hoặc bài viết của nhiều tổ chức nghiên cứu thảo dược. 

    Bởi vì những thông tin bạn kiếm được chưa đảm bảo hoàn toàn chính xác, vì vậy hãy luôn hỏi chuyên gia dinh dưỡng và bác sĩ để chắc chắn bạn được sử dụng thảo dược và liều lượng của nó.

  • 2

    Thảo dược bổ dưỡng cho sức khỏe

    Phụ thuộc vào tình trạng của bạn mà bác sĩ có thể đưa đơn những loại thảo dược bạn nên sử dụng. Tuyệt đối không bao giờ tự mình kê đơn hoặc dùng đơn thuốc của người khác, kể cả đơn thảo dược cũng vậy. Vì cơ địa của mỗi người khác nhau, hãy nghe theo sự giám sát kỹ càng nhất của bác sĩ để sử dụng thảo dược phù hợp trong thai kỳ.

    Chúng tôi gợi ý cho bạn một vài thảo dược an toàn, bổ dưỡng mà các bà bầu nên sử dụng.

    Lá mâm xôi: Giàu chất sắt và có khả năng bổ sung chức năng sản xuất sữa, giảm buồn nôn và giảm đau khi sinh. 

    Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng thai phụ sử dụng lá mâm xôi đỏ có thể giảm biến chứng thai nhi và hạn chế tình huống phải sử dụng các biện pháp can thiệp trong khi sinh. Bên cạnh đó, trà từ lá mâm xôi đỏ còn giúp tử cung thêm khỏe mạnh suốt thời kỳ mang thai.

    Tuy nhiên, tốt nhất là chỉ nên dùng nó vào giai đoạn thứ 2 và 3 trong thai kỳ, để tránh những biến chứng cho thai nhi cũng như ảnh hưởng sức khỏe mẹ.

    Lá bạc hà: Hỗ trợ giảm buồn nôn/ ốm nghén và đầy hơi trong bụng.

    Rễ gừng
    : Hỗ trợ giảm buồn nôn/ ốm nghén và rối loạn tiêu hóa.

    Rơm yến mạch: Giàu canxi và magie giúp giảm thiểu lo lắng, bồn chồn và dị ứng ngoài da.

    Cỏ linh lăng
    : Giàu canxi, sắt và vitamin K cung cấp khoáng chất và giảm nguy cơ xuất huyết trong.

    Cây bồ công anh: Giàu vitamin và khoáng chất tăng cường chức năng thận và bổ gan. Không chỉ thế, nó còn loại bỏ nước dư thừa giúp lợi tiểu. Tuy nhiên đừng lạm dụng thảo dược này trong thời gian quá dài vì sẽ gây phản tác dụng.

Comments