Trẻ bị bắt nạt - dạy trẻ đối phó
(Giúp bạn)Nhiều bậc cha mẹ chỉ dạy con phải biết nhường nhịn, không được đánh nhau mà quên hướng dẫn trẻ cách xử lý, đối phó khi bị bắt nạt. Đến lúc thấy con luống cuống đối mặt với những tình huống này, họ mới kịp nhận ra…
- 1
Bước 1 – “tiếp cận”: Trẻ thường thích bắt chước các nhân vật yêu thích, nên bạn hãy cùng bé xem phim. Nếu thấy những hành động can đảm trong phim, bạn nên nói ngay với con: “Bạn (công chúa, hoàng tử, con vật…) đó thật là can đảm phải không con?”. Một vài lần như vậy, bé sẽ thích từ “can đảm” và cũng thích được bố mẹ khen là can đảm.
- 2
Bước 2 - thực hành: Bạn đóng vai “người xấu”, còn bé là một anh hùng, một công chúa can đảm hay một bà tiên, rồi cùng “chiến đấu” với nhau. Bạn nên cho bé thắng phần nhiều, nhưng cũng cần để con “nếm trải” mùi vị của những “cuộc chiến”. Bạn cũng có thể giả làm một người bạn của bé ở lớp học. Sau đó, bạn vừa nói, vừa thực hành cho con thấy: “Bây giờ, bố/mẹ là bạn của con. Nếu bị bạn đánh, con nói “stop”. Bạn vẫn đánh nữa, con hãy đẩy ra giống như thế này (minh họa dùng 2 tay đẩy con).
- 3
Bước 3 - thực tế: Dẫn con ra ngoài chơi, bé gặp người lạ và sợ, bạn đừng ôm ấp hay dỗ dành. Bạn hãy bảo bé chào và khuyến khích: “con phải can đảm chứ!”. Có thể bé sẽ không chào, nhưng bạn cứ giả vờ không qua tâm, tiếp tục nói chuyện bình thường với họ, để bé thấy người đó chẳng có gì đáng sợ. Khi còn lại hai mẹ con, bạn chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng và cho bé biết, rằng con đã lỡ một dịp thể hiện sự can đảm của mình. Gặp các con vật, sâu bọ hay sấm chớp..., nên bình tĩnh và cho bé thấy “không có gì đáng sợ”. Sau một thời gian, bé sẽ dạn dĩ lên.
Nếu bị bắt nạt ở lớp, hãy nói với thầy/cô giáo để bảo vệ trẻ. Bạn cũng có thể xin gặp phụ huynh của trẻ đánh con mình để nói chuyện hoặc chỉ gặp riêng bạn nhỏ đó để khuyên nhủ hay răn đe. Làm sao để trẻ thấy không sợ vì luôn được bảo vệ và có thể tự bảo vệ.
- 4
Lời khuyên chuyên gia
Bác sĩ Tâm lý Thúy Minh cho biết, dạy con im lặng hoặc nín nhịn khi bị bắt nạt là sai lầm, vì sẽ làm bé mất tự tin và ngày càng thu mình. Sau này, bé có thể ỷ lại hoặc dựa dẫm vào người khác mà không tự mình xử lý được các tình huống. Tuy nhiên, dạy con đánh lại bạn cũng không nên vì vô tình, bạn đã gieo cho trẻ quan niệm dùng vũ lực để giải quyết mọi vấn đề là tối ưu nhất. Bạn cần khuyên con rằng: Nếu bị bắt nạt, con không nổi giận, nóng nảy hoặc bỏ chạy, không răm rắp nghe theo lời kẻ bắt nạt. Con phải giữ người đứng thẳng, nhìn thẳng vào mắt những kẻ bắt nạt và nói chúng không được chọc ghẹo hay đe dọa nữa (giọng nghiêm trang và không hề run sợ), rồi đi thẳng. Thông báo cho cô giáo hay bố mẹ biết mình bị các bạn đánh hoặc bắt nạt. Để tránh phải đối mặt với những tình huống này, con hãy đi thành từng nhóm bạn hoặc đi theo các nhóm bạn khác nhau.