Thực phẩm kém 'thân thiện' với trẻ em
(Giúp bạn)Cùng 'điểm danh' những đồ ăn không tốt cho sức khỏe của trẻ nhé!
- 1
Khoai tây chiên
Không có gì ngạc nhiên khi nhiều trẻ khoái món khoai tây chiên. Nhưng thực tế, món ăn này không có lợi nhiều cho sức khỏe trẻ. Vì khoai tây chiên được chế biến ở nhiệt độ cao sinh ra chất béo đồng phân. Nếu tỷ lệ chất béo này chiếm từ 5-10% trở lên tổng lượng chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ sẽ dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như: béo phì, tim mạch, huyết áp cao...
- 2
Thạch
Thạch là món ăn phổ thông của trẻ nhỏ nhưng không nhiều bậc cha mẹ hiểu/ biết về thành phần các chất có trong thạch. Nếu phụ huynh nào nghĩ rằng, thạch là chế phẩm từ hoa quả thì thật sai lầm. Sự thật, thạch có chứa carrageenan và nước, chất nhũ hóa, sodium alginate, agar, chất kết đông gelatin, hương liệu,… các chất này có thể gây ảnh hưởng đến sự hấp thụ dưỡng chất khác, gây cản trở quá trình trao đổi chất.
Hơn thế nữa, nguy cơ trẻ bị hóc, tắc nghẽn dẫn đến tử vong khi ăn thạch mà không có sự giám sát của người lớn cũng rất dễ xảy ra.
- 3
Đồ ăn nhanh
Với những bà mẹ ‘công nghiệp’ thì việc lựa chọn đồ ăn nhanh cho con là giải pháp được ưu ái. Nhưng mẹ có biết, mẹ giảm thời gian bếp núc là sự tăng trưởng và phát triển của con cũng bị hệ lụy xấu?
Thức ăn nhanh dễ khiến trẻ nghiện và nhanh mắc bệnh béo phì. Các chất cholesterol trong đồ ăn nhanh có thịt sẽ tích tụ lại trong máu và gây các bệnh về tim mạch, ngăn cản sự lưu thông của máu dẫn đến nhồi máu cơ tim.
- 4
Đường trắng
Nếu mẹ nào đã, đang cho trẻ dùng đường trắng thì rất nên lo cho sức khỏe của trẻ! Vì trẻ ăn đường trắng lâu ngày sẽ hình thành thể chất và não mang tính axit, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển trí lực, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển răng...
- 5
Mật ong
Mật ong chứa khá nhiều chất dinh dưỡng, nên có tác dụng tốt với sức khoẻ, như: bù đắp năng lượng, tăng sức đề kháng, sát trùng, liền sẹo, chữa phỏng nhẹ, vết côn trùng đốt... Tuy nhiên, mật ong dù tốt nhưng không phải ai dùng cũng thích hợp.
Nhiều bà mẹ có thói quen khi trẻ bị tưa lưỡi thì dùng mật ong rơ lưỡi trẻ, hay lúc trời trở lạnh cho con uống mật ong để mát phổi, tăng đề kháng, bổ não… Đây là những cách làm có thể gây hại cho trẻ.
Để an toàn, không nên cho trẻ uống mật ong khi còn quá nhỏ (dưới 12 tháng tuổi). Bé đã hơn một tuổi chỉ thi thoảng dùng một ít. Trẻ đã trên 10 tuổi thì có thể cho uống nhiều hơn. Khi cho trẻ uống mật ong nên pha với nước ấm, sẽ dễ hấp thụ hơn là uống trực tiếp. Nên cho trẻ uống mật ong trước bữa ăn chừng một tiếng đồng hồ hoặc sau bữa ăn 2 - 3 tiếng.
Không nên cho trẻ dùng mật ong tùy tiện
- 6
Nước trái cây
Nước ép trái cây được nhiều mẹ xem là ‘thành phần’ không thể thiếu trong thực đơn dinh dưỡng hàng ngày, thậm chí là món chính cho một bữa ăn phụ của trẻ. Nếu mẹ nào cũng đang nghĩ như thế thì coi chừng sẽ làm lệch khẩu phần ăn của con.
Trước hết, thành phần các chất dinh dưỡng có trong nước ép trái cây là: Nước chiếm 99% trọng lượng; các chất hòa tan như đường đơn giản (đường fructose) làm tăng đường huyết nhanh; một vài vitamin tan trong nước mà chủ yếu là vitamin C và một chút vitamin nhóm B. Những thứ bỏ lại trong phần xác mới là ‘hàng hiệu’, đó là: chất xơ, đa số vitamin nhóm B, chất khoáng...
Với trẻ từ 6 tháng trở lên, nước trái cây có thể được dùng thỉnh thoảng trong bữa ăn dặm để thay đổi khẩu vị, nhưng không phải là thường xuyên.
- 7
Nước có ga
Nước ngọt có ga gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển sức khỏe của bé. Thành phần chủ yếu trong nước ngọt có ga bao gồm: nước, đường, acid phosphoric, khoáng phosphate, cafein, cola, sodium benzoate, hương liệu và chất tạo màu. Những chất này nếu nạp vào cơ thể thường xuyên sẽ gây ra hiện tượng béo phì, sâu răng, nhức đầu, ngủ kém, loãng xương, bệnh dạ dày, ung thư... Vì vậy, cần kiểm soát liều lượng nước ngọt mà bé uống mỗi ngày.