Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh

14:28 14/04/2015

(Giúp bạn)Nhiều bậc cha mẹ tỏ ra hết sức lo lắng khi thấy ở vùng rốn của bé lồi lên một khối nhỏ, nó phình lên mỗi khi bé khóc, rướn người… Đó là thoát vị rốn, một dị tật khá phổ biến ở trẻ sơ sinh.

Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh là gì?

Theo VnExpress, thoát vị xảy ra khi tổ chức hay một phần nội tạng lồi ra khỏi vị trí bình thường của nó trong cơ thể. Thoát vị rốn xảy ra khi nội tạng trong ổ bụng chui ra ngoài, tạo thành một khối lồi tại vùng rốn. Khối thoát vị có thể chứa dịch, một phần nội tạng ví dụ như ruột, hoặc các tổ chức khác từ ổ bụng.

Thoát vị rốn xảy ra thường xuyên nhất ở các bé sinh non hoặc có cân nặng khi sinh thấp. Dị tật này xảy ra nhiều hơn ở các bé gái.

Nguyên nhân

Trẻ được sinh ra với dây rốn gắn ở bụng. Dây này đưa chất dinh dưỡng tới nuôi bé trong suốt thời gian trong bụng mẹ. Dây rốn được cắt sau khi bé chào đời. Trong vòng 1-2 tuần sau khi sinh, cuống rốn teo dần và rụng đi, vết thương tự lành và tạo nên rốn của trẻ.

Lỗ ở thành bụng nơi dây rốn đi qua sẽ tự đóng lại khi bé lớn lên. Thoát vị rốn xảy ra khi các cơ bụng đóng không kín.

Dấu hiệu

Một khối tròn nổi lên ngay tại vị trí lỗ rốn. Bạn có thể nhìn thấy khối lồi này và cảm nhận nó khi ấn thật nhẹ nhàng lên vùng rốn. Khối thoát vị có thể to lên khi bé khóc, ho, ưỡn người để đi ngoài hay khi bé ngồi dậy. Khối này có thể nhỏ đi hoặc biến mất khi bé thư giãn. Thoát vị rốn thường không gây đau.

-1

Có thể gây biến chứng không?

Báo Sức khỏe và Đời sống cho biết, thoát vị rốn ở trẻ nhỏ hiếm khi gây biến chứng. Tuy nhiên đôi khi một đoạn quai ruột có thể bị kẹt trong khối thoát vị và không thể đẩy ngược trở lại ổ bụng. Máu tới đoạn ruột đó ít đi, gây đau ở vùng rốn và tổn thương mô ruột.

Trầm trọng hơn, đoạn ruột có thể bị nghẹt trong quá trình phát triển của trẻ, hoàn toàn không nhận được máu, dẫn tới hoại tử. Nhiễm trùng có thể lan tỏa trong ổ bụng, đe dọa tính mạng.

Điều trị

Phần lớn các bác sĩ khuyên cha mẹ không làm gì vì đa số trường hợp bệnh sẽ tự khỏi khi bé được 1 tuổi vì cơ thành bụng khỏe hơn và có thể đóng kín lỗ hổng thành bụng, thoát vị sẽ tự mất đi. Trong một số trường hợp thoát vị chỉ mất đi sau 4 - 5 tuổi.

Khi thăm khám, bác sĩ có thể dễ dàng đẩy khối thoát vị vào ổ bụng, tuy nhiên bạn không nên cố gắng tự làm việc này.

Phẫu thuật thường được chỉ định cho những trường hợp khối thoát vị rất lớn và gây đau đớn, hoặc: To lên khi bé được 1 - 2 tuổi; không mất đi khi bé lên 4; bị nghẹt.

Khi nào cần đưa trẻ tới cơ sở y tế?

Khi trẻ có các dấu hiệu: Khóc ngằn ngặt, hoặc tỏ ra đau đớn; Bụng có vẻ to hơn, tròn hơn, “đầy” hơn bình thường; vùng da trên khối thoát vị trở nên sưng nề và đỏ; sốt; nôn; khó đi ngoài hoặc hoàn toàn không đi ngoài; Có máu trong phân, cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và xử trí thích hợp.

Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh: Có nên mổ không?

Báo Lao động cho hay, theo các bác sĩ, nếu như đường kính của lỗ thoát vị rốn không lớn hơn từ 1,5 đến 2 cm thì chúng sẽ tự liền lại trong khoảng từ 12 đến 24 tháng, cha mẹ không cần đưa con đi mổ.

Tới 18 tháng tuổi mà lỗ thoát vị rốn vẫn không liền lại thì cũng không cần phải mổ rốn trẻ. Nhưng nếu lỗ rốn quá to thì cách tốt nhất là đưa trẻ tới bác sĩ khâu lỗ rốn lại và cắt bỏ các phần dư thừa của rốn.

Các bác sĩ cho biết, thoát vị rốn khác với các loại thoát vị khác ở chỗ nó không có túi thoát vị - nơi các cơ quan nội tạng có thể chui vào. Thực chất thoát vị rốn là có vòng rốn trong thành khoang bụng, một hiện tượng xuất hiện khi các thành trong khoang bụng không dính sát được vào với nhau.

-2

Khi đứa trẻ kêu khóc, áp suất trong khoang bụng tăng lên làm cho rốn bị phồng. Mới nhìn, cha mẹ có thể thấy trẻ có cảm giác đau đớn nhưng thực ra không hề đau chút nào.

Chứng thoát vị rốn rất hay gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ đẻ thiếu tháng. Việc có cần phải mổ rốn của trẻ hay không phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thế. Nếu như đường kính của lỗ thoát vị rốn không lớn hơn 1,5 đến 2 cm thì chúng sẽ tự liền lại. Thường lỗ thoát vị rốn sẽ liền lại trong khoảng từ 12 đến 24 tháng.

Để đẩy nhanh quá trình liền lại của lỗ thoát vị hàng ngày nên làm các động tác mát xa nhẹ thành bụng của trẻ và đặt nằm sấp. Cha mẹ không nên nghe “kinh nghiệm” đặt đồng xu vào lỗ thoát vị ở rốn vì như vậy có thể làm tổn thương hoặc làm cho rốn của trẻ nhiễm trùng.

Các chuyên gia cũng tư vấn, sau khi đón trẻ từ nhà hộ sinh về cần chăm sóc trẻ theo trình tự sau: Rửa sạch tay bằng xà phòng, sau đó lấy một que diêm bẻ đầu, quấn bông vào rồi tẩm dung dịch thuốc tím 5%, bôi thẳng vào giữa vết cắt rốn chứ không phải xung quanh rốn. Hàng ngày cần chăm sóc rốn của trẻ. Các băng dùng băng rốn cho trẻ cần phải giặt qua nước sôi và được là kỹ.

Đồng thời, cha mẹ nên để ý phát hiện bất thường ở rốn của trẻ. Nếu thấy có mùi hôi và chảy mủ cần cho trẻ đến bác sĩ nhi khoa khám, rốn của con bạn có thể đã bị viêm nhiễm.

Thuốc tham khảo: Thuốc tím 1g

Thuốc dùng để sát khuẩn

Thùy Linh

Nên đọc
-3 Thuốc dự phòng và điều trị viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh
-4 Cách chăm sóc trẻ sơ sinh khi trời lạnh
-5 Tác hại của việc bật đèn khi ngủ đối với trẻ sơ sinh
-6 Trẻ sơ sinh thở khò khè khi bú

Theo GDVN

Comments