Top bệnh ở mẹ gây hại tới thai nhi

16:23 10/02/2014

(Giúp bạn)Các bệnh nhiễm khuẩn như rubella, nấm âm đạo, viêm gan... là nguyên nhân gây sẩy thai, sinh non hoặc dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Khi vừa sinh ra cho đến suốt cuộc đời, chúng ta tiếp xúc với rất nhiều loại virus và vi khuẩn khác nhau trong môi trường sống xung quanh, rất may là hầu hết đều được cơ thể tạo ra kháng thể chống lại các loại nhiễm trùng này. Nếu cơ thể đã tạo được kháng thể trước khi mang thai, bạn sẽ ngăn ngừa được nhiều loại nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Còn không, nguy cơ tổn hại đến sự phát triển và tính mạng của bé trong bụng là khó tránh khỏi nếu mẹ chẳng may mắc phải 1 số loại nhiễm trùng phổ biến sau đây.

  • 1

    Rubella (sởi Đức)

    top-benh-o-me-gay-hai-toi-thai-nhi-1

    Mẹ bầu mắc bệnh rubella trong 3 tháng đầu bầu bí có thể dẫn đến trên 80%  nguy cơ thai nhi bị dị tật nghiêm trọng

    Đây là loại nhiễm trùng do virus rubella gây ra, lây truyền qua đường hô hấp, thời gian ủ bệnh từ 1 - 2 tuần, sau đó khởi phát với tình trạng người bệnh bị mệt mỏi, sốt nhẹ đến vừa và phát ban giống ban đỏ. Ban xuất hiện đầu tiên ở mặt rồi lan ra khắp mình và tứ chi, ít khi kéo dài quá 3 ngày, bên cạnh đó cũng có khoảng 25% trường hợp nhiễm bệnh mà không có biểu hiện nổi ban. Bệnh dù không đáng ngại đối với người bình thường, trẻ nhỏ hay người già, nhưng lại nguy hiểm cho bà bầu và thai nhi, nhất là nếu bị nhiễm vào các thàng đầu tiên của thai kỳ. Người mẹ nhiễm bệnh trong 3 tháng đầu tiên thì khả năng gây dị tật cho thai nhi lên đến 80 - 90%, gồm các dị tật như điếc, đục thủy tinh thể, mắt nhỏ, tăng nhãn áp bẩm sinh, dị tật tim, sẩy thai, sinh non, phù bánh nhau, thay đổi lượng nước ối, trẻ sinh ra bị vàng da nặng, bị xuất huyết do giảm tiểu cầu v.v… Tỷ lệ ảnh hưởng đến thai giảm dần nếu mẹ bầu mắc bệnh ở các quý sau thai kỳ, cụ thể tỷ lệ mắc bệnh cho thai nhi từ 12 – 17 tuần tuổi là 50%, từ sau 20 tuần tuổi hầu như không ảnh hưởng …

    Do đó, trước khi thụ thai, bạn nên kiểm tra xem đã có kháng thể bệnh rubella hay chưa. Đừng tin rằng đã được miễn nhiễm vì bạn từng chích ngừa, do các kháng thể sẽ mất hiệu lực sau 1 thời gian. Nếu chưa được miễn nhiễm, bạn cần chích ngừa và phải chờ ít nhất 3 tháng sau mới được thụ thai. Khi nghi ngờ có tiếp xúc với người nhiễm rubella trong thời gian mang thai, bạn phải báo bác sĩ để làm xét nghiệm máu xem mình có bị nhiễm hay không để chủ động đối phó trong trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với loại virus này, thường bác sĩ sẽ khuyên phải bỏ thai để tránh nguy cơ bào thai bị dị tật.

  • 2

    Bệnh lây truyền qua đường sinh dục

    top-benh-o-me-gay-hai-toi-thai-nhi-2

    Các bệnh lây truyền qua đường sinh dục hầu hết đều tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho bà bầu, nhất là với bé trong bụng mẹ

    Một điều đáng lo ngại ở các bệnh lây truyền qua đường sinh dục là chúng thường không có biểu hiện gì cụ thể, thời gian ủ bệnh dài, làm bà bầu khó phát hiện đang nhiễm bệnh, nhưng lại gây hại không nhỏ cho thai nhi.

    - Bệnh lậu. Bệnh lậu thường có 2 giai đoạn: cấp tính và mãn tính. Ở phụ nữ, thời gian ủ bệnh khó xác định vì các triệu chứng lậu rất kín đáo, chỉ biểu hiện ở âm đạo, cổ tử cung như tiểu rắt, đau vùng xương mu sau giao hợp, thăm khám sẽ thấy viêm niệu đạo, cổ tử cung, viêm âm hộ, âm đạo (tấy đỏ, có mủ) …Với tình trạng mãn tính, bệnh sẽ có thêm triệu chứng ngoài là khí hư màu vàng, có khi gây viêm hậu môn. Bà bầu nhiễm bệnh lậu có nguy cơ cao về sẩy thai, nhiễm trùng ối hoặc chuyển dạ sớm, nhiễm trùng đường tiểu v.v… Trong quá trình chuyển dạ, nếu trẻ sinh ra qua đường âm đạo thì vi khuẩn có thể truyền sang cho bé, gây mù mắt, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng khớp, viêm màng não ….

    - Mụn rộp (Herpes sinh dục).  Bà bầu nhiễm bệnh này thường bị ngứa, khó chịu vùng sinh dục, mệt mỏi, đau đầu, sốt. Bệnh cũng gây rối loạn tiểu tiện, viêm màng não ở thể nhẹ, tăng nguy cơ sẩy thai và sinh non. Đồng thời, khi vỡ ối hoặc trong lúc chuyển dạ, bào thai sẽ có nguy cơ nhiễm siêu vi, với khoảng 50% trẻ sinh ra bị nhiễm trùng dạng herpes ở mắt, miệng, da. Nếu người mẹ không sinh thường thì nguy cơ nhiễm bệnh ở trẻ thấp hơn tỷ lệ 1/1000. Trong trường hợp đã bị hoặc tái nhiễm herpes ở tuần thai 34 trở lên, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm xem có siêu vi hay không và thường chỉ định nên mổ lấy thai để giữ an toàn cho bé.

    - Bệnh giang mai. Đây là 1 bệnh lây nguy hiểm chỉ sau AIDS, do vi khuẩn xoắn treponema pallidum gây ra làm tổn thương khắp nơi trên cơ thể: ở da, niêm mạc, cơ, xương, nội tạng, nhất là tim mạch và thần kinh. Vốn là mối đe dọa ngay cả đối với người khỏe mạnh nên vì thế, khi bà bầu mắc bệnh giang mai thì mức độ ảnh hưởng đến thai nhi càng thêm trầm trọng. Theo nghiên cứu, tỷ lệ tử vong của trẻ nằm trong bụng mẹ bị giang mai là khoảng 25%, tỷ lệ truyền bệnh cho bé sau sinh là khoảng từ 40 – 70%. Thường sau khi chào đời từ 2 – 3 tuần, trẻ bị lây giang mai từ mẹ sẽ có nhiều triệu chứng như phát ban, đau ngoài da, sốt, mệt mỏi, khóc khàn giọng, sưng gan, lá lách, vàng da, thiếu máu v.v… Do vậy khi mang thai, nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ bị nhiễm bệnh, bà bầu cần được thăm khám và điều trị cẩn thận để tránh lây nhiễm cho bé.

    top-benh-o-me-gay-hai-toi-thai-nhi-3

    Sex an toàn, dùng bao cao su khi quan hệ v.v….là cách để mẹ bầu tránh xa các bệnh lây truyền qua đường sinh dục trước và trong giai đoạn bầu bí

    - Nhiễm khuẩn âm đạo. Viêm nhiễm xảy ra do sự thay đổi của hormone trong cơ thể và nếu không cẩn thận có thể chuyển thành nhiễm trùng âm đạo, có nguy cơ làm vỡ màng tế bào và tăng khả năng sinh non. 1 số nghiên cứu còn chỉ ra rằng nhiễm khuẩn âm đạo cũng liên qua đến sẩy thai trong khoảng tháng thứ 3 – 6 của thai kỳ. Đối với bệnh nấm âm đạo, nếu sinh thường, trẻ có thể bị lây từ mẹ, biểu hiện là những mảng trắng trong miệng và phải được điều trị lặp tức bằng 1 đợt thuốc chống nấm. Vì vậy, bà bầu cần ngăn ngừa bằng cách giảm ăn đường và các thực phẩm ngọt, luôn để vùng kín sạch sẽ, khô thoáng, mặc đồ lót bằng cotton có khả năng thấm hút tốt, uống nhiều nước v.v…

  • 3

    Bệnh HIV và AIDS

    Rất may với sự tiến bộ của y học hiện đại, tỷ lệ trẻ lây bệnh từ mẹ bầu bị HIV đã giảm rõ rệt nhờ sự chăm sóc cẩn thận và đặc biệt trong suốt thai kỳ. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Nhàn, Trưởng phòng Điều trị và chăm sóc, Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), khi biết mình bị nhiễm HIV, bên cạnh dưỡng thai như các mẹ bình thường khác, người nhiễm HIV còn được chăm sóc, uống thuốc ARV để phòng tránh lây bệnh sang con. Với những thai phụ có HIV còn ở tình trạng miễn dịch tốt, sẽ được điều trị dự phòng bằng AZT liên tục cho đến khi chuyển dạ, song song với bổ sung vitamin, sắt, điều trị nhiễm trùng cơ hội suốt thai kỳ.

    Dù điều trị tích cực, nhưng vẫn có trường hợp bé sinh ra bị nhiễm HIV và phát triển thành bệnh AIDS hoặc mang kháng thể HIV từ mẹ và kháng thể này sẽ biến mất sau khoảng 18 tháng. Vì các nguy cơ này, người mẹ mang HIV/ AIDS cần được tham vấn, chữa trị để giữ thai kỳ khỏe mạnh và tránh nhiễm sang cho thai nhi.

    top-benh-o-me-gay-hai-toi-thai-nhi-4

    Hầu hết trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HIV/AIDS nếu được chăm sóc và điều trị sát sao trong suốt thai kỳ đều thoát khỏi nguy cơ lây truyền bệnh từ mẹ

  • 4

    Viêm gan B và C

    Theo 1 số nghiên cứu trong và ngoài nước, tỷ lệ thai phụ có kết quả xét nghiệm dương tính với viêm gan B lên đến từ 20 – 30%. Dù không phải chỉ định bỏ thai, nhưng em bé có mẹ nhiễm viêm gan B sẽ có nguy cơ lây nhiễm trực tiếp từ mẹ, dù sinh thường hay sinh mổ. Khi khám thai, thai phụ được xét nghiệm để xác định có nhiễm viêm gan B hay không, nằm trong giới hạn bình thường mang mầm bệnh hay bệnh đang tiến triển v.v… Nếu mẹ đang mang mầm bệnh thì tỷ lệ truyền sang bé khoảng 10 – 15 %. Tỷ lệ này sẽ tăng đến 90% khi tình trạng viêm gan B ở mẹ đang tiến triển…Để ngăn ngừa bệnh lây sang cho trẻ, sau khi chào đời, trong vòng 24 giờ đầu tiên, bé được tiêm phòng ngay, sau đó sẽ được tiêm nhắc lại vào thời điểm 2 tháng và 4 tháng sau.

    Ngoài viêm gan B, viêm gan C cũng được xem là loại viêm nhiễm nguy hiểm, với số người mang mầm bệnh ở Châu á lên đến 87%. Có đến 80% người nhiễm siêu vi C  không tự loại trừ được bệnh và tự chuyển thành viêm gan C mãn tính, sau 10 – 30 năm có tới 30% người bệnh chuyển thành xơ gan và ung thư gan. Một điều an ủi với bà bầu nhiễm viêm gan C là tỷ lệ mẹ truyền sang con không cao, chiếm khoảng 6%. Nguy cơ này chỉ gia tăng nếu đồng thời người mẹ mắc thêm các bệnh truyền nhiễm khác. Để phòng ngừa lây nhiễm cho trẻ, sau khi sinh bé sẽ được lau sạch máu, và người mẹ mang bệnh vẫn có thể cho bé bú bình thường vì số lượng siêu vi trong sữa mẹ không đủ gây nhiễm trùng cho bé, đồng thời hệ tiêu hóa của bé cũng có khả năng triệt tiêu nguy cơ lây nhiễm từ mẹ.

  • 5

    Các loại nhiễm trùng khác

    top-benh-o-me-gay-hai-toi-thai-nhi-5

    Chó mèo và những loài vật cưng khác trong nhà là nguồn lây nhiễm bệnh toxoplasmosis làm thai nhi bị mù, dị tật hoặc tử vong

    Ngoài các loại nhiễm trùng kể trên, còn có nhiều loại virus, vi khuẩn mà mẹ mắc phải có thể gây hại đến thai nhi, trong đó phải kể đến liên cầu khuẩn nhóm B và bệnh toxoplasmosis. Liên cầu khuẩn nhóm B là loại vi khuẩn có trong ruột người, có thể sống ở âm đạo và lây truyền sang bé trong quá trình sinh nở, gây tình trạng thai chết lưu hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh. Do đó, vào cuối thai kỳ người mẹ cần xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B để có phương án dùng kháng sinh nếu bị nhiễm, giúp giảm nguy cơ lây cho bé.

    Với bệnh toxoplasmosis do ký sinh trùng gây ra, người mẹ sẽ không gặp nguy hiểm nhiều về sức khỏe nhưng lại có thể ảnh hưởng trầm trọng đến thai nhi, gây hại đến não bộ, làm mù lòa, tử vong bào thai và đặc biệt nguy hiểm vào 3 tháng cuối thai kỳ. Loại ký sinh trùng gây hại này thường có trong phân của các loài vật, nhất là mèo cũng như do ăn thịt chưa nấu chín kỹ, vì vậy mẹ bầu cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với những nguồn lây nhiễm này.

Comments